Một số vấn đề pháp lý về người lập di chúc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, di sản dùng vào việc thờ cúng, thời hiệu thừa kế
Ngày cập nhật 14/12/2023

1. Trường hợp người lập di chúc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có được lập di chúc để lại taì sản cho cha, mẹ hoặc người giám hộ

Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thành niên minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đại diện theo pháp luật của cá nhân là: (1) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; (2) người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; (3) Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên; (4) Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015 về phạm vi đại diện quy định: Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Từ các quy định trên, nếu người từ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có được lập di chúc để lại taì sản cho cha, mẹ hoặc người giám hộ không thì có 02 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được lập di chúc để lại taì sản cho cha, mẹ hoặc người giám hộ, vì: Theo Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đồng ý về việc lập di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Cha, mẹ hoặc người giám hộ cũng chính là người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên. Nếu di chúc chỉ định tặng cho cha, mẹ hoặc người giám hộ thì vi phạm quy định “nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình”.

Quan điểm thứ hai: người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc để lại taì sản cho cha, mẹ hoặc người giám hộ, vì: theo Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cha, mẹ hoặc người giám hộ chỉ đồng ý về việc lập di chúc mà không được bày tỏ quan điểm đồng ý hay không đồng ý về nội dung di chúc, nói cách khác, cha, mẹ hoặc người giám hộ không được can thiệp vào nội dung di chúc của người chưa thành niên. Trong trường hợp người chưa thành niên lập di chúc “đóng”, nghĩa là giữ bí mật nội dung di chúc thì những người này cũng không được biết về nội dung. Do đó, sự đồng ý về việc lập di chúc không đồng nghĩa với việc “nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình”.

2. Di sản dùng vào việc thờ cúng

Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di sản dùng vào việc thờ cúng:

“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.

Theo đó, một số vấn đề cần làm rõ như sau:

- “Một phần di sản dùng vào việc thờ cúng” được xác định như thế nào? Đó là một phần trong một di sản cụ thể (quyền sử dụng đất của một thửa đất, một ngôi nhà) hay một phần trong toàn thể khối di sản? Một phần chiếm tỷ lệ là bao nhiêu? Vấn đề này cần được làm rõ vì có ý nghĩa về mặt thực tế, khi cá nhân lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng trong khi tổng thể khối di sản không có gì ngoài di sản dùng vào việc thờ cúng.

- “Khi tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Thông thường, di chúc có nội dung nêu di sản dùng vào việc thờ cúng thì người được chỉ định trong di chúc có nghĩa vụ quản lý di sản để thực hiện việc thờ cúng mà không có quyền sở hữu (quyền sử dụng đất) đối với phần di sản này nên sẽ không có người thừa kế theo di chúc đối với phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Phải chăng, người thừa kế theo di chúc có thể hiểu là người thừa kế được chỉ định tại di chúc đối với những phần di sản khác hay là người được chỉ định quản lý phần di sản để thực hiện việc thờ cúng?

- Di chúc để di sản dùng vào việc thờ cúng thì có được lập văn bản khai nhận di sản thừa kế/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không?

Điều 57,58 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản”; “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản”.

Các quy định trên của Luật Công chứng năm 2014 quy định rất rõ là những người thừa kế “được hưởng di sản”. Như vậy, khi di chúc để di sản dùng vào việc thờ cúng thì người được chỉ định tại di chúc chỉ có quyền quản lý, mà không có quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng đất), nghĩa là không “được hưởng”. Do đó, không lập v văn bản khai nhận di sản thừa kế/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

 3. Thời hiệu thừa kế

 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế quy định:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Một số vấn đề trao đổi như sau:

- Khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu trường hợp có nhiều người quản lý di sản vào các giai đoạn khác nhau và những người trưóc đó đã có thời gian quản lý di sản khá dài, trong khi người đang quản lý di sản có thể có thời gian quản lý di sản không lâu, vậy khi xem xét việc di sản “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó” thì có xem xét cho những người đã quản lý di sản trước đó hay không?

- Khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản mà có yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế/phân chia di sản thừa kế thì có giải quyết được không? Vấn đề này có 02 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: vẫn tiếp nhận yêu cầu công chứng nhưng cần xác định chính xác đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản.

Quan điểm thứ hai: Không thực hiện yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế/phân chia di sản thừa kế khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản vì lúc này tài sản đã không còn là di sản nên không áp dụng quy định pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp này, thủ tục để đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng đất sẽ thực hiện như thế nào? pháp luật về đất đai, nhà ở chưa có quy định./.

 

Sở tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày