Tìm kiếm tin tức
Chương 4 ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÃ QUẢNG THÁI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)
Ngày cập nhật 15/12/2022

4.1. Đảng ủy xã Quảng Thái lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ và củng cố lực lượng cách mạng, góp phần tiến tới đồng khởi (1954-1960)

4.1.1. Tình hình đất nước và quê hương Quảng Thái sau Hiệp định Genève tháng 7-1954 và chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam[1]

Chiến thắng vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ (5-1954) đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược, rút quân về nước, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Căn cứ Hiệp định Genève, nước ta tạm chia làm 2 miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau; lực lượng đôi bên thực hiện chuyển quân tập kết và một hiệp thương tổng tuyển cử sẽ diễn ra trên cả nước vào tháng 7-1956.

 

 

 

Thực tế lúc này, mặc dù quân Pháp cố tình kéo dài việc rút quân, nhưng về cơ bản, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã hoàn thành; miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, còn ở miền Nam, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ và là căn cứ quân sự để tấn công miền Bắc xã hội chủ nghĩa,... đã nhanh chóng đưa ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Sài Gòn làm thủ tướng chính phủ thay ông Bửu Lộc (chính phủ thân Pháp) vào ngày 7-7-1954.

Trước diễn biến đó, để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước, từ ngày 15 đến ngày 17-7-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6 (khóa II) và ra Nghị quyết về phương châm, sách lược đấu tranh của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là: “... chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp, dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hòa bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và thực hiện dân chủ trong toàn quốc. Khẩu hiệu của ta là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”[1].

Sau ngày ký Hiệp định, ở Quảng Điền, các thành phần phản động ở địa phương bắt đầu trỗi dậy, tìm mọi cách tập hợp lực lượng và hướng đến thành lập chính quyền tay sai ở cơ sở. Tại các xã, tổ chức “Hương dũng” ra đời với sự xuất hiện nhiều Việt gian khét tiếng; các tổ chức gián điệp, tình báo cũng bắt đầu lộ diện... Một mạng lưới tay sai đắc lực của bộ máy chính quyền tay sai đã hình thành và bắt đầu thực hiện các hoạt động dò la cơ sở cách mạng, khủng bố người dân,... với mục tiêu đánh phá quyết liệt lực lượng cách mạng.

Bất chấp sự dò xét, theo dõi và gây khó dễ của các phần tử phản cách mạng, ngày 23-8-1954, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, hàng nghìn người dân Quảng Thái đã có mặt tại xã Phong Thái (Hòa Mỹ) để tham gia lễ mít tinh kỷ niệm 9 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; đồng thời tiễn đưa con em quê nhà đi tập kết miền Bắc với lời hẹn 2 năm sau sum họp. Tại cuộc mít tinh, đồng chí Lê Minh - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên thay mặt Đảng bộ tỉnh đã biểu dương chiến công của lực lượng vũ trang và tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân toàn tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời kêu gọi nhân dân nêu cao truyền thống yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà trong giai đoạn mới. Thông qua mít tinh, mỗi người dân Quảng Thái đều thấy tự hào và càng tin tưởng vào cách mạng trong hành trình đấu tranh hướng đến ngày thống nhất đất nước.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 24-8-1954, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức hội nghị cán bộ mở rộng, nhằm phổ biến sự chuyển hướng chỉ đạo từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị dưới các hình thức: mít tinh hoan nghênh kết quả của Hiệp định Genève, chào mừng hòa bình trên quê hương, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ. Để có cơ sở đấu tranh chính trị, Tỉnh ủy chỉ đạo các Huyện ủy tổ chức học tập, phổ biến nội dung Hiệp định cho toàn thể đảng viên và chủ trương tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhằm giúp mọi người hiểu rõ việc chia cắt 2 miền Nam - Bắc theo Hiệp định chỉ là tạm thời; việc đàn áp người dân, việc khủng bố, trả thù những người kháng chiến trở về hay những gia đình có người thân đi tập kết,... đều là vi phạm Hiệp định...v.v...

