Đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế Phạm Quang Toàn, hệ thống công nghệ thông tin của ngành Thuế luôn giữ vị trí quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành Thuế.
Cũng theo ông Phạm Quang Toàn, ngành Thuế đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ điện tử hỗ trợ người nộp thuế và tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ông Phạm Quang Toàn cho biết, đến nay Cục Công nghệ thông tin đã triển khai, nâng cấp và mở rộng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu xử lý thông tin quản lý thuế tại 63 cục thuế và 711 chi cục thuế (trước khi sáp nhập) và 415 chi cục thuế (sau khi sáp nhập và thành lập chi cục thuế khu vực). Hầu hết các chức năng theo quy trình quản lý thuế hiện hành đã được tin học hóa.
Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin triển khai các dịch vụ thuế điện tử được thực hiện đồng bộ với các nội dung cải cách chính sách thuế, đổi mới thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp”, ông Huy khẳng định.
Theo thống kê, đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục Thuế trực thuộc. Tổng cục Thuế cũng đã hoàn thành triển khai tích hợp 150 dịch vụ công trực tuyến về khai thuế, nộp thuế điện tử lên Cổng dịch vụ công quốc gia, vượt 174% so với chỉ tiêu mà Bộ Tài chính giao. Số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020 là hơn 16,6 triệu hồ sơ.
Cho đến nay, 99,7% doanh nghiệp đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% doanh nghiệp tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử. Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của doanh nghiệp được lưu trên hệ thống của cơ quan Thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, doanh nghiệp cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan Thuế.
Hướng tới Chính phủ số
Mới đây, tại cuộc họp với Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế ngày càng đòi hỏi phải được đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Theo đó, hệ thống gần 1.300 cán bộ, công chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin của ngành Thuế trên cả nước cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống quản lý thuế tích hợp đáp ứng Chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, quản lý tuân thủ.
Theo ông Phạm Quang Toàn, trong giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu của ngành Thuế là phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, từ đó, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Đồng thời, xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Phạm Quang Toàn cho biết, ngành Thuế sẽ ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế. Đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, tích hợp với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống của các bộ, ngành, tham gia, phối hợp thực hiện các thủ tục hành chính một cửa liên thông điện tử; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.