Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, các cấp lãnh đạo chính quyền và ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nhiều nội dung hoạt động, giải pháp để tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, không bạo lực. Tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực vẫn không có chiều hướng thuyên giảm, nguy hiểm về tính chất, mức độ và phổ biến bạo lực liên quan nữ sinh cấp trung học.
Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2020 không có vụ việc bạo lực nguy hiểm xảy ra. Nhưng từ năm 2021 đến đầu năm 2022, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc báo động, cụ thể, năm 2021 xảy ra 02 vụ, trong đó 01 vụ liên quan giữa học sinh nữ Trường THCS Duy Tân - Thành phố Huế với học sinh nữ Trường THCS Thủy Dương - Thị xã Hương Thủy và 01 vụ liên quan học sinh nữ Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng - Thành phố Huế. Đầu năm 2022 có 03 vụ, trong đó 01 vụ liên quan học sinh nữ Trường THCS Nguyễn Chí Diểu - Thành phố Huế, 01 vụ liên quan học sinh nữ Trường THPT Hương Trà, 01 vụ việc nghiêm trọng gây hậu quả chết người của Trường THCS Phong An, huyện Phong Điền. Đa phần các vụ việc đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội rồi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Qua phân tích các vụ việc xảy ra, các trường hợp bạo lực đều vừa có nguyên nhân chủ quan, vừa có nguyên nhân nhân khách quan, xuất phát từ nhiều phía. Trong đó, do sự phát triển tâm sinh lí và nhận thức của học sinh không đồng đều, nhất là giai đoạn tuổi Trung học cơ sở, cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống của một số học sinh còn chưa tốt, lối sống đua đòi và thiếu kĩ năng sống, kĩ năng kiểm soát cảm xúc, làm chủ bản thân trong cách giải quyết các xung đột nên khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động.
Đa phần học sinh có hành vi bạo lực đều thiếu sự quan tâm của bố mẹ, hoặc luôn chịu những áp lực từ bố mẹ, hoặc các em thường bị tấn công bởi những lời nói và hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình, thường xuyên bị ông bà, bố mẹ, anh chị em la mắng, đánh đập hay chứng kiến những hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình. Từ đó, tác động tiêu cực và thúc đẩy gia tăng hành vi hung tính của học sinh.
Bên cạnh đó, môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Các tệ nạn xã hội, mặt trái của các trang mạng xã hội tác động tiêu cực đến quá trình giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, đặc biệt là sự tụ tập, lôi kéo của các thanh niên lêu lỏng bên ngoài trường học, có nơi còn có dấu hiệu của “đàn anh chị” đỡ đầu cho một số học sinh chưa ngoan, khiến tình trạng bạo lực có nguy cơ xảy ra,…
Tại Hội nghị, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng ngành Giáo dục đã tiến hành bàn thảo những nội dung Chương trình kí kết liên ngành để thống nhất cùng nhau thực hiện công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian đến một cách hiệu quả, thiết thực, bền vững. Từ đó, tiến hành ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường đến năm 2025; góp phần tốt nhất trong việc giáo dục toàn diện học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian đến, Sở GDĐT sẽ gắn việc phòng , chống bạo lực học đường với việc thực hiện các nội dung giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Củng cố, phân công trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, các ban, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp trong công tác quản lí, giáo dục đạo đức học sinh. Trong đó chú trọng công tác quản lí học sinh, nắm tình hình thông qua hòm thư giúp bạn, hòm thư góp ý, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử, mã định danh học sinh, mã QR, ... để phòng ngừa những hành vi mang tính bạo lực và có những giải pháp giáo dục thích hợp với từng đối tượng học sinh, trong đó chú trọng công tác phòng ngừa để ngăn chặn tình trạng bạo lực xảy ra.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh tham gia và tránh xa các tệ nạn xã hội, giúp học sinh giảm bớt căn thẳng, áp lực với việc học để bạn chế các hành vi bạo lực bộc phát trong ứng xử giữa người học. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác giáo dục học sinh thông qua bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng năng lực tư vấn học sinh. Triển khai có hiệu quả hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lí và giáo dục kĩ năng sống cho học sinh nhằm giúp học sinh có kĩ năng kiểm soát cảm xúc, kĩ năng ứng xử văn hóa, hạn chế tình trạng bạo lực xảy ra. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội thông trong trường học.