Đảm bảo cơ sở vật chất điều trị tầng 2
Giám đốc sở Y tế Trần Kim Hảo cho biết, thực hiện hướng dẫn của Bộ y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị F0 theo mô hình 3 tầng. Trong đó tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 cơ sở thu dung, điều trị mức độ vừa và nặng, tầng 3 cơ sở thu dung, điều trị mức độ nặng và nguy kịch. Hiện nay, số lượng bệnh nhân trên địa bàn thuộc đối tượng điều trị ở tầng 2 khá cao nên đòi hỏi các tuyến y tế cơ sở phải sẵn sàng và đảm bảo các điều kiện để điều trị một cách hiệu quả nhất.
Giám đốc sở Y tế yêu cầu phải đảm bảo theo phương châm điều trị 4 tại chỗ tại mỗi bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, chuẩn bị phòng hồi sức tích cực để điều trị ca bệnh mức độ vừa và nặng. Chủ động chuyển viện lên cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thuộc tầng 3 khi có diễn biến nặng vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở, đồng thời chuyển người bệnh về cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thuộc tầng 1 khi bệnh ổn định. Bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác chăm sóc điều dưỡng, dinh dưỡng cho người bệnh. Kiểm soát nhiễm khuẩn, ngăn ngừa lây truyền dịch COVID-19 trong cơ sở và ra cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định việc đảm bảo cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện nay nhằm nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng tại chỗ, phù hợp, hiệu quả theo cấp độ dịch tại địa phương để cách ly, quản lý, điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp diễn biến nặng và tử vong, góp phần giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sở Y tế có giải pháp cụ thể triển khai cho cơ sở đảm bảo tốt nhất điều kiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người để thực hiện điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tầng 2 một cách hiệu quả nhất. Có kịch bản mang tính lâu dài và chủ động trước mọi tình huống. Huy động các nguồn lực để điều phối nhân lực, trang thiết bị một cách phù hợp. Phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế để triển khai hướng dẫn, đào tạo chuyên môn cho lực lượng y tế cơ sở.
Điều trị F0 tại nhà phải bảo đảm đủ điều kiện và đúng quy trình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, điều trị F0 tại nhà là việc làm tất yếu sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc quản lý F0 phải được thực hiện theo quy trình cụ thể. Được áp dụng cho các đối không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải rà soát các hộ gia đình thực hiện cách ly tại nhà đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà phải là nhà ở riêng lẻ, phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân… Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các địa phương, Trung tâm y tế cấp huyện
Để đạt hiệu quả trong việc điều trị F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý F0 tại nhà. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho mọi người dân được nắm, hiểu và thực hiện đúng.
"Các địa phương sau khi rà soát đảm bảo các điều kiện thì có thể triển khai ngay, làm tốt việc điều trị F0 tại nhà sẽ giảm được áp lực cho tuyến trên rất lớn. Có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai, phổ biến đầy đủ các nội dung. Trưởng ban chỉ đạo các cấp phải chịu trách trách nhiệm, kiểm tra giám sát việc cách ly tại nhà. Kiện toàn sớm tổ COVID-19 cộng đồng. Ngành y tế, địa phương sớm tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở, triển khai mô hình trạm Y tế lưu động để quản lý F0 cách ly tại nhà, không để xảy ra tình trạng F0 không được chăm sóc, điều trị ".
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương và toàn thể người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: nguyên tắc 5K, vắc xin, ứng dụng công nghệ… tiếp tục xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng người dân là trên hết, tuyệt đối không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, hỗ trợ, cấp phát thuốc điều trị.