Chuyển đổi số để tạo đột phá về chất lượng dạy nghề
Ngày cập nhật 08/02/2022

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Ngày 18/1, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021, kế hoạch triển khai năm 2022.

Chuyển đổi hình thức đào tạo, duy trì cung ứng lao động

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu duy trì chuỗi cung ứng lao động, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng trong tuyển sinh, đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp duy trì hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được các nhà trường áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ như: Zoom, Google Meet, Zalo…

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã trình Bộ LĐTB&XH và ban hành các văn bản hướng dẫn hệ thống giáo dục nghề nghiệp chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị; cho phép các trường điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tổ chức thi kiểm tra đánh giá bằng trực tuyến đối với những môn học, những nội dung phù hợp. Duy trì gắn kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế; đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới, kỹ năng mới, ngành nghề 4.0.

Hoạt động dạy và học được duy trì thông qua việc chuyển đổi thích ứng với mô hình trường học an toàn, trường học "3 tại chỗ" được một số trường áp dụng hiệu quả, đảm bảo để người học có thể hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp, tham gia vào thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã đổi mới phương thức đào tạo từ một chiều, thủ công sang đào tạo trực tuyến, giảm tải lý thuyết. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mối liên kết với doanh nghiệp, mở đầu ra cho người học.

Ngoài linh hoạt trong đào tạo và tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp còn chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy tiến độ ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng. Phối hợp với ILO xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Chương IV Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia theo hướng hội nhập và tăng cường tính khả thi, hiệu quả.

Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người học nghề. Mạng lưới các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước nâng cao năng lực. Đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao.

Chuyển đổi số đáp ứng tiêu chuẩn nhân lực quốc tế

Mặc dù công tác tuyển sinh đã "vượt khó" với số lượng hơn 1,9 triệu người nhưng mới đạt 85,14% kế hoạch. Tỉ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu là do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp, việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định, năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định 2222/QĐ-TTg nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tập trung chuyển đổi số là việc hết sức cần thiết. "Giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Ngoài chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt các cơ hội về cơ chế chính sách, thị trường lao động…

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH lưu ý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đầu tư cho thể chế, hoàn thiện toàn bộ nội dung thể chế: quy hoạch hệ thống, các kế hoạch chuyển đổi số, đầu tư về con người-cơ sở vật chất. Đi kèm với đó là chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng phải chú trọng đào tạo theo thị trường để cung cầu gặp nhau. Muốn vậy phải chú trọng đến khâu đặt hàng nhưng quá trình đào tạo cũng cần chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra.
Nguồn: baochinhphu.vn

 
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày