. Phân quyền cho chính quyền địa phương[1]
- Văn bản thể hiện việc phân quyền: Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật.
- Về việc cho phép phân cấp, ủy quyền: Luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.
- Cơ chế trách nhiệm: Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước cấp trên: Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.
2. Phân cấp cho chính quyền địa phương[2]
- Trường hợp phân cấp: Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương.
- Cơ quan phân cấp: cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương
- Cơ quan nhận phân cấp: chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới
- Thời hạn phân cấp: phân cấp để cơ quan nhận phân cấp thực hiện một cách liên tục, thường xuyên.
- Nhiệm vụ được phân cấp: một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của cơ quan phân cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Văn bản thể hiện việc phân cấp: Phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.
- Về việc phân cấp tiếp: Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.
- Cơ chế trách nhiệm: Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp: Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp.
3. Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương[3]
- Trường hợp được ủy quyền: Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.
- Bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền: Cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
- Thời hạn ủy quyền: có khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
- Nhiệm vụ được ủy quyền: một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của bên ủy quyền.
- Văn bản thể hiện việc ủy quyền: Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.
- Về việc uỷ quyền tiếp: Cơ quan, tổ chức nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
- Cơ chế trách nhiệm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.
Cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền.
- Trách nhiệm của bên uỷ quyền: Việc ủy quyền phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền.
4. Một số vấn đề trao đổi
Khoản 1 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”. Như vậy, những nhiệm vụ không được phân cấp, uỷ quyền thì phải được quy định rõ trong luật.
Tại khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo đó, việc phân cấp sẽ loại trừ khi “pháp luật có quy định khác”.
Khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản”. Theo quy định này, việc uỷ quyền bị loại trừ khi “trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này”, nghĩa là những nhiệm vụ, quyền hạn mà luật quy định không được uỷ quyền.
Cùng một nội dung loại trừ việc phân cấp, uỷ quyền nhưng Điều 13 và Điều 14 có sự thể hiện khác nhau. Thiết nghĩ, khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương loại trừ trường hợp không được uỷ quyền là theo quy định tại “khoản 1 Điều 12 của Luật này” là phù hợp với tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân quyền cho chính quyền địa phương. Trong khi đó, khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương loại trừ trường hợp phân cấp là khi “pháp luật có quy định khác”, thể hiện phạm vi loại trừ rộng hơn quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương là được quy định trong luật. Từ phân tích trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc loại trừ phân cấp, uỷ quyền bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.