Phiên tòa giả định là xét xử vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Với tình huống: Vào khoảng 17 giờ 30 ngày 20/5/2023, sau khi làm thợ xây tại công trình, Phạm Văn Q. (SN 1980, trú tại thôn N., xã Q. T) cùng một số người bạn đã cùng ngồi lại tham gia ăn uống tại nhà người quen. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi ăn nhậu xong, Q. điều khiển xe mô tô lưu thông trên tuyến đường A. với tốc độ cao. Do đi không đúng làn đường, không giữ khoảng cách an toàn nên đã để tay lái bên phải va vào chị Nguyễn Thị D. (SN 1982, trú tại xã S.) đang điều khiển xe đạp đi phía trước cùng chiều gây tai nạn giao thông. Hậu quả, chị D. bị chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, đến ngày 25/5/2023 thì tử vong.
Phiên tòa giả định đã diễn ra với đầy đủ thành phần, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các điều luật được áp dụng trong tỉnh huống giống như phiên tòa thực tế, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Phiên tòa gia đình thu hút hơn 100 học sinh, đoàn viên thanh niên và người dân theo dõi. Đồng thời lồng ghép, chuyển tải thông điệp đến đoàn viên thanh niên và người dân về việc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho chính bản thân minh và người tham gia giao thông.
“Cùng với việc phát biểu luận tội, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã nêu rõ những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Qua phiên tòa giúp các đoàn viên thanh niên và người dân hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, từ đó giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân”- Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Quảng Điền Hoàng Phương Thảo cho hay.
Tại phiên tòa, ban tổ chức đã khéo léo lồng ghép các câu hỏi về quy định của Luật Giao thông đường bộ vào các phần giao lưu trả lời câu hỏi với nhiều phần quà hấp dẫn giúp tăng khả năng tiếp thu cho các em học sinh, đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân.
Phần giao lưu trả lời câu hỏi
*Ý nghĩa thiết thực:
"Phiên tòa giả định" được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại tòa án, bao gồm đủ các thành phần: Hội đồng xét xử do các đoàn viên có trình độ cử nhân luật đã được đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện tái hiện như một phiên tòa thật, gồm các bước từ xét hỏi, luận tội, tranh luận, nghị án, tuyên án.
Để tạo sự thu hút, hiệu ứng tác động cho người tham gia trước khi vào quá trình xét xử, các đơn vị tổ chức trình diễn một tiểu phẩm tình huống tái hiện sinh động quá trình vi phạm pháp luật, nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội. Qua đó đã tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
"Phiên tòa giả định" cũng lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật, định hướng rõ những cấu thành cơ bản của tội phạm, hậu quả và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đồng thời, cũng chỉ rõ mức hình phạt để đảm bảo tính giáo dục, phòng ngừa chung. Sau khi thực hiện "phiên tòa", các báo cáo viên đã làm rõ hơn một số nội dung pháp luật mà "Phiên tòa giả định" đã đề cập, hoặc thông tin về tình hình tội phạm có liên quan trong vụ án để gửi thông điệp pháp luật cho công chúng; tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc pháp luật trực tiếp.
"Phiên tòa giả định" là mô hình PBGDPL phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đây là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp người được phổ biến tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ; là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối tượng được phổ biến. Ngoài ra, "Phiên tòa giả định" cũng là sân chơi tạo điều kiện cho các bạn trẻ tham gia tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật, rèn luyện các kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm...