Trong năm 2023, trên Biển Đông có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Phong Điền; có 11 đợt mưa lớn diện rộng và một số đợt mưa dông diện rộng, mưa lớn cục bộ; có 15 đợt không khí lạnh (KKL) và KKL tăng cường đã gây ra rét, rét đậm. Có 4 đợt lũ từ báo động 1 trở lên, đỉnh lũ tại Sông Bồ 4,99m (trên báo động 3 là 0,49m), đợt mưa lũ sớm từ ngày 14 - 16/02/2023 đạt tần suất 1,65%, tương ứng 60 năm xuất hiện 1 lần; các đợt mưa lớn trong tháng 10 và 11 đã có 1.655 nhà bị ngập; mưa lớn cũng đã làm ngập úng hơn 3.000 ha lúa, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng bị hư hại. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở, trôi, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, các bờ sông, đê, kè; một số đường dây Trung thế bị sạt lở do dòng chảy dẫn đến xói mòn và đổ cột… Tổng giá trị thiệt hại khoảng 11.122,17 triệu đồng. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện Phong Điền không có thiệt hại về người do thiên tai; toàn huyện đã di dời, sơ tán ứng phó thiên tai là 650 hộ, 1.545 khẩu đến nơi an toàn. Ngoài ra, trong năm 2023, trên địa bàn huyện Phong Điền cũng đã xảy ra 16 vụ cháy rừng gây thiệt hại 6,91ha rừng trồng thuần loài Keo. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện với các xã, thị trấn, sự tham gia phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đơn vị liên quan theo phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã làm giảm thiểu thiệt do hại thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chủ động xây dựng các phương án PCTT&TKCN theo phương châm “ba sẵn sàng” và “bốn tại chỗ”; chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng phục vụ tốt công tác PCTT&TKCN trên địa bàn.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền báo cáo công tác PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Yêu cầu trong công tác PCTT&TKCN ngày càng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ, cứu nạn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn, nhất là phương tiện cứu hộ trên sông, biển. Một số địa phương chưa rà soát đúng thực tế và chỉ đạo quyết liệt công tác di dời dân cư, nhất là việc kiểm tra, chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, môi trường tại một số địa điểm đưa bà con nhân dân đến tránh trú bão lũ tập trung chưa đảm bảo; việc triển khai phương án theo phương châm “4 tại chỗ” có lúc có khi còn mang tính hình thức... Công tác tuyên truyền, chỉ đạo người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh trước mùa mưa bão ở một số địa phương còn yếu, chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng người dân đi vào các vùng sản xuất, đi vào rừng trong lúc mưa bão; tình trạng người dân bắt cá, vớt củi trên các sông suối khi mưa lũ vẫn còn nhiều…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như nêu lên những tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCTT và TKCN năm 2024.
Đồng chí Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện phát biểu kết luận tại hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện biểu dương và ghi nhận những kết quả đã đạt được của các cấp, các ngành, địa phương trong việc chủ động công tác PCTT&TKCN năm 2023. Để chủ động đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng chí đề nghị các ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động tổ chức kiểm tra các phương án, kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương, trong đó đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn dân cư, hồ đập, các vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở… kiểm tra việc chấp hành và thực hiện đúng quy trình vận hành các hồ chứa; phương án phòng, chống lũ bão đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du các công trình thủy lợi trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình thủy lợi, giao thông có phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.
Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và các nhiệm vụ khắc phục hậu quả khôi phục đời sống, sản xuất của Nhân dân; Rà soát, thống kê vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho Nhân dân được biết, để phòng tránh. Đồng thời, thông tin kịp thời về diễn biến của thời tiết, thiên tai; tăng lượng đưa tin, thông báo các bản tin dự báo, cảnh báo, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, ứng phó thiên tai để mọi người dân biết, chủ động phòng tránh.