Theo Ban Chỉ đạo quốc giavề phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 128 trận động đất, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 09 trận lũ ống, lũ quét, 160 điểm sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc, trong đó từ giữa tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 04 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 06 đợt mưa lũ lớn diện rộng.
Tính đến ngày 04/12/2021, thiên tai đã làm 107 người chết, mất tích, 95 người bị thương. 302 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.925 nhà bị hư hỏng, tốc mái. 194.528 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. 137.852 ha lúa, rau màu và 13.789 ha cây trồng bị thiệt hại. 193,6 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở. 410km đường giao thông sạt lở; 1.542.000 m3 đất đá, bê tông. Theo thống kê bước đầu, ước tính giá trị thiệt hại hơn 4.800 tỷ đồng.
Thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020 nhưng mang nhiều yếu tố bất thường; song với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và sự chủ động của người dân nên đã giảm thiểu thiệt hại (giảm 250 người chết, mất tích (năm 2020: 357 người); giảm 817 người bị thương (năm 2020: 912 người); giảm 3.127 nhà sập (năm 2020: 3.429 nhà sập), giảm 301.246 nhà bị hư hại (năm 2020: 333.084 nhà). Thiệt hại kinh tế giảm 35.167 tỷ đồng (năm 2020: 39.962 tỷ đồng)).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai. Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2021, đã xảy ra 12 đợt mưa diện rộng và mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa ở vùng đồng bằng và thành phố Huế 3.247mm đạt 107%; vùng A Lưới 3.763mm đạt 95% trung bình nhiều năm và Nam Đông 4.192mm đạt 107 % tổng lượng mưa cả năm của trung bình nhiều năm.
Về tình hình thiệt hại do thiên tai, năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế k có thiệt hại về người. 29 nhà bị tốc mái với mức độ dưới 30%, người dân và chính quyền địa phương đã hỗ trợ khắc phục. Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng bờ sông tiếp tục sạt lở khoảng 13km, sạt lở bờ biển khoảng 12,4km, chính quyền địa phương đã huy động vật tư, nhân lực để xử lý tạm thời các điểm sạt lở bờ biển nặng; nhiều công trình hạ tầng, dân sinh thiết yếu, công trình giao thông, thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Để tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế sớm khắc phục thiệt hại của bão lũ, phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống dân cư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khoảng 250 tỷ đồng để xử lý chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn Tân An, thôn Trung An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài khoảng 3km; đoạn qua xã Giang Hải - Vinh Hiền, huyện Phú Lộc dài khoảng 1,3 km; và đoạn qua xã Phú Hải, huyện Phú Vang dài khoảng 01km (hiện nay có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 127km bờ biển) bị sạt lở nặng.
Hiện nay có hơn 12,4km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế (trong tổng số 127km bờ biển) bị sạt lở nặng
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo, không theo quy luật, xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa lớn gây mức lũ gần mức lịch sử tại nhiều địa phương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. “19 người chết do mưa lũ là điều rất xót xa”, Thủ tướng chia sẻ.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.
Trước mắt, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh. Các cấp ủy phải nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chính quyền tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, sát dân, MTTQ và các đoàn thể cùng vào cuộc.
Một nhiệm vụ khác là tập trung khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, vệ sinh, dọn dẹp môi trường, nhất là tại các trường học, cơ sở y tế, thu gom xử lý rác thải… Cùng với đó, khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở; khắc phục các sự cố, khôi phục việc cấp điện, nước, bảo đảm thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm khác; khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, hồ đập…; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sau đợt mưa lũ vừa qua. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…) tại miền Trung, Nam bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng chống, ứng phó thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khả năng thích ứng, ứng phó, dự báo, cảnh báo lũ lụt, thiên tai, tránh tình trạng diễn tập suôn sẻ nhưng khi có sự cố xảy ra thì lúng túng. Hỗ trợ người dân về nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai. Nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…