Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, năm 2021 ông Hoàng Công Thông ở thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ đã đưa vào trồng 998m2 cây cà chua ứng dụng công nghệ cao. Với quy mô trồng cà chua bịch và cà chua cherry, số lượng đưa vào trồng 1.900 bịch, trong đó cà chua cherry 600 bịch. Tổng chi phí thực hiện dự án hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 490 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình ông Thông đầu tư thực hiện. Theo ông Hoàng Công Thông chủ mô hình trồng cà chua nhà lưới xã Quảng Thọ cho biết: Sau hơn một tháng triển khai, những cây cà chua cherry và cà chua bịch theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, hầu hết số lượng giống và cây cà chua điều phát triển tốt. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng cà chua nhà màng điều tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đây cũng là cơ hội giúp người dân nông nghiệp học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cũng theo ông Thông nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, kết hợp thời tiết thuận lợi thì mỗi bịch cà chua sẽ cho thu hoạch từ 7 đến 10 kg, giá thành hiện nay 20.000đồng/kg. Chưa tính cà chua cherry, với 1.200 cà chua bịch sau 3 tháng trồng và chăm sóc cà chua của ông Thông sẽ cho năng suất trên 1,2 tấn cà chua.
Ông Hoàng Công Thông chăm sóc cà chua của gia đình
Theo đánh giá của cơ quan chức năng về việc triển khai mô hình “trồng cà chua trong nhà lưới” cho thấy, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trồng cà chua theo phương pháp truyền thống, nhưng sẽ giảm chi phí trong những vụ sau, đặc biệt ngăn ngừa được côn trùng phá hại, giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn. Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trồng cà chua tại gia đình ông Hoàng Công Thông sẽ áp dụng các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ nhà màng, công nghệ tưới, giống cây trồng. Cây cà chua trong nhà lưới được hạn chế trực tiếp ánh nắng mặt trời, phòng tránh sâu bọ và có điều chỉnh thông gió. Đây là phương thức trồng đáp ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt, quá trình trồng cà chua được áp dụng theo một quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, với quy trình “5 không”: Không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng cây trồng biến đổi gen, không thuốc kích thích tăng trưởng và không thuốc trừ cỏ. Việc chăm sóc, bón phân hoàn toàn tự sử dụng phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Ngô Văn Dinh - Trưởng Phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Đây là mô hình mới, lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện nhưng tín hiệu rất khả quan. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị quy hoạch một vùng trồng thích hợp và tiến tới đăng ký nhãn mác, thương hiệu đồng thời sẽ liên kết với siêu thị trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm cà chua nói riêng, nông sản sạch của huyện Quảng Điền nói chung cho người tiêu dùng để nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó đẩy mạnh thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng cà chua trong nhà lưới không chỉ tạo ra dòng cà chua sạch, chất lượng, mà còn góp phần giảm thiểu nhân công và tăng giá trị cây trồng so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, đây sẽ là mô hình nông nghiệp công nghệ số, hướng đến thực hiện Dự án “Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi liên kết” đầu tiên tại Quảng Thọ nói riêng tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế nói chung, nhằm thay đổi tư duy canh tác của người dân và nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp.