Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, đây là hội thảo hết sức cần thiết và hữu ích, giúp tỉnh Thừa Thiên Huế nắm bắt được các mô hình TPTM ở các nước châu Á, có những đánh giá ban đầu về công tác chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh và tiến hành các thỏa thuận kết nối, triển khai trong thời gian tới về xây dựng TPTM.
Là địa phương tiên phong về CĐS, quản lý đô thị thông minh (ĐTTM) tại Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế. Trong đó ADB và Chính phủ Úc đã hỗ trợ dự án xây dựng mô hình đô thị kỹ thuật số thông minh cho quy hoạch không gian đô thị. Dự án sẽ hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình đô thị kỹ thuật số thông minh cho quy hoạch không gian đô thị, được xem như một phần của chính phủ số, cho phép quy trình lập quy hoạch được toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Bên cạnh đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã viện trợ không hoàn lại cho tỉnh dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” với tổng mức đầu tư 13 triệu USD với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị và du lịch bền vững của TP. Huế theo hướng phát triển kinh tế, môi trường và xã hội nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ: công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; công nghiệp, cải tiến và cơ sở hạ tầng; thành phố và cộng đồng bền vững.
Quan điểm và định hướng của tỉnh Thừa Thiên Huế là xây dựng CQĐT phải song hành với ĐTTM. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”. Đề án tập trung vào ba nội dung hoạt động cụ thể: hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển CQĐT; chuẩn hoá và tích hợp thống nhất các hệ thống thông tin; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn đảm bảo điều kiện phát triển CQĐT.
Năm 2021, tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc đầu tư Khu công viên phần mềm, CNTT tập trung tại khu đô thị mới An Vân Dương với quy mô 40 ha, tổng vốn đầu tư 151 triệu USD, đây là dự án nằm trong chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ thành lập, dự án sẽ được hưởng những chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị
Với chủ đề TPTM trong giai đoạn hiện nay, hội thảo đặc biệt nhấn mạnh vào các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực TPTM hiện nay. Các diễn giả, khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận hướng tới mục tiêu lan tỏa sức mạnh công nghệ trong phát triển TPTM, giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân ở các khu đô thị, TPTM. Khẳng định TPTM giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Dương Anh trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế. Theo đó, năm 2021 tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số nhằm sớm thích ứng với xu thế phát triển mới trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, tỉnh đạt được một số thành tựu nhất định mà nổi bật là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (IOC) với hàng chục dịch vụ được triển khai nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; Thừa Thiên Huế xếp 1/63 tỉnh/thành phố toàn quốc về CPĐT cấp tỉnh; xếp hạng 2/63 tỉnh/thành phố về ICT Index; đạt giải thưởng Viễn thông Châu Á Dự án dịch vụ ĐTTM với hạng mục TPTM. Tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp trong phát triển ĐTTM, CĐS.
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày kết quả nghiên cứu về “Tạo dựng thành phố đáng sống”, trong đó, tập trung phân tích, đánh giá về những thách thức về đô thị hóa của khu vực cùng các giải pháp theo 5 lĩnh vực ưu tiên: quy hoạch ĐTTM và bao trùm; giao thông bền vững; các nguồn năng lượng bền vững làm giảm ô nhiễm; tài chính sáng tạo để thu hẹp khoảng cách về nguồn lực; khả năng chống chịu lớn hơn trước khí hậu và thiên tai. Ông Alexander David Nash, chuyên gia phát triển đô thị của ADB dự báo trong thời gian tới tỷ lệ đô thị hóa của khu vực TPTM sẽ tăng cao. Để quy hoạch các đô thị đáng sống và bền vững, lấy con người làm trung tâm và dễ dàng tiếp cận, diễn giả khuyến nghị Chính phủ nói chung và Thừa Thiên Huế phải thực hiện quy hoạch ĐTTM và bao trùm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tin tưởng rằng, sau hội thảo lần này, mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và ADB sẽ được tiếp tục nâng cao, giúp tỉnh Thừa Thiên Huế dần dần trở thành địa phương nằm trong nhóm đầu của cả nước về ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị. Thừa Thiên Huế luôn sẵn sàng chào đón các tổ chức quốc tế, nhà tư vấn, doanh nghiệp đến hợp tác phát triển các dự án CĐS, ĐTTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ tâm đắc với các ứng dụng cho đô thị thông minh đã được giới thiệu nhất là ứng dụng quy hoạch đô thị 3D, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn ADB cùng các tổ chức tiếp tục quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho Thừa Thiên Huế trong chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh trong đó có các ứng dụng hữu ích như quản lý xã hội, môi trường, y tế, giáo dục, du lịch…