10 sự kiện chứng khoán nổi bật hằng năm là kết quả của sự bình chọn của các nhà báo chứng khoán và được công bố trước thời điểm kết thúc năm.
1. Giải bài toán nghẽn lệnh tại HOSE, thanh khoản được 'cởi trói'
Bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng nghẽn lệnh kéo dài trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Trên thực tế, ngay từ cuối năm 2020, “nghẽn lệnh” đã trở thành từ khóa “nóng” trên nhiều diễn đàn và khắp các mặt báo. Sang nửa đầu năm 2021, dù có nhiều giải pháp nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng nên không chỉ gây bức xúc và cả thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn tạo ra áp lực lớn cho cơ quan quản lý, HOSE và các đơn vị liên quan.
Theo đúng kế hoạch, sau 100 ngày, ngày 5/7/2021, HOSE đã đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch. Giải pháp mới với năng lực lệnh lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày đã vận hành ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch.
Với hệ thống giao dịch mới, thanh khoản thị trường đã được cởi trói và xác lập những kỷ lục mới. Tính bình quân, giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm 17/12/2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường.
2. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt 120% GDP
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính theo GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020-2025, Chính phủ đặt mục tiêu vốn hóa của chứng khoán đạt 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa nói trên, mục tiêu của đề án đã về đích trước 4 năm.
Có thể nói, chứng khoán là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư trong tương quan với các kênh đầu tư đại chúng của nền kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, nhiều kênh đầu tư khác gặp trở lại do dịch bệnh đã khiến thị trường chứng khoán gia tăng lực hấp dẫn đối với dòng tiền. Nhờ đó, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2021.
3. Hàng loạt biện pháp chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Dù đã giảm bớt sức “nóng” so với năm 2020, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ trong năm 2021. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới tháng 11/2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%. Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm vị trí Quán quân và Á quân về khối lượng phát hành.
Ngân hàng Nhà nước và nhất là Bộ Tài chính liên tục phát đi các thông tin cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp tới nhà đầu tư nhiều như thế. Đặc biệt hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, đẩy mạnh thanh tra, xử lý sai phạm trên thị trường này và đã xử phạt những đơn vị vi phạm quy định.
Về mặt chính sách pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16 và Bộ Tài chính cũng đang gấp rút xây dựng dự thảo để ban hành Nghị định thay thế Nghị định 153 nhằm tăng cường chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
4. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục
Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục.
Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ đạt 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, riêng trong 11 tháng năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng cao gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.
5. Quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục
Ước tính năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành thì năm 2021 sẽ là năm đạt kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết. So với năm 2019, 2020, con số này gấp tương ứng 1,4 và hơn 5 lần.
Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu năm đến nay là cơ hội để nhiều doanh nghiệp huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.
6. Hoàn thành “giải cứu” Vietnam Airlines
Ngày 7/7/2021, Vietnam Airlines chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng và đến 20/9/2021, số tiền này đã được "rót" cho Vietnam Airlines. Ngay trước đó, ngày 13/9, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã giải ngân gần 7.000 tỉ đồng mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phiếu của cổ đông Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (các cổ đông ngoài Nhà nước mua hơn 1.000 tỷ đồng).
Việc bổ sung vốn cho Vietnam Airlines cũng đồng thời kết thúc sự kiện “giải cứu” một công ty cổ phần lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19.
7. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục
Thị trường chứng khoán thăng hoa khi dòng tiền vào thị trường liên tục lập đỉnh nhờ sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội. Tuy nhiên, năm 2021 lại là một câu chuyện "kém vui" của dòng vốn ngoại trên thị trường. Năm 2021 là năm mà nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trong nhiều năm qua.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng rất ấn tượng khi lượng bán ròng của khối ngoại đều được khối nội hấp thụ hết và tác động không nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư như những năm trước. Bên cạnh đó, theo thông tin từ cơ quan quản lý, dòng vốn ngoại có rút ròng không đáng kể và thấp hơn nhiều so với nhiều thị trường mới nổi và cận biên khác. Khối ngoại dù giao dịch bán ròng, nhưng dòng tiền ngoại vẫn ở lại Việt Nam và tìm kiếm cơ hội.
8. VN-Index lập đỉnh lịch sử mới
Năm 2021, Việt Nam chịu tác động mạnh hơn của đại dịch COVID-19 khiến GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021. Đây là đỉnh lịch sử được thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam sau 2 lần chạm tới mốc này vào năm 2007 và 2018.
Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và đạt đỉnh cao mới quanh mốc 1.500 điểm.
9. 25 năm Ngày truyền thống ngành chứng khoán và ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Ngày 28/11/2021, ngành chứng khoán Việt Nam chính thức tròn 25 năm xây dựng và phát triển (28/11/1996-28/11/2021). Ngành chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào, qua đó khẳng định chủ trương xây dựng thị trường chứng khoán là rất đúng đắn.
Việt Nam đã tạo lập được một thể chế thị trường chứng khoán đúng định hướng và phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế và khu vực…
Một dấu ấn mới của thị trường chứng khoán năm 2021 là ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cũng chính thức ra mắt, hoàn tất việc hiện thực hóa Quyết định số 37 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
10. Dấu ấn pháp lý
Đầu năm 2021, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các nghị định hướng dẫn Luật cùng có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Dấu ấn chính sách khác trong năm 2021 là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” vào ngày 31/8/2021, trong đó giải thích rõ việc căn cứ vào danh mục này, các doanh nghiệp biết được nới room đến mức nào.