Theo đó, xác định việc mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kích cầu hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”. Thu hút khách du lịch, đặc biệt khách du lịch quốc tế trở lại Thừa Thiên Huế, giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục dần và vẫn bảo đảm an toàn cho người dân, du khách. Huy động được sự tham gia, phối hợp và hưởng ứng của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc đón khách quốc tế trở lại; tạo nên các chương trình, sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút khách du lịch.
Cùng với đó, các hoạt động đón tiếp, phục vụ khách du lịch phải đảm bảo tuyệt đối các quy định, điều kiện về phòng chống dịch do các cơ quan liên quan ban hành, hướng dẫn; Chủ động, sẵn sàng linh hoạt và có các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức đón khách. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tăng cường đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch, công tác truyền thông, quảng bá du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện.
Với các nhiệm vụ và giải pháp để mở cửa đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch tỉnh trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, chú trọng chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng đón khách của các doanh nghiệp du lịch; xây dựng các sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường sau dịch, nhất là sản phẩm mới. Đồng thời, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, các điểm du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch. Kích cầu thu hút khách du lịch; có các giải pháp hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch. Công tác nguồn nhân lực du lịch, cần bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch. Chủ động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch.
Các đơn vị, địa phương trao phát biểu đổi tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các Sở, ngành, địa phương, hãng hàng không, các doanh nghiệp, Công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã có những trao đổi, kiến nghị về các cơ chế chính sách, các sản phẩm du lịch, công tác truyền thông, quảng bá du lịch, kích cầu thu hút khách du lịch đến với Thừa Thiên Huế; những giải pháp hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thí điểm đón du khách quốc tế cũng như chương trình phục hồi lại hoạt động du lịch nội địa, ngành du lịch cần sự quan tâm, phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện. Căn cứ chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, các cơ quan đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động vợt qua khó khăn trước mắt, khôi phục lại hoạt động sản xuất, xây dựng sản phẩm mới, thu hút, đào tạo lại lao động. Đồng thời, một số địa phương đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, kích cầu hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch tại địa phương khôi phục.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, UVTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, Sở Du lịch trên cơ sở ý kiến trao đổi của các sở, ngành liên quan, các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh di lịch cần hoàn thiện nội dung kế hoạch, có các giải pháp cụ thể, sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để mở cửa trở lại cả du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới; Sở Du lịch cần rà soát các điều kiện cần thiết trong bức tranh chung để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời khi mở cửa du lịch trở lại. Công tác nguồn nhân lực du lịch, cần có tính toán khoa học trong sự điều phối chung của Nhà nước, căn cứ theo tình hình mới và dự báo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch; kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ đạo Sở Y tế cần phối hợp với Sở du lịch xây dựng quy trình, hướng dẫn cụ thể để phục vụ việc đón khách nói chung, trong đó có khách quốc tế, quy trình xử lý các tình huống trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch, quan tâm đến vấn đề tầm soát có trọng tâm để phát hiện, xử lý và điều trị kịp thời các F0, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Ngành Y tế cần có sự kết nối thông tin đến với các doanh nghiệp du lịch khi mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần chủ động, thích ứng, tiến hành chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vật chất để phục vụ việc đón du khách. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là hạt nhân quan trọng trong việc tái phục hồi, kích cầu du lịch trở lại cần quan tâm đến việc chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả các di tích trong quần thể di sản, chủ động xây dựng, phục hồi các sản phẩm du lịch phụ vụ du khách về đêm tại di tích di sản Cố đô Huế, có sự chuẩn bị đầy đủ, kết nối chặt chẽ để tái khởi động, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trung thu hút du khách đến với Huế. Trung tâm Festival Huế, phải tích cực đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội mang những nét văn hóa, đặc trưng, tạo điểm nhấn trong các không gian, tạo ấn tượng để thu hút du khách khi đến Huế.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các kênh thông tin mang tính chất, phạm vi lan tỏa cao, tuyên truyền trên các loại hình thông tin đại chúng, báo hình, báo nói. Đặc biệt, chú trọng kênh tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội, các doanh nghiệp cần có sự kết nối, sâu chuỗi để phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá một cách hiệu quả nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.