Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận ở tổ về các dự án Luật sửa đổi
Ngày cập nhật 08/01/2022
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại tổ

Tiếp tục chương trình của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 06/1, đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tham gia đóng góp ý kiến tại tổ, đa số ý kiến các ĐBQH tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, do những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, vì vậy, để Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành có liên quan tới nội dung quy định chi tiết tại văn bản dưới luật, đề nghị báo cáo rõ về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm tính khả thi. Đối với nội dung của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo Nghị định kèm theo.

Đối với Luật Đầu tư công, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị cân nhắc, vì quy định như hiện nay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; đồng thời, liên quan đến điều ước quốc tế giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm uy tín của Việt Nam... Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể. Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề nghị quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án; trường hợp làm thay đổi phân loại dự án, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.

Đối với Luật Đầu tư, đại biểu Phạm Như Hiệp cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt: Để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện; đa số ý kiến đề nghị quy định rõ theo hướng đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”; tách thành tiểu mục riêng quy định liên quan đến các dự án đầu tư trong khu vực I và II của các di sản; bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của UBND, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Việc sửa đổi cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay; đồng thời, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời cho rằng đây là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản, do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với Luật Doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị hiện nay, khái niệm, điều kiện xác định “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” chưa được quy định tại các văn bản luật mà được hướng dẫn tại văn bản dưới luật. Khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, dẫn đến mở rộng phạm vi “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do các cổ đông khác ngoài Nhà nước nắm giữ. Trong khi đó, việc xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là quy định nhất quán kể từ năm 2014 đến nay. Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng xác định rõ đối tượng áp dụng chỉ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, qua rà soát, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm, điều kiện xác định doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ về tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đề nghị quy định rõ “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”…

thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày