Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá cao tầm quan trọng của kỳ họp, nhiều nội dung rất đáng chú ý sẽ được HĐND tỉnh thảo luận thông qua trong kỳ họp này. Để thực hiện tốt các nội dung quan trọng của kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận để xem xét thông qua các nghị quyết nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua các đồ án quy hoạch, điều chỉnh nhiều dự án quan trọng
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất cao đối với tờ trình liên quan đến Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của UBND tỉnh.
Theo đó, đối với định hướng về hành chính đô thị, từ nay đến năm 2025 xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Từ sau năm 2025 đến năm 2030 gồm 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và các huyện; xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III. Từ sau năm 2030 đến năm 2045 gồm 10 đơn vị hành chính với 4 quận, 2 thành phố và các huyện; xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã. Từ sau năm 2045 đến năm 2065: Ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận; 2 thành phố; 2 thị xã; các thị trấn, đô thị loại V thuộc huyện Phú Lộc – Nam Đông và huyện A Lưới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại kỳ họp
Làm rõ thêm về đồ án, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được xác định là một trong những tiêu chí để xây dựng Đề án thành lập thành phố Trung ương. Trên cơ sở nhiệm vụ Quy hoạch đô thị tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các khâu, các bước trong quá trình xây dựng đồng thời có sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, có sự tham gia phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Cũng tại kỳ họp, việc HĐND tỉnh thông qua đồ án phân khu sẽ tạo cơ sở để phê duyệt, từ đó ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghiệp kỹ thuật cao và thân thiện môi trường; phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ,... và các dịch vụ hậu cảng phục vụ cảng Chân Mây, phù hợp không gian kiến trúc cảnh quan khu vực lân cận, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án
Ngoài các đồ án quy hoạch, kỳ họp lần này cũng thông qua chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án: Cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng); Trụ sở làm việc Công an các xã, thị trấn (tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ 104,105 tỷ đồng thành 122, 891 tỷ đồng, tăng 18, 786 tỷ đồng); Hạ tầng kỹ thuật khu xen ghép CTR10 thuộc khu E - khu đô thị mới An Vân Dương (tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 43, 268 tỷ đồng thành 63, 787 tỷ đồng; hệ thống cây xanh cách ly theo quy hoạch tại các khu đất tiếp giáp đường nối Quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây và đường giữa Khu công nghiệp số 2 và số 3 (tổng mức sau khi điều chỉnh là122, 530 tỷ đồng, tăng 63,251 tỷ đồng so với dự án được duyệt là 59,279 tỷ; điều chỉnh từ dự án Nhóm C sang dự án nhóm B).
Theo tờ trình của UBND tỉnh, Cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chính trong khu vực theo quy hoạch đã được duyệt, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Vang và sự phát triển chung của tỉnh; động lực thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện đời sống dân sinh; hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới; khai thác hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch hai bên tuyến dự án, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 3km, bao gồm cầu qua phá Tam Giang dài khoảng 1,4km và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 1,6km. Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ ngày khởi công; dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024.
Các đồng chí chủ trì kỳ họp
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng để các ngành, địa phương kịp thời triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết. Đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.
Kỳ họp đã thông qua 16 Nghị quyết gồm: Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trụ sở làm việc Công an các xã, thị trấn; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật khu xen ghép CTR10 thuộc khu E - khu đô thị mới An Vân Dương; Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 26/4/2021 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu dự án hệ thống cây xanh cách ly theo quy hoạch tại các khu đất tiếp giáp đường nối Quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây và đường giữa Khu công nghiệp số 2 và số 3 thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu phi thuế quan Chân Mây; Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu Công nghiệp số 02, 03 tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (lần 3); Quy định mức thu lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Thừa Thiên Huế; Điều chỉnh phương án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Giao bổ sung và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; Bổ sung danh mục công trình, dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2023; Điều chỉnh, bổ sung một số dự án vào danh mục công trình dự án có ảnh hưởng rừng, đất rừng được quy hoạch cho mục đích sử dụng khác theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 của HĐND tỉnh; Công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV.
|