Kế hoạch Bảo đảm ATTP Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024
Ngày cập nhật 09/01/2024

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐLNATVSTP ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Quảng Điền về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024. UBND xã Quảng Thái xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

- Tăng cường phối hợp kiểm tra liên nghành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở chế biến thực phẩm.

- Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến  và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

II. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

- Thời gian: Từ 10/01/2024 đến hết 20/03/2024.

- Phạm vi triển khai: Trên toàn xã.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Hoạt động truyền thông

- Phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

- Huy động hệ thống loa phát thanh xã, truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, phổ biến đến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.

- Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa,  đấu tranh với việc sản xuất,  kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm,  kịp thời cảnh báo nguy cơ  mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2024.

- Nội dung tuyên truyền

+ Phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội mùa Xuân 2024.

+ Tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm.

+ Tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

+ Tuyên truyền sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

+ Tuyên truyền đảm bảo các điều kiện bảo quản, kinh doanh các sản phẩm truyền thống.

+ Hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn.

+ Cách chế biến thực phẩm an toàn.

+ Hướng dẫn cách chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, cách bảo quản giò, chả, canh măng, bánh chưng trong ngày Tết.

2. Hoạt động kiểm tra

2.1. Công chức VHXH phụ trách VSATTP

Phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.

2.2. Trạm Y tế xã

Tham mưu UBND các xã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 theo phân cấp quản lý.

2.3. Đối tượng kiểm tra và nội dung kiểm tra

- Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, , tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ Hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm v.v...

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm, ...

IV BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

          1. Tăng cường công tác tuyên truyền các Quyết định của Pháp luật về vệ sinh ATTP theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực ATTP.

          2. Chỉ đạo Trạm Y tế kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP ngành Công thương theo phân cấp.

          3. Chỉ đạo Tổ Quản lý chợ tổ chức treo băng rôn để tuyên truyền vận động các tiểu thương chấp hành tốt công tác vệ sinh ATTP với nội dung khẩu hiệu theo một trong các khẩu hiệu sau:

3.1. Vì sức khoẻ người tiêu dùng, hãy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn.

3.2. Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3.3. Vì quyền lợi người tiêu dùng, hãy đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

3.4. Không lạm dụng rượu, bia để Tết Giáp Thìn trọn niềm vui.

3.5. Không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

3.6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe./.

V. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

1. Cơ quan chủ trì

 - Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm xã.

- Trạm Y tế xã là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, là cơ quan tham mưu triển khai thực hiện, tổng kết, báo cáo UBND xã.

 2. Cơ quan phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã,  Công an xã,  bộ phận Văn hóa và Thông tin, đài truyền thanh xã

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, UBND xã yêu cầu các cơ quan đơn vị  triển khai thực hiện nghiêm túc./.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày