I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành đoàn thể nhằm quản lý chất thải nhựa trên địa bàn một cách đồng bộ, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni long khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Nhằm xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
3. Đẩy mạnh xây dựng cơ chế, quy định của các địa phương nhằm đạt mục tiêu “Từ năm 2022, các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đến năm 2025 cùng với tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân có kinh nghiệm liên quan đến quản lý, phòng, chống rác thải nhựa nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư.
- Toàn thể cán bộ ngành giáo dục, học sinh các cấp học cùng tham gia và là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền đến người thân, cộng đồng.
2. Giải pháp về tổ chức thực hiện
- Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, Đài truyền thanh của xã, chủ trì triển khai kế hoạch một cách đồng bộ đảm bảo hiệu quả thực tế. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của kế hoạch đến được với cộng đồng người dân là giải pháp tối ưu để mọi người cùngthay đổi nhận thức vàthói quen.
- Lồng ghép các hoạt động của kế hoạch với các chương trình, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác có liên quan để triển khai có hiệu quả kế hoạch.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động để truyền tải nội dung kế hoạch nhằm tăng cường sự tiếp cận rộng rãi của mọi đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả Kế hoạch đề ra.
III. THỜI GIAN
Thời gian thực hiện: giai đoạn 2022 - 2026.
IV. KINH PHÍ
Được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các địa phương, lồng ghép từ nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc từ các nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ phận Địa chính – Môi trường
- Hướng dẫn, đôn đốc các thôn triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.
- Tổng hợp, báo cáo UBND xã kết quả thực hiện kế hoạch
2. Bộ phận Văn hóa – Thông tin
Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, vận động mọi người dân tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch trên địa bàn xã, nhằm tạo sự hưởng ứng và nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng với rác thải nhựa và túi nilon sử dụng 01 lần là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.
3. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể cấp xã
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" và "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; phối hợp với BĐH các thôn tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" và "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần".
4. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã
- Tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng việc triển khai nhân rộng mô hình” Biến rác thành tiền”, thu gom vỏ lon, vỏ chai nhựa tại tất cả các chi hội;
5. Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn
- Phối hợp với các ban, ngành tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn. Xây dựng và triển khai các mô hình tốt về quản lý chất thải từ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy cho phù hợp với đặc thù của địa phương.
- Quán triệt, vận động các gia đình cán bộ, công chức, lao động của các đơn vị không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
6. Ban điều hành các thôn
- Xây dựng các quy định của địa phương về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương. Hướng dẫn, chỉ đạo các thôn, tổ dân phố tổ chức xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường, hướng đến đồng quản lý.
- Tuyên truyền, khuyến khích, định hướng quy định quản lý dịch vụ giao hàng, đồ ăn nhanh, dịch vụ ăn uống, kinh doanh hàng hóa theo hướng giảm thiểu sử dụng bao bì bằng chất liệu nhựa; thúc đẩy sử dụng vỏ hộp, bao bì bằng chất liệu tái sử dụng, thân thiện với môi trường tại các địa bàn quản lý. Triển khai đồng bộ các giải pháp phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp với các ban, ngành tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn. Xây dựng và triển khai các mô hình tốt về quản lý chất thải từ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy cho phù hợp với đặc thù của địa phương.
7. Trạm y tế
Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các hoạt động giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa tại các cơ sở y tế, các nhà thuốc trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn xã, UBND xã yêu cầu các cơ quan, ban ngành cấp xã, Ban điều hành các thôn triển khai thực hiện nghiêm túc./.