Trao đổi về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản đang được thế chấp
Ngày cập nhật 06/05/2024

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính (Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính). Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức (Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Đối với trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là tài sản đang được áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (phổ biến là biện pháp thế chấp) thì tài sản đó có bị tịch thu không?

 

 Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hóa, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được quản lý và bảo quản theo quy định của Chính phủ. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định  hành vi “... áp dụng hình thức xử phạt, ... không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính” là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, trường hợp có quy định áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì phải áp dụng theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Việc xử lý liên quan đến tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Khoản 9 Điều 21 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP  ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quy định giải quyết đối với các trường hợp có biến động về tài sản bảo đảm, trong đó, trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 7 và 8 Điều 21 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP (tài sản đang được bảo hiểm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc tài sản đang dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà được bảo hiểm; tài sản bảo đảm là cây hằng năm được thu hoạch, công trình tạm bị phá dỡ; tài sản bảo đảm bị thu hồi do bên bảo đảm vi phạm pháp luật liên quan; không còn tài sản bảo đảm do bị thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng)./.

 

Sở tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày