I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã trong thời gian tới.
- Phát huy có hiệu quả giá trị, tiềm năng về đầm phá, vùng Trang trại, văn hóa vùng miền trên địa bàn xã; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng ở địa phương.
- Tiếp tục kêu gọi, thu hút, triển khai và phát huy hiệu quả các dự án đầu tư; phát huy và đa dạng hóa các hoạt động, sản phẩm du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển mạnh hơn về du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã tham gia các hoạt động đầu tư, khai thác, tạo nguồn thu cho người dân và ngân sách địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hình thành các điểm đến du lịch Khu vực rú cát trang trại, Hồ chứa Nam Giảng, Khu vực ngập nước cửa sông Ô Lâu, phía trên đập Cửa Lác, xã Quảng Thái với tổng diện tích gần 70 ha. Đây là vùng có nhiều loại thủy sản nước ngọt phong phú, đa dạng; bên cạnh đó cũng là nơi tập trung, trú ẩn của nhiều loại chim trời. Năm 2004, sau khi đập Cửa Lác được xây dựng và nâng cấp, khu vực này trở thành vùng ngập nước và lãnh đạo tỉnh định hướng quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên vùng ngập nước. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai được thành lập Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20 tháng 2 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Xây dựng 01 điểm du lịch cộng đồng khu vườn mẫu cây mướp đắng thôn Tây Hoàng thành sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tập trung hoàn thiện Đề án du lịch xã Quảng Thái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
- Hoàn chỉnh, phê duyệt “Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030”; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.
- Tham mưu Đảng ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 để có cơ sở bố trí nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.
- Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến hàng năm; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, nguồn lực để phát triển du lịch chú trọng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
2. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng
- Phát triển du lịch dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Điền nói chung và Quảng Thái nói riêng. Tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với xây dựng các dịch vụ, sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Quảng Thái, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng đầm phá Tam Giang, Hồ chứa Nam Giảng, khu vườn mẫu vùng trang trại. Tổ chức các đoàn famtrip, đón các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh đến khảo sát tour du lịch an toàn và tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham vấn xúc tiến, quảng bá du lịch...
- Phối hợp xây dựng, hình thành các tour, đồng thời hoàn thiện, phát triển các chương trình tour; tổ chức tham quan và trải nghiệm tại Khu vực ngập nước cửa sông Ô Lâu thành điểm du lịch… nhằm đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm du lịch; xây dựng, hoàn thiện các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ, du lịch khác biệt gắn với văn hóa - di sản, vùng đầm phá và con người Quảng Thái, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Quảng Thái. Đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ, du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn xã.
- Tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để triển khai xây dựng mô hình, như “Mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao”; mô hình “Làng sản xuất an toàn gắn với phát triển du lịch tại thôn Tây Hoàng và vùng Trang trại”.
- Hình thành và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm vui chơi giải trí, mua sắm ở chợ Nịu. Phát triển các loại hình sản phẩm của du lịch đêm gắn với hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ tại vùng đầm phá Tam Giang.
3. Đẩy mạnh và nâng cao hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch
- Tăng cường liên kết đẩy mạnh hợp tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch trong tỉnh nhằm hỗ trợ và nâng cao giá trị các điểm đến du lịch để đón khách đến tham quan trên địa bàn.
- Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.
- Phối hợp với Sở Du lịch, các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành trong việc liên kết, quảng bá, truyền thông, các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước.
- Có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch, tổ chức các sự kiện và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung của xã.
- Phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch; khảo sát, xây dựng và hình thành các tour du lịch, các điểm đến ở Quảng Thái. Tăng cường kết nối, chào mời các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch của địa phương. Phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, đoàn báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến nhằm thu hút du khách. Tăng cường chương trình kích cầu du lịch trong năm để thu hút khách du lịch và giới thiệu quảng bá điểm đến cho du lịch của địa phương.
- Tranh thủ các nguồn lực, các chương trình xúc tiến, quảng bá và các trang mạng quảng bá của các cơ quan, tổ chức, các kênh truyền hình Trung ương và các tỉnh thành lớn để đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
4. Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch
- Phối hợp với Sở Du lịch xây dựng hệ thống thông tin, các công cụ tiện ích phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh số hóa dữ liệu di sản, tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ, du lịch thông minh và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; góp phần thúc đẩy du lịch Quảng Thái tăng trưởng và phát triển bền vững.
- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động truyền thông, các sự kiện, lễ hội và sàn thương mại điện tử từ sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương.
- Triển khai số hóa dữ liệu di sản, tài nguyên du lịch. Xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp dữ liệu du lịch; liên thông, tích hợp, kết nối các hệ thống dữ liệu như: dữ liệu đất đai, môi trường, tài nguyên nước... với hệ thống dữ liệu văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ phận Văn hóa – xã hội
- Phối hợp, tham mưu hoàn chỉnh, sớm trình phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức Hội nghị xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn xã.
- Tham mưu triển khai xây dựng điểm du lịch cộng đồng thành sản phẩm OCOP dịch vụ, du lịch nông nghiệp nông thôn.
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Quản lý, đưa các thông tin, hình ảnh quảng bá về du lịch Khu vực rú cát trang trại, Hồ chứa Nam Giảng, Khu vực ngập nước cửa sông Ô Lâu, phía trên đập Cửa Lác lên trang facebook “Du lịch Quảng Điền” và trên các phương tiện truyền thông khác.
- Tăng cường xây dựng các tin, bài, phóng sự, phim tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu các sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, cũng như các điểm đến, dịch vụ, du lịch.
- Có phương án bố trí cán bộ đi tập huấn phụ trách thuyết minh tại các điểm đến du lịch trên địa bàn xã khi có các đoàn khách đến tham quan.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan phục dựng và tổ chức các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian như: bài Chòi, lửa trại và phục dựng lại múa Náp, hò Bã Trạo, hò giã gạo… để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của du khách khi đến với Quảng Thái.
2. Ban điều hành các thôn
- Căn cứ vào tình hình, điều kiện của địa phương để chủ động triển khai, thực hiện các nội dung của kế hoạch phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch tại các điểm có tiềm năng của địa phương.
- Các thôn phối hợp xây dựng điểm du lịch cộng đồng vườn kiểu mẫu thành sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn.
- Các doanh nghiệp, vùng trang trại,… căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của mình và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương để đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.
Trên đây là Kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến phát triển du lịch, dịch vụ năm 2022 trên địa bàn xã. UBND xã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Ban điều hành các thôn nghiêm túc triển khai thực hiện./.