Với quyết tâm thực hiện thành công huyện nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra, trong những năm qua Cấp uỷ, chính quyền, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới 2 cấp huyện, xã đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động tốt mọi nguồn lực xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội công cộng theo tiêu chí nông thôn mới, như: dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn; kiên cố hoá trường lớp; xây dựng các thiết chế văn hoá. Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để hoàn thiện các công trình theo tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nên thu nhập của người dân tăng lên đạt 38.000.000/người/năm. Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, không có tình trạng huy động quá sức dân. Nhờ làm tốt phong trào “Dân vận khéo”, nhân dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến 29.727m2 đất, chặt bỏ hơn 49.980 cây xanh các loại, 3.756 m2 tường rào, đóng góp 35.768 ngày công, hơn 6 tỷ đồng tiền mặt và nhiều khoản đóng góp khác quy ra tiền là 13,3 tỷ đồng, góp phần cùng Nhà nước mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Thực tiễn cho thấy, đến nay đa số người dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.
Mô hình trồng hoa cúc mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Quảng Vinh
Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của Quảng Điền là huyện đã xác định phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu then chốt. Huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Đề án Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch . Đặc biệt là đã tập trung chỉ đạo thực hiện quy vùng sản xuất tập trung. Các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích gieo cấy. Đã xây dựng được một số vùng chuyên canh cây rau màu có giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng rau xanh ở Quảng Thành, Quảng Vinh, Mướp đắng ở Quảng Thọ, một số mô hình liên kết sản xuất, mô hình sản xuất rau màu, nhà màng, nhà lưới kết hợp tới nước ở các xã trong huyện. Chăn nuôi, thuỷ sản tiếp tục có bước phát triển, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại tại khu chăn nuôi, thuỷ sản tập trung ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng An và thị trấn Sịa.
Đến thời điểm này, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học,... Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa được giữ gìn và phát triển; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với đó, hiện nay huyện đang triển khai thực hiện các lộ trình huyện nông thôn mới nâng cao theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Căn cứ vào tiềm năng lợi thế của vùng đất nông nghiệp huyện đã xác định phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trước hết tiếp tục vận động, hỗ trợ phát triển diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao lên 2.300 - 2.500 ha/vụ, chiếm 65-70% diện tích hiện có của huyện. Trồng lúa chất lượng, kết hợp chuỗi giá trị được huyện quan tâm, trước mắt mở rộng diện tích khoảng 300 ha trong năm nay. Tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, hiệu quả của mỗi vùng đất, các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ngành nông nghiệp tổ chức vận động, hỗ trợ chuyển đổi khoảng 90 ha đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các mô hình có hiệu quả như trồng lạc, ngô, đậu tại các hợp tác xã Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ; trồng rau màu, hoa chất lượng tại xã Quảng Thọ và hành lá tại thị trấn Sịa; trồng sen, nuôi trồng thủy sản tại các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Lợi, Quảng Vinh. Ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương theo dõi, hướng dẫn tổ chức sản xuất rau màu theo quy trình VietGAP, trồng lúa hữu cơ, trồng rau màu, đậu tương, lạc hữu cơ tại các địa phương có tiềm năng phù hợp. Đồng thời xây dựng vườn mẫu, phát triển thêm 20 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu. Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị, tập trung trên vùng rú cát nội đồng đang được huyện quan tâm đầu tư. Duy trì 730 ha nước lợ đồng thời sẽ chú trọng đa dạng hóa đối tượng nuôi, có giá trị kinh tế, nuôi xen ghép nhiều đối tượng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với thúc đẩy giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Quảng Điền sẽ tập trung đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nâng cao hoạt động của các thành phần kinh tế tại các địa phương. Huyện xúc tiến thu hút, kêu gọi 1-2 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp với các lĩnh vực may mặc, giày da xuất khẩu, chế biến nông sản, sản phẩm cơ khí, gia công các mặt hàng... nhằm giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động các địa phương. Đặc biệt huyện sẽ ưu tiên tập xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu..
Tin chắc rằng với sự vào cuộc, tập trung cao độ của cấp ủy chính quyền và sự đồng sức đồng lòng của người dân Quảng Điền sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian không xa.