Một số kết quả sau 05 năm thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 08/12/2023

Ngày 10 tháng 12 năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Bám sát tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, toàn đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết tâm đổi mới tư duy, tìm các giải pháp tạo đột phá mới, từng bước phát huy hiệu quả thế mạnh, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Song song với việc củng cố nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, xác định vai trò và tầm quan trọng trong thực hiện bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả các nội dung trọng tâm của theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin (Nghị định số 13/2018/NĐ-CP). Trong giai đoạn 2018 đến nay, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin do UBND tỉnh ban hành, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã có sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động, tích cực, hoàn thành nhiệm vụ được giao; qua đó, góp phần hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ nhân dân tới các hoạt động của cơ quan hành chính, đảm bảo công tác quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả, nâng cao lòng tin của nhân dân vào Nhà nước và sẵn sàng, chủ động đóng góp xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật.

Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, thông qua việc thực hiện các Chương trình, Đề án liên quan tới công tác PBGDPL, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tổ chức 20 Hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho 1.260 lượt người là cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tập huấn viên, Tuyên truyền viên pháp luật về những nội dung liên quan đến việc triển khai, thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan. Cùng với việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đầu tư, nâng cấp và ứng dụng mạng xã hội, mạng viễn thông trong công tác tiếp nhận, cung cấp thông tin theo yêu cầu của tổ chức, nhân dân. Thông qua Trang Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Thừa Thiên Huế (đến nay đã được tích hợp vào Trang Thông tin điện tử của toàn bộ các Sở, ban, ngành, địa phương) và Fanpage nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các thông tin về văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Giao Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh triển khai, tăng cường cập nhật, tuyên truyền trên Báo Thừa Thiên Huế và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh các bài viết, tin tức, hình ảnh liên quan tới tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về tiếp cận thông tin; biên soạn, cấp phát miễn phí 70.000 tờ gấp pháp luật với các nội dung về “Một số quy định pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân”, “Nội dung, hình thức Nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, Một số quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử”,...phục vụ công tác truyền thông cho cán bộ, Nhân dân tại cơ sở.

Trên cơ sở nội dung các Hội nghị, tài liệu do Hội đồng PBGDPL tỉnh ban hành, các Sở, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức giới thiệu Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định 13/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan về cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý cung cấp thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân với nhiều hình thức như Hội nghị, họp giao ban, sinh hoạt Ngày pháp luật, Trang thông tin điện tử, Bản tin nội bộ, trang Fanpage...của cơ quan, đơn vị.

Tại địa phương, công tác phổ biến Luật tiếp cận thông tin được UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại địa phương như: tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã và nhân dân; thông qua hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở, cấp phát các tài liệu (Tờ gấp pháp luật, Bản tin Tư pháp, Sách giải đáp pháp luật,...) do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan cấp tỉnh phát hành, hỗ trợ; phối hợp với các ngành, đoàn thể: Công an, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động,... mở các đợt tuyên truyền, phổ biến lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa bàn các khu dân cư,... Đặc biệt, với chủ trương đưa pháp luật về với Nhân dân ở cơ sở, UBND cấp huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện cập nhật lên Trang thông tin của địa phương, tích cực phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện, cấp xã để phổ biến nội dung của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản liên quan.

Đến nay, tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Điều 17 (nội dung thông tin công khai), Điều 18 (hình thức, thời điểm công khai thông tin) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, địa phương. Trong đó, 100% các cơ quan thực hiện công khai thông tin qua Trang thông tin điện tử.

Trong 5 năm, tổng số yêu cầu cung cấp thông tin trên toàn tỉnh là 6.341 và tổng số thông tin đã cung cấp theo yêu cầu: 6.330. Số lượng yêu cầu bị từ chối cung cấp thông tin: 11 (Lý do từ chối: Thông tin yêu cầu cung cấp là thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu soạn thảo phục vụ công việc nội bộ, thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước).

Nhìn chung, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, chuẩn bị triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin được UBND các cấp quan tâm, trong đó chú trọng việc quán triệt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác cung cấp thông tin. Công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành được Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan nhà nước thực hiện bằng nhiều hình thức, qua đó người dân nắm được quy định cơ bản về quyền được tiếp cận thông tin cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin theo quy định. Việc triển khai Luật được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất đã góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của Nhân dân, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước./.

Sở tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày