I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt Luật trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích…; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có cơ hội phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, nhân cách và trí tuệ.
2. Mục tiêu cụ thể
- Duy trì và đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đúng thời gian quy định và được khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7,5%.
- Phấn đấu 97,5% trẻ em từ 03 đến 05 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ trẻ em 06 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em khuyết tật.
- 70% học sinh được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở được học bơi, biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối.
- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
- 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ( khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi ) đủ điều kiện được thực hiện các chính sách về phúc lợi xã hội do Nhà nước quy định.
- Phấn đấu xã đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em.
- Phấn đấu 100% trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn.
- 100% cán bộ cấp xã và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện các chương trình kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
II. Nhiệm vụ cụ thể
1. Tổ chức các hoạt động truyền thông để tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em đến toàn thể các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn huyện.
2. Thực hiện quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện để trẻ em được phát triển toàn diện; chủ động tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện, tích cực đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
3. Duy trì, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em, Ngày quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu.
4. Phấn đấu xây dựng xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/2019/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ưu tiên đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và mạng lưới cộng tác viên ở các thôn.
6. Tháo gỡ những vướng mắc nhằm đạt kết quả tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế và việc khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, việc thực thi chế độ, chính sách đối với nhóm trẻ em được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
III. Giải pháp thực hiện
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của các ngành, các cấp trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cụ thể triển khai thực hiện nội dung về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
2. Tăng cường phối hợp các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, gia đình, cộng đồng, người dân trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin...cho trẻ em. Gia đình, cộng đồng, nhà trường có trách nhiệm tham gia thực hiện các quyền của trẻ em; tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho trẻ em chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các hoạt động xã hội khác phù hợp với lứa tuổi. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế. Tiếp tục triển khai các chương trình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: học bổng, khám sàng lọc, phẫu thuật và chữa bệnh miễn phí, các chương trình trợ cấp thường xuyên; chương trình chăm sóc trẻ tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, tổ chức dạy bơi cho trẻ em,...
4. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đảm bảo tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em được cải thiện, nhất là suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi, khống chế không để tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng nhanh ở trẻ em. Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.
5. Tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học, bậc THCS và xóa mù chữ; nâng cao tỷ lệ học sinh khá - giỏi, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp bậc THCS; không có học sinh yếu, kém về hạnh kiểm.
6. Rà soát, quy hoạch, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống khu vui chơi, giải trí công cộng nhằm bảo đảm trẻ em có điểm vui chơi tại địa phương.
7. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em; kỹ năng xây dựng, tham mưu kế hoạch thực hiện và các hoạt động khác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho công chức Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở.
8. Đẩy mạnh, kiện toàn và phát triển Quỹ bảo trợ trẻ em ở xã, vận động và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo trợ trẻ em trong việc trợ giúp khám, chữa bệnh, học bổng, thăm, tặng quà trong dịp lễ, Tết và Tháng hành động vì trẻ em.
IV. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em được ngân sách huyện bố trí trong dự toán năm 2022 và huy động từ các tổ chức, cá nhân.
V. Tổ chức thực hiện
1. Bộ phận Văn hóa- Xã hội
- Tham mưu cho UBND xã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2022.
- Tham dự đày đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực hoạt động, quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Đảm bảo chế độ, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật.
- Tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào nguồn lực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn xã.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em định kỳ hàng quý cho các cấp có thẩm quyền theo quy định.
2. Công chức Tư pháp
Tham mưu UBND xã phối hợp thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em tại cơ sở, đảm bảo 100% trẻ em vi phạm pháp luật về hình sự được trợ giúp pháp lý, tư vấn tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được nêu tại Công ước Quốc tế về trẻ em, Luật Trẻ em, các quy định của Bộ luật hình sự về người chưa thành niên phạm tội,…
3. Trạm Y tế
Chủ trì, phối hợp với Bộ phận Văn hóa- Xã hội, Ban điều hành các thôn tuyên truyền và thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích; thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến trẻ em do cơ quan, ngành quản lý; tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 06 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo; phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật.
4. Các trường học trên địa bàn
-Tổ chức lồng ghép vào chương trình học của các em về các kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho học sinh.
- Triển khai và thực hiện các nội dung theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2018 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
-Tiến hành rà soát, lập danh sách học sinh là đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt thành tích trong học tập cần được hỗ trợ học bổng gửi về UBND xã.
5. Đài truyền thanh xã
Tăng cường công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh về việc thực hiện các quyền của trẻ em; đổi mới các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
6. Công an xã
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại trẻ em; can thiệp khẩn cấp nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại và bạo lực đối với trẻ em. Phối hợp quản lý, giáo dục trẻ em hư, bỏ học, có nguy cơ vi phạm pháp luật để chủ động phòng ngừa, không để các em thực hiện hành vi phạm tội.
- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhằm tạo môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho trẻ em, kịp thời phát hiện trẻ em lao động trái quy định, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các hội, đoàn thể
- Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”, xây dựng các mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; lồng ghép nội dung bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em với hoạt động của các đơn vị, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ”, mô hình “Gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; “Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em”...
- Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện tăng cường chỉ đạo hoạt động Hội đồng Đội nhà trường và ở cụm dân cư, cử lực lượng thanh niên tham gia phụ trách thiếu nhi, phát động các phong trào xây dựng quỹ tương trợ, giúp bạn nghèo, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, tổ chức các hội thi cho trẻ em và các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ do Đoàn thanh niên quản lý.
8. Ban điều hành các thôn
- Thường xuyên tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Kịp thời phản ảnh với các cơ quan chức năng đối với những vấn đề nổi cộm về thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2022. UBND xã yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể , Ban điều hành các thôn thực hiện nghiêm túc./.