Để tiếp tục thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, song song công tác chuyển quân tập kết, Tỉnh ủy Thừa Thiên cũng chỉ đạo các Huyện ủy tổ chức phân công bố trí cán bộ ở lại hoạt động bí mật, để xây dựng lực lượng cơ sở. Hoạt động của tổ chức Đảng các cấp được chuyển từ công khai vào bí mật, thực hiện “Đảng tồn tại trong lòng quần chúng”; đồng thời tiến hành sắp xếp lại tổ chức Đảng ở cấp huyện theo hướng tinh gọn, thành lập các Xã ủy (Đảng ủy xã) và chi bộ theo đơn vị thôn hoặc liên thôn. Một số đảng viên không đủ tiêu chuẩn hoặc kém về năng lực cũng được quyết định cho ngừng sinh hoạt đảng hoặc động viên tham gia vào phong trào quần chúng ở địa phương. Đảng bộ Quảng Điền do đồng chí Trần Văn Phong (tức Công - quê ở Hương Trà) làm Bí thư. Các Huyện ủy viên gồm có: đồng chí Nguyễn Kế (quê ở xã Quảng Hòa), đồng chí Nhạn, đồng chí Anh (quê ở xã Quảng Hưng), đồng chí Lập (quê ở xã Quảng Đại)[2]. Số lượng đảng viên thuộc Đảng bộ huyện Quảng Điền giai đoạn này có khoảng 400-500 đảng viên[3]. Chấp hành kế hoạch của Đảng ủy cấp trên, căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ sở, Đảng ủy xã Quảng Thái đã được thành lập gồm 5 thành viên, các thôn thành lập chi bộ. Theo đó, Đảng ủy do đồng chí Trần Trương làm Bí thư, các ủy viên gồm các đồng chí: Trần Thủy, Lê Quắc, Văn Khảm, Hồ Khơ. Đảng ủy có hai chi bộ: Chi bộ thôn Đông Hồ do đồng chí Hoàng Nông làm Bí thư, Chi bộ Trung Kiều do đồng chí Văn Thiền làm Bí thư[4].

Thời gian này, Huyện ủy Quảng Điền đã điều 01 tiểu đội bộ đội cùng một số vũ khí phân bố về các xã; tuy nhiên, sau khi việc chuyển quân tập kết xong, theo chỉ thị của Liên khu IV, số quân này cũng thả súng xuống sông Bồ và chuyển sang hoạt động bí mật nửa công khai dưới nhiều hình thức hợp pháp, để cùng sát cánh với nhân dân khôi phục đời sống sinh hoạt sau chiến tranh[5]; đồng thời tận dụng thời gian hòa bình để giải thích, tuyên truyền giúp người dân hiểu được nội dung và tinh thần Hiệp định Genève, từ đó tự nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

Với việc chuyển hướng nhiệm vụ theo chỉ thị của Trung ương, với sự chỉ đạo kịp thời, trực tiếp của Huyện ủy về mặt tổ chức lực lượng, cơ cấu đội hình,...  trên địa bàn Quảng Điền, lúc này đã bắt đầu hình thành mạng lưới liên lạc giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Đây là yếu tố rất quan trọng để phong trào cách mạng phát triển và là điều kiện cần để Đảng tồn tại trong lòng dân, chuẩn bị cho bước đi tiếp theo trong vai trò người lãnh đạo cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc.

Chấp hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về việc hướng nhân dân vào phong trào mừng hòa bình, hoan nghênh Hiệp định đình chiến, chống địch khủng bố và trả thù cán bộ kháng chiến cùng những người yêu nước, đòi hiệp thương tổng tuyển cử và bảo vệ quyền lợi ruộng đất mà cách mạng đem lại cho nhân dân trong kháng chiến chống Pháp xâm lược,... Đảng ủy Quảng Thái và Ủy ban hành chính xã đã tổ chức các buổi nói chuyện với sự tham gia của nhân dân trong xã. Ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng khổ lớn cùng nhiều khẩu hiệu như: chào mừng hòa bình, ủng hộ cải thiện dân sinh... được giăng cao trên các ngã đường thôn xóm. Trong các buổi nói chuyện, cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được treo trang trọng, thể hiện tấm lòng, niềm tin hướng về Đảng, về khát khao thống nhất nước nhà của người dân trên mảnh đất kiên cường này. Thông qua các hoạt động như thăm hỏi, tổ chức liên hoan “bữa cơm đoàn kết” để chia tay cán bộ tập kết… tình thân giữa cách mạng và quần chúng được gắn kết. Một số gia đình trong xã tự giác kéo đến các đồn bốt, kêu gọi con em mình đang đi lính cho chính quyền tay sai trở về với gia đình, tham gia vào phong trào hưởng ứng hòa bình trên quê hương cùng bà con thôn xóm.

Chỉ hai tháng sau khi Hiệp định Genève, tháng 9-1954, để khẳng định sự có mặt công khai ở miền Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ đưa tướng Collins sang làm Đại sứ ở Sài Gòn và bắt đầu viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm để củng cố thực lực. Lúc này ở vùng Trị - Thiên, Huế không chỉ là trung tâm hành chính của vùng tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn là trung tâm chính trị thứ hai sau Sài Gòn; vì vậy, ngoài bộ máy chính quyền cấp tỉnh, Mỹ - Diệm còn thiết lập ở đây một bộ máy cai trị cấp miền (gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và vùng Tây Nguyên), nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng.

Về chính trị, với chủ trương lấy thuyết Nhân vị[6] làm nền tảng cho chế độ, Ngô Dình Diệm cho lập Đảng Cần lao nhân vị; đây thực chất là tổ chức tập hợp thành phần phản động, làm chỗ dựa cho chính quyền tay sai, đồng thời âm mưu lừa phỉnh quần chúng về một hệ tư tưởng mới. Bên cạnh đó, dưới danh nghĩa “Phong trào cách mạng quốc gia”, chính quyền tay sai từ cấp trung ương đến cơ sở xã cũng cho ra đời nhiều tổ chức phản động như: tổ chức “Thanh niên diệt cộng”, “Phụ nữ liên đới”… mà thành phần chủ yếu là Việt gian và một số trí thức bị lôi kéo, nhằm tuyên truyền, nói xấu cách mạng và những người Cộng sản.

Về quân sự, để kiểm soát và kìm kẹp dân chúng, tiến đến tiêu diệt phong trào cách mạng tại Thừa Thiên, chính quyền Sài Gòn ra sức đầu tư xây dựng lực lượng quân đội thành “quân đội quốc gia” hùng mạnh bằng việc tăng cường bắt lính, trang bị vũ khí hiện đại. Lực lượng quân chủ lực sự được rải quân chiếm đóng từ trên trục đường từ Tứ Hạ vào Huế, từ Hòa Mỹ về Thuận An, từ Phú Bài về đầm Cầu Hai,... Ở Quảng Điền, quân địch tổ chức các cuộc hành quân vào vùng từng là căn cứ du kích của ta trong kháng chiến chống Pháp, vừa nhằm phô trương thanh thế, đồng vừa uy hiếp, lừa bịp quần chúng, đồng thời thăm dò lực lượng của ta.

Riêng Quảng Thái là xã tiếp giáp với huyện Phong Điền về phía bắc, đồng thời nằm trên trục giao thông Bắc - Nam chạy ven phá Tam Giang nối liền Quảng Trị với Thừa Thiên, lại có ranh giới cát trắng nội đồng hai huyện Phong - Quảng, nên mảnh đất này trở thành trung tâm kết nối và là bàn đạp hướng ra các địa bàn xung quanh. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Quảng Thái đã từng được chọn làm “An toàn khu” thì đến thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng đất này lại càng trở thành địa bàn quan trọng đối với cả phía cách mạng và chính quyền tay sai. Chính vì vậy, nơi đây quân địch đã bố trí một lực lượng lớn, vũ khí tối tân và thực hiện những đợt tấn công ác liệt hơn những nơi khác rất nhiều lần. Tình hình đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quảng Thái phải kiên định mục tiêu đấu tranh, bền bỉ sức chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn, để đứng vững trên địa bàn tâm điểm này trong tình hình mới với  những nhiệm vụ được giao.

Như vậy, xuất phát từ việc nhận thức sâu sắc tình hình thế giới và đặc điểm cơ bản của tình hình đất nước sau ngày ký Hiệp định, trải nhiều hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, chủ trương chiến lược cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới của Đảng đã từng bước hình thành. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên cũng kịp thời phổ biến và chỉ đạo các Huyện ủy, Xã ủy về đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, sách lược, phương châm và hình thức đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới. Có thể nói, từ đây, cuộc đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên trong đó có nhân dân Quảng Thái dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuyển sang một bước ngoặc mới: từ chỗ nông thôn đồng bằng là vùng tạm chiếm nay chuyển thành vùng địch kiểm soát; từ chỗ ta có chính quyền, quân đội, có tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng,... hoạt động công khai, nay chỉ còn lực lượng chính trị của quần chúng, còn cán bộ và đảng viên phải rút vào hoạt động bí mật; từ đấu tranh vũ trang nay chuyển sang đấu tranh chính trị dưới các hình thức: đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi cải thiện dân sinh và thực hiện quyền dân chủ… Những thay đổi cơ bản về thế và lực, về hình thức lẫn phương pháp đấu tranh cách mạng nói trên đã có tác động rất lớn đến đời sống chính trị, xã hội của nhân dân Quảng Thái trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng quê hương là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đồng thời là thử thách khắc nghiệt đối với mỗi cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quảng Thái trong giai đoạn từ sau năm 1954 đến đầu năm 1960.

4.1.2. Nhân dân Quảng Thái  đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, chống chính sách “tố cộng”, diệt cộng”, bảo vệ và củng cố lực lượng cách mạng (1955 -1960)

- Phong trào đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ, ủng hộ hiệp thương tổng tuyển cử.

Những năm sau ngày kháng Pháp thắng lợi, cũng như bao xã khác ở Quảng Điền, mảnh đất Quảng Thái chịu nhiều hậu quả tàn phá của chiến tranh; hệ thống thủy lợi tưới - tiêu ruộng đồng không đảm bảo, sức kéo trâu bò cũng bị hạn chế, … dẫn đến năng suất lúa, hoa màu đều thấp. Thực trạng đó đòi hỏi công việc trước mắt là khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nhưng chính quyền tay sai thay vì chăm lo vấn đề dân sinh lại tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố, trả thù những người kháng chiến. Xác định lúc này quan trọng nhất vẫn là vấn đề cải thiện đời sống bà con rồi sau đó mới vận động nhân dân đấu tranh đòi nhu cầu dân chủ, Đảng ủy chỉ đạo cán bộ, đảng viên các chi bộ thôn cùng cơ sở cách mạng vận động dân tham gia vào các đội làm thủy lợi (đào mương, khơi ngòi, đắp đê, khai khẩn đất hoang,...). Từ phong trào làm thủy lợi, cán bộ ta lại vận động bà con cùng chung tay giúp đỡ, đùm bọc những gia đình khó khăn dựng lại nhà, phục hóa ruộng vườn bị bỏ hoang trong chiến tranh... Các mối thân hữu trong thôn xóm cũng từ đó mà dần được gây dựng, kết nối và lan tỏa. Bước đầu, cuộc sống mới đã trở lại trên mảnh đất Quảng Thái, niềm tin yêu của nhân dân đặt vào cán bộ cách mạng ngày càng lớn. Từ đó có nhiều gia đình trong xã đã tự nguyện nuôi dưỡng cán bộ, chở che, giúp cán bộ đi lại hoạt động an toàn. Cũng từ các hoạt động tương trợ, ái hữu trong thôn, xóm, cán bộ ta đã tiếp cận từng nhà dân để vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu nạn đói đang xảy ra nhiều nơi và nghĩa đồng bào, người dân phải có tinh thần chia sẻ. Nhờ đó, trong cuộc vận động quyên góp lương thực cứu đói đồng bào huyện Phú Vang - nơi bị nặng nhất trong nạn đói năm 1955, nhân dân Quảng Thái đã tham gia rất nhiệt tình.

Thời gian này, để động viên tinh thần cách mạng của quần chúng, nhằm tập dượt, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà theo tinh thần Hiệp định Genève, Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại quảng trường Phu Văn Lâu - Huế. Mặc cho chính quyền tay sai o ép, mặc cho sự chỉ điểm, dò xét của mạng lưới Việt gian, hàng nghìn người dân từ các huyện, xã lân cận vẫn đổ về Huế và biến cuộc mít tinh trở thành cuộc tuần hành lớn trên ngả đường. Điều này minh chứng sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, các Huyện ủy và đặc biệt cán bộ, đảng viên nằm vùng đã không quản ngại khó khăn gian khổ, bám dân, bám đất để khơi dậy phong trào quần chúng. Cuộc mít tinh này cũng đánh dấu tinh thần cách mạng quật khởi của phong trào quần chúng ở Thừa Thiên dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thông qua cuộc mít tinh, phong trào đấu tranh của quần chúng đòi quyền dân sinh, dân chủ, hòa bình, thống nhất càng được đẩy lên cao và đó cũng là lời tố cáo tội ác chính quyền Ngô Đình Diệm đã bỏ người dân trong nạn đói, không chăm lo các mưu cầu dân sinh, tố cáo đế quốc Mỹ đã can thiệp sâu vào quá trình hiệp thương thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Trong năm 1955, khí thế đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ, đòi hòa bình của đồng bào miền Trung kéo dài nhiều tháng từ mùa hè sang mùa thu. Ngày 22-8-1955, nhân dân Quảng Thái cũng hòa vào dòng người kéo về dinh Tỉnh trưởng ở Huế để đưa đơn kiến nghị đòi đắp đập ngăn nước mặn ở Thuận An, bảo vệ nguồn nước ngọt cho nông nghiệp vùng đồng bằng huyện Phú Vang. Tin tức về cuộc biểu tình, mít tinh lớn ở Huế đã khiến Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải đích thân ra Huế xoa dịu dân chúng bằng cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-10-1955 với ý đồ phế truất vua Bảo Đại, tự mình ngồi vào ghế Tổng thống. Nắm được âm mưu này, Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương vận động nhân dân toàn tỉnh đồng lòng phản đối, tẩy chay Ngô Đình Diệm, vứt thùng phiếu xuống sông...

Có thể nói, trong giai đoạn từ tháng 8-1954 đến đầu năm 1955, quán triệt các nghị quyết của Trung ương, chỉ thị của Tỉnh ủy và được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Quảng Điền, dưới các khẩu hiệu “hòa bình”, “cơm áo”, “cứu đói như cứu hỏa”,… Đảng bộ Quảng Thái đã vận động được đông đảo nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị. Từ sự khơi dậy và phát triển của phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, cán bộ, đảng viên ở Quảng Thái đã xây dựng được các cơ sở cách mạng, làm chỗ dựa tin cậy cho Đảng trong công tác củng cố lực lượng cách mạng xã nhà. Trong công tác tổ chức, chủ trương thành lập các chi bộ thôn thời điểm này là một bài học kinh nghiệm quý của Đảng. Sự ra đời các chi bộ thôn một mặt củng cố tổ chức Đảng cơ sở, nhưng trên hết là bảo đảm sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Đảng trước những biến ứng mới ở địa phương, mặt khác cũng củng cố niềm tin của dân đối với sự nghiệp cách mạng, từ đó mà tự nguyện chở che, bao bọc cán bộ cách mạng.

- Đấu tranh chống chiến dịchtố cộng, diệt cộng, bảo vệ lực lượng cách mạng.

