Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em
Ngày cập nhật 31/05/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, tại các khu du lịch, khu tắm biển, sông, suối, ao, hồ trên địa bàn một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước, ảnh hướng lớn đến tính mạng của nhân dân và du khách. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 03 vụ đuối nước làm 03 học sinh tử vong (01 vụ tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền; 01 vụ tại xã Thuỷ Tân, thị xã Hương Thuỷ và 01 vụ tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) tạo sự lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội.

Dự báo trong thời gian tới, cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết khí tượng thủy - hải văn, việc gia tăng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trong môi trường nước sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại, nhất là chuẩn bị vào thời gian nghỉ hè của học sinh sắp đến. Thực hiện Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường công tác phòng, chóng đuối nước trẻ em”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
 
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 398/CĐ-UB ngày 02/5/2022 (kèm theo) về việc tăng cường công tác phòng, chóng đuối nước trẻ em.
 
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
 
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương;
 
- Đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em; tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh nội dung triển khai, kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương (trước ngày 05/12 hàng năm).
 
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
 
- Chủ trì phối hợp với các địa phương, sở ngành liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội; tăng cường truyền thông, giáo dục, nhắc nhở học sinh phòng tránh tai nạn đuối nước, nhất là trong thời gian chuẩn bị kết thúc năm học và bước vào nghỉ hè.
 
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp để quản lý, tổ chức các hoạt động hè cho học sinh, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
 
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Tuyên truyền vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con, em mình đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh vè trẻ em cho người dân.
 
5. Đề nghị Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Đoàn các cấp thực hiện việc phối hợp với cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương tiếp nhận, quản lý, tổ chức hoạt động hè tại địa bàn dân cư trong đó chú trọng các hoạt động rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng.
 
6. UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện:
 
a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước đối với nhân dân và tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các hoạt động trong môi trường nước; rà soát, cảnh báo hoặc can thiệp để loại bỏ những rủi ro, hiểm họa dẫn tới nguy cơ tai nạn đuối nước;
 
b) Chỉ đạo, tổ chức, phối hợp giữa các ngành, các tổ chức, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em nhất là đuối nước.
 
c) Rà soát, lập các bảng cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước...) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở...);
 
d) Chỉ đạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục; tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư; trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường;
 
g) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn của tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các hoạt động dịch vụ thể thao, du lịch, kinh doanh vận tải tàu thuyền, ăn uống ẩm thực, vui chơi, giải trí gắn với môi trường sông nước, ao hồ, đầm phá, biển đảo. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn, hoạt động tự phát, không phép hoặc khi xuất hiện thời tiết, thủy- hải văn nguy hiểm.
 
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời có các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em./.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày