Tìm kiếm tin tức
Thông cáo báo chí từ ngày 09/3 - 15/3/2019
Ngày cập nhật 19/03/2019

Thông cáo báo chí từ ngày 09/3 - 15/3/2019

I. THÔNG TIN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Lĩnh vực chăm nuôi

Để ngăn ngừa dịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương. Lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương, đôn đốc nhắc nhở các địa phương tập trung tuyên truyền cho nhân dân được biết về bệnh dịch, thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa bệnh tại địa phương. Đến nay, chưa có trường hợp lợn bị dịch tả Châu phi tại tỉnh.

2. Lĩnh vực Nội chính

UBND tỉnh đã tổ chức lễ Công bố các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về điều động và bổ nhiệm lãnh đạo 4 đơn vị: điều động ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đến nhận công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; điều động ông Võ Lê Nhật, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đến nhận công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế;  bổ nhiệm ông Trương Văn Giang, Trưởng phòng Phòng Quản lý Xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; điều động ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kinh tế, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đến nhận công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Lĩnh vực Cải cách hành chính

Công bố 9 thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương. Theo đó, ngày 13/3/2019, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 603/QĐ-UBND về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và lĩnh vực thương mại biên giới thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, lĩnh vực Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện có 8 thủ tục; Lĩnh vực thương mại biên giới có 1 thủ tục (Đăng ký thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào).

4. Lĩnh vực Văn hóa

UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội ẩm thực chay Huế năm 2019 (Lễ hội ẩm thực Chay trong dịp Lễ Phật Đản năm 2019, từ ngày 17/5/2019 đến ngày 19/5/2019).

5. Lĩnh vực Đối ngoại:

- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sức CHLB Đức và Thị trưởng thành phố Dresden, Đức để tìm hiểu về các nội dung thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Dresden, CHLB Đức.

- Chiều 11/3, đoàn tiền trạm của Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam do bà Catherine Wong, Đại sứ Singapore tại Việt Nam làm Trưởng đoàn đã đến chào xã giao và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tiền trạm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền,  Đồng chí Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp thống nhất một số nội dung trong Chương trình Bệnh viện Bay Orbis tại Huế.

6. Lĩnh vực Khoa học, công nghệ

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2019 với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; Kiểm tra khả năng phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Nâng cao năng lực trong hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của các tổ chức ứng phó trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

7. Lĩnh vực Kế hoạch đầu tư

- UBND tỉnh đã có Quyết định Phê duyệt điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy viên nén năng lượng Thiên Phú của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vingo Huế làm chủ đầu tư với quy mô dự án: Công suất thiết kế: 40.000 tấn Viên nén năng lượng (Than sinh học)/năm; 8.000 tấn Ván ép (Polywood)/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 116.346.000.000 đồng (Một trăm mười sáu tỷ ba trăm bốn mươi sáu triệu đồng)

- UBND tỉnh đã có Quyết định Phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ sông Diên Hồng đoạn qua xã Quảng Phước và thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền. Tổng mức đầu tư là 13.000 triệu đồng (không thay đổi).     

- Phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Hải Dương, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư TDH Biển Hải Dương Huế với tổng vốn đầu tư của dự án: 2.108.000.000.000 VNĐ (Hai nghìn, một trăm lẻ tám tỷ đồng)

Mục tiêu dự án Xây dựng Khu du lịch sinh thái biển nằm trên bờ biển dài với nhiều đầm phá và đồi cát; kết hợp hài hòa, phong phú giữa nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, các điểm tham quan thể thao với các loại hình hiện đại, đa dạng và tiện nghi, kết hợp giữa truyền thống với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ; Xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Thừa Thiên Huế hướng đến dòng khách cao cấp. Bên cạnh các dịch vụ kinh doanh, dự án còn hướng tới việc tổ chức các hoạt động phi lợi nhuận khác nhằm hỗ trợ mục tiêu nêu trên.

Dự kiến Dự án Hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1: tháng 1/2022 và  Hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 2: tháng 6/2023.

II. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO NỔI BẬT CỦA UBND TỈNH, CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐÃ DIỄN RA TRONG TUẦN

1. Tổng hợp các chế độ, chính sách, văn bản chỉ đạo mới ban hành của UBND tỉnh

1.1 Quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 13/03/2019, UBND tỉnh vừa có Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2019.