Đầu năm 1955, trong khi Đảng chủ trương hướng quần chúng vào cuộc đấu tranh chính trị, thì chính quyền Ngô Đình Diệm cũng đã hình thành cơ bản hệ thống cai trị từ trung ương đến cơ sở xã, thôn ở khắp miền Nam và bắt đầu triển khai chính sách chống cộng bằng các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”. Trong sách lược tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam thì chính sách “tố cộng”, diệt cộng” được Ngô Đình Diệm tôn lên hàng “quốc sách”, mục đích truy tìm và tiêu diệt những người tham gia hoặc có liên quan đến cách mạng. Sự thâm độc, tàn bạo của một chế độ độc tài, gia đình trị được bộc lộ qua chính sách này rõ ràng hơn bất cứ ở đâu, và trong dòng chảy lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Đảng nói riêng, đây cũng là giai đoạn bi thương với nhiều tổn thất, mất mát nhất.

Điều hành thực hiện chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” ở các tỉnh miền Trung, Ngô Dình Diệm giao cho Ngô Đình Cẩn nắm quyền chỉ huy. Để thực hiện “quốc sách” nói trên, ở Thừa Thiên, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch “tố cộng” qua 2 đợt, mỗi đợt chia làm nhiều bước: bắt quần chúng học tập (thực chất là khai thác, truy bức); bắt giam những người có liên quan cách mạng; bắt ly khai Đảng, xé cờ Đảng,... Người dân được phân loại để buộc tham gia vào các lớp học tập “tố cộng” với mức độ khác nhau. Loại A gồm những người tham gia kháng chiến và gia đình có con em đi tập kết, học tập ở quận lỵ. Loại B gồm những người có cảm tình với cách mạng, học 01 tháng và loại C gồm những người có con em tham gia ngụy quân ngụy quyền, học 10 ngày ở trụ sở xã.

Chiến dịch “tố cộng” đợt I từ tháng 3-1955, mang tên “chiến dịch Phan Chu Trinh” với mục tiêu tập trung càn quét vào các căn cứ kháng chiến cũ của cách mạng nhằm bắt cán bộ; đồng thời phá hoại kinh tế thường dân nhằm truy bức, buộc bà con phải khai báo các cơ sở cách mạng, tạo mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ dân với cách mạng, tiến đến tiêu diệt cán bộ nằm vùng. Để thắt chặt kiểm soát người dân, chính quyền còn lập ra các nhóm “liên gia tương trợ”, “ngũ gia liên bảo” ở từng thôn, xóm. Mỗi liên gia gồm từ 3 đến 5 gia đình, có liên gia trưởng kiểm soát. Chính quyền Diệm còn cho ra đời nhiều tổ chức đoàn thể, đảng phái với thủ đoạn “dĩ cộng trị cộng”, “khuấy nước đọng bùn”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” để đánh phá cơ sở Đảng và quần chúng nhân dân.

Từng là địa bàn “An toàn khu” của cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nên Quảng Thái bị chính quyền tay sai tỉnh, quận đưa vào mục tiêu đánh phá ác liệt nhất; điều này gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng xã nhà và cũng là thử thách cam go mà những người cộng sản ở Quảng Thái phải đối mặt. Trong đợt I, ngụy quyền tập trung 200 gia đình thuộc các thôn Trằm Ngang, Nam Giảng, Đông Hồ, Thủy Nịu, Tây Hoàng tại sân đình làng Phong Lai để học lớp “tố cộng” trong 7 ngày với nội dung nói xấu chính sách cách mạng, nói xấu Đảng, vu khống cán bộ đảng viên cộng sản,... Sau đó, quân địch buộc các gia đình có chồng, con tham gia cách mạng phải kêu gọi người thân trở về chiêu hồi chính quyền tay sai. Nhằm tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân, chính quyền tay sai cũng tiến hành soát xét, tra khảo với nhiều hình thức dã man các gia đình mà chúng cho là có liên hệ mật thiết với cách mạng, rồi chia ra nhiều loại để theo dõi; sau đó dồn họ lên động cát trắng phía Tây, nơi không ruộng vườn, không nhà cửa, quanh năm chỉ có những cây cỏ lông chông, cây bụi,... sống chịu hạn bám trụ. 

