Tìm kiếm tin tức
HUYỆN QUẢNG ĐIỀN: Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Đông Xuân
Ngày cập nhật 26/11/2019
Chủ động phòng dịch bệnh động vật vụ Đông Xuân

Hiện nay, tình hình dịch bệnh động vật vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trên địa bàn huyện, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng giảm, các ổ dịch bệnh nguy hiểm khác ở động vật đã được khống chế. Tuy nhiên, do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu, phát tán trong môi trường, sự diễn biến phức tạp của thời tiết tác động tiêu cực đến sức khỏe của đàn vật nuôi, kết hợp với các hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng cuối năm gia tăng, việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ và bị hạn chế do dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trong thời gian qua nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 14/11/2019 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Để chủ động tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành cấp huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau

1. UBND các xã, thị trấn

a) Tập trung triển khai các nội dung phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi

- Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định tại Công văn số 1.247/UBND ngày 15/10/2019 của UBND huyện về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn sau dịch và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh, UBND huyện.

- Đối với các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác: triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 16/10/2019 của UBND huyện về phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện Quảng Điền giai đoạn 2019 - 2025.

- Chỉ đạo công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống đổ ngã, đói rét cho gia súc; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn, yêu cầu các chủ dự án tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng vật nuôi, quy định về kiểm dịch động vật.

b) Rà soát tổng đàn, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm theo Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 07/8/2019 của UBND huyện về việc tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm vụ Thu và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2019.

c) Tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường theo nội dung tại Công văn số 1.342/UBND ngày 04/11/2019 của UBND huyện về việc triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 15/11/2019 của UBND huyện về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc, khử trùng để người dân chủ động thực hiện tại khu vực chăn nuôi của mình.

 d) Kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của Ban Chăn nuôi thú y, đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

đ) Tăng cường giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

e) Chỉ đạo đài truyền thanh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm.

g) Chỉ đạo triển khai thực hiện việc xây mới, nâng cấp cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

h) Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo lịch thời vụ; quy hoạch vùng nuôi và xử lý nước thải; tôm giống phải được kiểm dịch, xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi.

2. Phòng Nông nghiệp và PTNT

          a) Theo dõi, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ và phát triển chăn nuôi theo các nội dung tại các văn bản chỉ đạo của UBND huyện và UBND tỉnh.

b) Tham mưu xây dựng Kế hoạch và đề xuất bố trí nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật và kinh phí phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện lấy mẫu gửi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy ngay ổ dịch đầu tiên để tránh lây lan ra diện rộng khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu sử dụng ngân sách huyện để hỗ trợ kịp thời công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ chủ nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh ở lợn theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Quyết định số 1.668/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 của UBND tỉnh.

c) Triển khai xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm được công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định.

d) Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở và hộ chăn nuôi.

đ) Trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý và các ngày lễ lớn trong năm, tham mưu thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của Luật Thú y.

3. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện

a) Tổ chức phòng bệnh chủ động bằng việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi đạt miễn dịch quần thể, đặc biệt chú ý tiêm phòng các bệnh: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng ở trâu bò; Dịch tả, Tụ huyết trùng ở lợn; Cúm gia cầm, Niu cát xơn, dịch tả ở gia cầm; Dại ở chó, mèo và các bệnh bắt buộc phải phòng bệnh bằng vắc xin theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quản lý chặt chẽ trong công tác tiêm phòng: chất lượng, số lượng, chủng loại, hạn dùng của các loại vắc xin; việc bảo quản vắc xin, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng.

b) Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật nhằm hạn chế dịch bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp giống gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi trên địa bàn.

c) Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Tổ chức giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi đối với các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm đảm bảo dịch bệnh được khống chế và không lây lan ra diện rộng.

e) Tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo quy định./.

Tập tin đính kèm:
Nguồn: https://quangdien.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.416.343
Truy cập hiện tại 8.467