Theo đó, từ năm 2019 tất cả cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kể cả cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo sẽ phải chấm điểm để làm cơ sở đánh giá, phân loại cuối năm. Mỗi chức danh sẽ được đánh giá, chấm điểm và phân loại theo một bảng điểm riêng với số điểm tối đa là 100 điểm. Việc chấm điểm được thực hiện theo từng quý và gửi cho Sở Nội vụ để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng ạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

1.2 Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025­

Ngày 12/3/2019, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 597/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025­” nhằm mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp nông thôn (CNNT) giai đoạn đến năm 2025 đạt 17-17,5%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp nông thôn đến năm 2025 đạt 13.500 – 15.000 tỷ đồng; Tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2025 là 20 - 25%.

Theo đó, trong giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm CNNT có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao độngvà thân thiện với môi trường như: chế biến nông lâm, thủy sản và đồ uống; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản phẩm thiết bị, máy móc và phụ tùng cơ khí; vật liệu xây dựng, dệt may - da giày.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển CNNT đến năm 2025 là 1.897 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là 289 tỷ đồng (15%); Nguồn vốn xã hội hóa là 1.608 tỷ đồng (85%). Trong giai đoạn đến năm 2025 ưu tiên thực hiện đầu tư các nội dung sau: Đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề; Đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cơ sở CNNT và pháttriển thị trường sản phẩm CNNT; Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ phát triển CNNT.

1.3. Công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018

Ngày 14/03/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có các quyết định công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Theo đó, có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 đợt này gồm: xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền; xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền; xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà  và xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền.

1.4. Ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Ngày 13/03/2019, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ, tư vấn để khởi nghiệp thành công. Hỗ trợ phát triển ít nhất 6 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển ít nhất 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ít nhất 01 doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư.

Các đối tượng được hỗ trợ gồm:

Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí sau (Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệpTổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 05 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt NamCó quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thỏa thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về đầu tư, đào tạo, huấn luyện, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam).

1.5. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn có chất lượng, có giá trị sử dụng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 11/3/2019 triển khai tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Theo đó, Đối tượng bình chọn là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được quy định tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ. Các sản phẩm tham gia bình chọn được phân theo a) Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, b) Nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; c) Nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; d) Nhóm các sản phẩm khác; được đánh giá theo các tiêu chí cơ bản (Tiêu chí về đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; Tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật – xã hội và môi trường; Tiêu chí về tính văn hóa và thẩm mỹ và các tiêu chi khác). Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có giá trị tính từ ngày được cấp đến hết này 31 tháng 12 của năm thứ tư (tính từ năm cơ sở được cấp Giấy chứng nhận).

Kế hoạch nêu rõ, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019 trên địa bàn tỉnh được tổ chức bình chọn ở hai cấp: cấp huyện và cấp tỉnh.Thời gian, địa điểm cụ thể tổ chức bình chọn cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng bình chọn cấp huyện, cấp tỉnh phù hợp với kế hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.6. Tiếp nhận dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng (CarBi – giai đoạn 2)

Ngày 14/3/2019, UBND tỉnh đã có công văn số 1420/UBND-CS đồng ý về nguyên tắc chủ trương tiếp nhận dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng (CarBi – giai đoạn 2) do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua tổ chức World Wild Fun for Nature – Việt Nam (WWF-Việt Nam). Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ và các đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo đảm bảo quy định; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ hướng dẫn Chi cục Kiểm lâm tỉnh các thủ tục liên quan theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh

2. Các sự kiện, hội nghị lớn đã diễn ra trong tuần

2.1. Thủ tướng khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử: “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”. Đây là một trong những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Để vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, trơn tru, an ninh, an toàn và hiệu quả,  góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử của ASEAN, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

Ngay sau lễ khai trương, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống, nhất là từ cấp Sở đến cấp huyện và cấp xã, để đảm bảo việc liên thông văn bản thông suốt giữa các cấp. Sắp tới UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị toàn tỉnh để đánh giá toàn bộ quá trình triển khai, thực hiện việc liên thông và việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, trên cơ sở đó sẽ có giải pháp cụ thể để đảm bảo vận hành thông suốt Trục liên thông văn bản quốc gia và hệ thống liên thông giữa các cấp trên địa bàn tỉnh.

2.2. Hội thảo quốc tế: Trồng rừng thế hệ mới cho các lâm hộ nhỏ

 Sáng 12/3, tại thành phố Huế, tổ chức WWF-Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo Trồng rừng thế hệ mới với chủ đề "Thực hiện chứng chỉ rừng đối với các lâm hộ nhỏ". Hội thảo nhằm thảo luận và chia sẻ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chứng chỉ rừng cho các lâm hộ quy mô nhỏ một cách hiệu quả cũng như tìm ra các giải pháp khả thi để nhân rộng thành công các mô hình làm chứng chỉ rừng cho các lâm hộ ở khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Diễn ra trong 2 ngày, cùng với tổ chức hội thảo tại hội trường, chương trình sẽ đi thực tế và tiến hành hội thảo hiện trường tại Chi hội FSC thôn Chầm, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà; vườn ươm giống Vũ Minh tại xã Lộc Tiến và HTX lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc; nhà máy chế biến gỗ có chứng chỉ FSC/CoC của công ty Minh An, tại thị trấn Phú bài, thị xã Hương Thủy.

III. SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ LỚN SẼ DIỄN RA, CHỈ ĐẠO CỦA LÃNH ĐẠO TỈNH VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG TUYÊN TRUYỀN TRONG TUẦN TỚI

1. Lễ phát động Chương trình Sức khoẻ Việt Nam tại trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh (sáng 16/3/2019)

2. Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 và triển khai Kế hoạch năm 2019 (chiều 18/3/019)

3. Hội nghị sơ kết 02 tháng tổ chức thực hiện Đề án Ngày Chủ Nhật xanh (sáng 21/3/2019)

4. Hội thảo "Thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn" (sáng 21/3/2019)

5. Hội thảo "Phát triển xây dựng Thương hiệu Áo dài" (sáng 16/3/2019)

6. Tiếp tục tuyên truyền về đề án "Ngày chủ nhật xanh"

7. Tuyên truyền cho cuộc thi ảnh: Hành động để thay đổi vì một Huế xanh.

IV. MỘT SỐ VẤN TỒN TẠI BÁO CHÍ PHẢN ÁNH TRONG TUẦN 10

1. Cửa biển bị bồi lấp nặng, ngư dân lo lắng (Tài Nguyên & Môi Trường Online 9/3; Nhân Dân 10/3, tr7) - Ngày 11/3/2019

2. Diễn biến mới về vụ Goldland Plaza chống lệnh đình chỉ thi công ở Huế (Seatimes.com.vn 9/3) - Ngày 11/3/2019

3. Sách giả tung hoành tại đường sách Huế (Thanh Niên Online 9/3; Thanh Niên 9/3, tr19) - Ngày 11/3/2019

4. Dân vạn đò “mòn mỏi” chờ sổ đỏ suốt 12 năm  (Tài Nguyên & Môi Trường Online 14/3)

 

V. GIẢI ĐÁP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TẤN BÁO CHÍ ĐÃ TIẾP THU TRONG TUẦN 10

1. Câu hỏi của Báo Tuổi Trẻ về việc đề nghị cung cấp thêm thông tin về cuộc thi “Hoa hậu các Cố đô Quốc tế 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh thông tin như sau:

Cuộc thi hoa hậu Cố đô Quốc tế 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế do Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (gọi tắt là Công ty Vietravel) dự kiến tổ chức Vòng chung kết cuộc thi tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 9/2019. Ngày 13/3/2019, UBND tỉnh đã có Công văn thống nhất chủ trương theo đề nghị của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao về tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Hoa hậu các Cố đô Quốc tế 2019” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại Công văn UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao căn cứ Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, ngày 24/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quy định pháp luật có liên quan để hướng dẫn Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam thực hiện các thủ tục đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, Đồng thời, đề nghị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án tổ chức cuộc thi “Hoa hậu các Cố đô Quốc tế 2019”; báo cáo UBND tỉnh xem xét, thông qua Đề án.

2. Liên quan đến Báo Tài nguyên - Môi trường hỏi về công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn vận chuyển gỗ trái phép tuyến đường 74, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa báo cáo UBND tỉnh như sau:

Trong thời điểm dự án đường 74 đang thi công, người và phương tiện thi công ra vào nhiều nên khó kiểm soát, một số người dân lợi dụng đi làm nương rẫy, khai thác lâm sản phụ đã lén lút khai thác gỗ.

Từ năm 2017 đến nay, đường 74 ngừng thi công, do ảnh hưởng mưa lũ nên tuyến đường đã bị sạt lỡ, chia cắt thành nhiều đoạn nên lưu thông khó khăn đã hạn chế nhiều tình trạng vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường vì so với trước đây việc tiếp cận các vùng rừng có trữ lượng gỗ quý thuộc lâm phận quản lý của Khu Bảo tồn Sao La, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, A Lưới trở nên thuận lợi hơn.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động triển khai một số giải pháp cơ bản để phòng ngừa và ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại tuyến đường này.

- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các phương án phòng chống chặt phá rừng trên cơ sở huy động tối đa sự phối hợp giữa các cơ quan: Kiểm lâm, Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các chủ rừng trên địa bàn hai huyện Nam Đông và A Lưới thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp giữa các đơn vị.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm rà soát mạng lưới các Trạm Kiểm lâm và Trạm Bảo vệ rừng (của các chủ rừng) trên tuyến để xây dựng quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật Lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ.

Đối với tuyến đường sông Hữu Trạch: Sở đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-SNNPTNT ngày 20/11/2017 phê duyệt phương án phối hợp giữa Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách nhằm ngăn chặn nạn phá rừng tự nhiên tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch. Hiện nay, Trạm Kiểm lâm cửa rừng Tu Re và Chà Lệnh Mụ Nú là hai trạm phối hợp, với quân số thường trực 25 người (so với trước đây chỉ từ 3-5 người). Nhiệm vụ chính của Trạm này là tuần tra các tiểu khu rừng trên địa phận ranh giới giữa Nam Đông – A Lưới – Hương Thuỷ, tổ chức các đợt truy quét đột xuất tại các khu rừng có dấu hiệu nghi vấn, ngăn chặn người ra vào rừng bất hợp pháp. Việc thực hiện phương án phối hợp đã tăng cường nhân lực đủ sức bảo vệ rừng tận gốc, ngăn chặn người ra vào rừng bất hợp pháp, đồng thời cũng tạo ra một cơ chế giám sát lẫn nhau, hạn chế tiêu cực. Ngoài ra, việc áp dụng máy định vị GPS và phần mềm SMART tích hợp vào máy tính bảng đã giám sát có hiệu quả công tác tuần tra truy quét rừng của lực lượng bảo vệ rừng.

Đối với tuyến đường bộ, trên địa phận A Lưới và Nam Đông, Sở đã chỉ đạo các chủ rừng Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Nam Đông phối hợp với Hạt Kiểm lâm A Lưới, Nam Đông để chốt chặn 24/24 tại hai Trạm bảo vệ rừng ở Ngã ba đường Hồ Chí Minh và đường 74 trên địa phận xã A Roàng, huyện A Lưới và tại km9  thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Nam Đông.

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên tuyến đường 74, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra và đã phát hiện, lập biên bản 08 vụ vi phạm, thu giữ 8,611m3 gỗ các loại và 03 máy cưa xăng, xử lý tịch thu nhập kho nhà nước.

* Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đặc biệt cấp chính quyền cơ sở; chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án quản lý bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm với các đơn vị chức năng liên quan: Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ và chính quyền địa phương để phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là quản lý các đối tượng đầu nậu thường xuyên tổ chức các băng nhóm khai thác rừng trái phép.

- Tiếp tục chỉ đạo duy trì lực lượng phối hợp giữa Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách trên các tuyến, khu vực trọng điểm thường xảy ra phá rừng, trong đó có tuyến đường 74.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới Luật sâu rộng đến cơ sở và cộng đồng các địa phương.

- Tiếp tục ứng dụng chuyên sâu các phần mềm chuyên dụng trong quản lý tài nguyên rừng, kể cả theo dõi biến động rừng và tuần tra, truy quét, quản lý rừng tận gốc.

- Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, đặc biệt các lớp tập huấn kỹ thuật quản lý rừng thông minh, về thực thi pháp luật lâm nghiệp, về nghiệp vụ kiểm lâm địa bàn, bảo vệ rừng chuyên trách.

3. Liên quan đến thông tin Báo nêu “Chợ xây tiền tỷ nhưng chỉ có 01 tiểu thương”. Sau khi tiến hành kiểm tra, UBND huyện Nam Đông xin báo cáo một số nội dung như sau:

Thực trạng công tác đầu tư xây dựng và sử dụng chợ Long Quảng

Khu chợ Long Quảng nằm trong phức hợp dự án đầu tư xây dựng Trung tâm cụm xã Long Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 753/QĐ-UB ngày 27/3/2000 và được điều chỉnh, bổ sung tại các Quyết định: Quyết định số 1567/QĐ-UB ngày 21/6/2000, Quyết định số 1114/QĐ-UB ngày 24/5/2001, Quyết định số 2177/QĐ-UB ngày 29/6/2004, Quyết định số 3050/QĐ-UB ngày 03/9/2004, Quyết định số 797/QĐ-UB ngày 08/3/2005. Mục tiêu của dự án là hình thành đồng bộ thị tứ trên địa bàn xã Thượng Long, xã Thượng Quảng nhằm ổn định định canh định cư và phát triển kinh tế - xã hội; ngăn chặn nạn đốt rừng, phá rừng, bảo vệ và phát triển rừng; từng bước nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào và tạo đủ việc làm cho người lao động, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Chợ được quy hoạch xây dựng nằm trong khu thương mại dịch vụ của Trung tâm cụm xã Long Quảng (bao gồm 01 đình chợ diện tích 240m2 , dãy cửa hàng thương mại 06 ki ốt diện tích 63m2 , bãi đỗ xe và một số hạng mục phụ trợ khác) với tổng kinh phí xây dựng các hạng mục này là 910 triệu đồng. Hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2005, đồng thời được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục vay vốn, hỗ trợ lãi suất để khuyến khích các tiểu thương tới kinh doanh, buôn bán tại chợ. Thời gian đầu có 10 hộ gia đình, tiểu thương, đơn vị đăng ký sử dụng ổn định mặt bằng buôn bán, trao đổi hàng hóa tại chợ (bao gồm 06 ki ốt và 04 hộ sử dụng mặt bằng trong đình chợ để kinh doanh), duy trì trong giai đoạn từ năm 2005-2008. Việc đầu tư xây dựng khu chợ trung tâm cụm xã Long Quảng là cần thiết, giải quyết được nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân 02 xã Thượng Long và Thượng Quảng, nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội, đường xá giao thông đi lại khó khăn và phù hợp với tập quán, thói quen trao đổi hàng hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi các chính sách hỗ trợ không còn, nhất là khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên; hạ tầng giao thông 2 nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, phương tiện đi lại cá nhân phát triển nhanh chóng, làm thu hẹp khoảng cách về giao thông, việc đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của chợ Hương Giang ở trung tâm cụm xã Nhật – Giang – Hữu và chợ Khe Tre ở trung tâm thị trấn Khe Tre. Một số hộ tiểu thương không sử dụng mặt bằng tại chợ mà chuyển về buôn bán tại nhà (khu vực xung quanh chợ, tuyến đường trung tâm xã Thượng Long, xã Thượng Quảng). Đến nay, chỉ còn 04 hộ kinh doanh tại chợ (gồm 03 hộ kinh doanh tại các ki ốt và 01 hộ trong đình chợ). Đối với việc những ngôi nhà tạm xây dựng trong khu vực chợ như báo đã nêu là không có, mà các hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh tại các ki ốt, nhằm để đảm bảo an toàn tài sản, hàng hóa không bị mất, hư hỏng do thời tiết nên đã tiến hành che chắn để bảo vệ. Riêng các dụng cụ máy móc, đồ dùng khác để tại khu vực chợ vì các tiểu thương chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, theo tập quán, thói quen trong sinh hoạt nên họ tạm sử dụng địa điểm kinh doanh là nơi để các vật dụng, dụng cụ lao động hằng ngày của gia đình.

Một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả dự án

Trong thời gian tới, nhằm phát huy hiệu quả của dự án, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, sắp xếp bố trí lại khuôn viên chợ Long Quảng, có chính sách để khuyết khích các hộ gia đình, tiểu thương đến buôn bán tại chợ; xem xét, giao Hợp tác xã Thượng Long khi được thành lập để quản lý, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả. Ngoài ra, UBND huyện sẽ nghiên cứu, định hướng xây dựng cửa hàng tổng hợp theo tiêu chí nông thôn mới; xây dựng cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn theo Đề án của UBND tỉnh.

4. Một số câu khỏi khác, ngày 12 tháng 3 năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 1321 /UBND-CS gửi các đơn vị: sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nam Đông yêu cầu tham mưu UBND tỉnh để trả lời (yêu cầu gửi về UBND tỉnh trước ngày 14/3/2019). Tuy nhiên, do cần thời gian kiểm tra, xác minh nên các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ chưa trả lời kịp, chúng tôi sẽ tổng hợp trả lời các anh chị trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí tuần tới./.

Theo www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.454.475
Truy cập hiện tại 4.291