Đợt II của chiến dịch “tố cộng” bắt đầu từ tháng 7-1956, mục đích là đánh vào các cơ sở nội tuyến của ta, truy bắt cán bộ, đảng viên. Trong đợt “tố cộng” này, rất nhiều cán bộ, đảng viên ở Quảng Điền bị bắt đưa về giam tại Sịa (quận lỵ Quảng Điền). Trong thời gian 7 ngày, quân địch buộc mỗi người phải viết bản “phản tỉnh” mà thực chất là văn bản đầu hàng. Mặc dù quân địch dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, tra tấn dã man nhưng với ý chí kiên cường, quyết không chịu khai báo, các đồng chí của ta đã khiến quân địch phải kiêng nể. Điển hình như đồng chí Hoàng Anh - cán bộ chủ chốt hoạt động tại thôn Thủy Lập (Quảng Lợi), do không chịu làm tờ “phản tỉnh” nên bị địch giết rất dã man[7]. Đồng chí Hồ Khơ (thôn Nam Giang) -  Đảng ủy viên Đảng bộ Quảng Thái bị địch bắt; trước lúc bị quân địch đưa đi xử tử hình, đồng chí đã anh dũng hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chủ Tịch muôn năm, Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”. Một số đồng chí khác như đồng chí Trần Thị Phố, Phạm Trọng,... dù bị quân địch tra tấn rất dã man, song vẫn giữ khí tiết người cộng sản. Sự hy sinh anh dũng, khí phách hiên ngang của các đồng chí nói trên đã để lại tấm gương về lòng trung thành với Đảng, cách mạng của người cộng sản và trở thành niềm động viên cho những người còn lại trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù trên mảnh đất Quảng Thái, đồng thời cũng gắn kết thêm niềm tin của người dân Quảng Thái đối với Đảng.

Có thể nói, sau đợt “tố cộng” lần II, đội ngũ đảng viên của Huyện ủy Quảng Điền và các Xã ủy bị tan vỡ gần hết; trên địa bàn Quảng Điền có đến gần 100 đảng viên bị bắt. Đảng bộ Quảng Điền từ số lượng 400-500 đảng viên sau khi chuyển quân tập kết năm 1954, thì đến cuối năm 1956 chỉ còn vài chục người[8]. Thêm vào đó, từ giữa năm 1955 đến đầu năm 1956, tỉnh Thừa Thiên nói chung và vùng đất Quảng Điền nói riêng bị lũ lụt nặng nề nên mùa màng mất trắng, đời sống nhân dân lâm vào cảnh khó khăn. Có những thời điểm, cán bộ của ta không nhận được sự tiếp tế lương thực trong dân; phong trào cách mạng ở Quảng Điền khó khăn chồng lên khó khăn.

Trước tình hình nói trên, cuối năm 1956, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã họp và chỉ thị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn rút vào hoạt động bí mật, đồng thời cũng tìm các hình thức hoạt động thích hợp, an toàn để tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh chống chiến dịch “tố cộng”của chính quyền tay sai. Cuối năm 1957, lực lượng cán bộ nằm vùng trên huyện Quảng Điền gần như bị đánh bật ra khỏi địa phương. Để bám trụ được trong dân, gây dựng phong trào, một số cán bộ, đảng viên phải hòa nhập với quần chúng dưới các hình thức như tham gia sinh hoạt “Niệm Phật đường” của Phật giáo, hội Ái hữu cứu trợ giúp người nghèo,... số khác phải thoát ly lên chiến khu hoặc được điều ra miền Bắc học tập, công tác.

- Xây dựng căn cứ, khôi phục phong trào cách mạng xã nhà.

