Năm nay, tại lễ dâng hương kỷ niệm 233 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân) và xuất binh đại phá quân Thanh, Ban tổ chức đã lượt bỏ hoạt cảnh tái hiện câu chuyện lịch sử, và dành thời gian ôn lại thời khắc Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ làm lễ tế trời đất, đăng quang Hoàng đế, xuất binh đại phá quân Thanh. Buổi lễ được tổ chức tinh gọn nhưng không kém phần trang nghiêm.
Trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, Phú Xuân - Huế - Thuận Hóa là vùng đất gắn liền với triều đại Tây Sơn, một vương triều đã làm nên những chiến công hiển hách vào cuối thế kỷ XVIII, mà công lao vĩ đại trước hết thuộc về người Anh hùng dân tộc lỗi lạc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đô thành Phú Xuân được Nguyễn Huệ giải phóng khỏi ách thống trị hà khắc của tập đoàn phong kiến họ Trịnh năm 1786. Chiến thắng vẻ vang này đã mở ra cho nhân dân Thuận Hóa một trang sử mới. Từ đây, Phú Xuân trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn, là điểm xuất phát và bàn đạp để Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Thăng Long, lập lại nền thống nhất đất nước, xóa bỏ cục diện phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn hai thế kỷ.
Ngày 22/12/1788 (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân - cách đây đúng 233 năm), tại nơi đây - núi Bân lịch sử, danh tướng thiên tài Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất, rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc - một cuộc hành quân thần tốc, mãi mãi được lịch sử ca ngợi như một sáng tạo đặc sắc của thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Tại buổi lễ
Với lối đánh chủ động, liên tục tấn công, thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt; đêm 30 Tết - Xuân Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung và đoàn quân Tây Sơn bắt đầu mở cuộc tiến công như vũ bão vào các vị trí cố thủ của địch. Đến mờ sáng mồng 5 tết Kỷ Dậu (30/01/1789), đại quân Tây Sơn mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa và giải phóng kinh thành Thăng Long; đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền quốc gia; tạo nên chiến thắng hiển hách, vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Sau thắng lợi lịch sử này, suốt hơn 10 năm sau đó (1789-1801) Phú Xuân là kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt thời Tây Sơn và là trung tâm chính trị, là nơi hội tụ nhân tài, vật lực và tinh hoa của cả đất nước; những dấu ấn lịch sử về một Vương triều đã có công phục hưng tư thế hiên ngang của quốc gia Đại Việt, với niềm kiêu hãnh “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” vẫn còn âm vang và tồn tại mãi trên đất Phú Xuân - Thuận Hóa xưa, Thừa Thiên Huế ngày nay; trong đó có di tích lịch sử núi Bân, phường An Tây, thành phố Huế đã được Chính phủ công nhận di tích cấp quốc gia.
Núi Bân mãi mãi là địa chỉ lịch sử linh thiêng, là di tích lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế. Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực gìn giữ, chỉnh trang nơi đây xứng đáng với vai trò, vị trí và giá trị lịch sử của di tích, của Anh hùng dân tộc, danh tướng thiên tài - Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh khẳng định, lễ dâng hương và kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế đối với công lao hiển hách của vương triều Quang Trung, của người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào”; khơi dậy niềm tự hào, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các thế hệ anh hùng dân tộc; là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, địa chỉ lịch sử, địa linh văn hóa, hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Việt Nam và Thành phố Huế, nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn nhân dân và du khách đến tham quan, tưởng nhớ; góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh và thành phố Huế.
Sau các nghi lễ, các đại biểu và người dân đã thành kính dâng hương lên hương án đặt dưới chân tượng đài nhằm tưởng nhớ vị Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.