Trong bối cảnh phong trào cách mạng trên toàn tỉnh Thừa Thiên bị tổn thất nặng nề, tháng 11-1957, Tỉnh ủy họp ở thôn Ấp Rùng (xã Thượng Long, Phú Lộc) và ra Nghị quyết xây dựng căn cứ địa cách mạng ở vùng miền núi; phát huy vai trò của miền núi đối với phong trào cách mạng toàn tỉnh, để từ đó phát động khởi nghĩa, tiến về đồng bằng. Riêng các huyện nông thôn đồng bằng cũng ra sức xây dựng căn cứ lớn, khôi phục phong trào cách mạng để có chỗ đứng lâu dài và lực lượng tại chỗ khi thời cơ đến.

Bước sang năm 1958, về mặt hành chính, để dễ bề kiểm soát, kìm kẹp nhân dân, chính quyền tay sai cấp tỉnh chia nhỏ tỉnh Thừa Thiên thành 9 quận nông thôn, 2 quận nội thành. Ở cấp xã, với âm mưu xóa bỏ những dấu ấn, ký ức tốt đẹp về cách mạng và thành quả những năm tháng kháng chiến chống Pháp oanh liệt của nhân dân, chính quyền tay sai cũng xóa tên các xã vốn được thành lập trong kháng chiến và tiến hành tách thôn, lập xã mới. Theo đó, quận Quảng Điền gồm địa bàn 7 xã:  Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Lộc, Quảng Phước, Quảng Ngạn, Quảng Vinh, Quảng Lợi. Xã Quảng Thái thành lập bởi Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV vào tháng 9 năm 1950, gồm các thôn Cổ Tháp, Đức Nhuận, Hà Du và Sơn Công, đến thời điểm này bị xóa bỏ[9].

Về mặt chính trị, để lừa bịp dân chúng, vẽ ra viễn cảnh một đời sống bình yên, chính quyền tay sai ban hành một số chương trình cải cách hương thôn như: di dân lập ấp, cải cách điền địa và cho ra đời các tổ chức, hiệp hội như: Nông tín cuộc, Hội Nông dân,... Bên cạnh đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thiết lập 2 trung tâm cải huấn ở tỉnh Thừa Thiên; trong đó có một cơ sở đặt ở xã Phong Sơn (Phong Điền)[10], làm nơi giam cầm, dụ dỗ, mua chuộc những người kháng chiến, những người từng tham gia cách mạng nhưng dễ dao động tinh thần. Các trung tâm cải huấn ra đời không ngoài mục đích chia rẽ nội bộ quần chúng, tách cán bộ ra khỏi dân và tiến đến tiêu diệt lực lượng cách mạng.

Về quân sự, đầu năm 1959, nhận thấy nguy cơ mở rộng của một vùng căn cứ cách mạng ở miền Tây Thừa Thiên, chính quyền Mỹ - Diệm mở cuộc càn quét với qui mô lớn lên vùng núi, nhằm đánh phá vào căn cứ của ta và dự kiến mở đường cho việc thiết lập hành lang chiến lược quân sự Bắc - Nam sẽ đi qua vùng núi Thừa Thiên. Tại vùng nông thôn đồng bằng, để hỗ trợ cho các hoạt động “chống cộng”, chính quyền tay sai áp dụng luật “10/1959” (xét xử người chống lại chính quyền, bắn giết không cần điều tra những người Cộng sản) và bắt nhân dân vào sống tại các trại tập trung, để tiêu diệt cán bộ nằm vùng, tiến tới triệt tiêu phong trào cách mạng.

Ở Quảng Điền, với âm mưu cô lập, tiến tới cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng với quần chúng, chính quyền tay sai quận buộc tất cả các gia đình rời bỏ nơi ở, vườn ruộng và công việc đồng áng để vào sống tập trung trong các ấp do chính quyền lập ra. Một viên ấp trưởng và viên ấp phó được giao nhiệm theo dõi, khống chế và quản lý mọi hoạt động của người dân trong ấp. Ngoài việc tổ chức các đội dân vệ túc trực canh gác, chính quyền tay sai còn xây dựng ấp tập trung theo kiểu “2 sông 3 núi”, tức lớp ngoài và lớp giữa rào tre, lớp trong rào dây thép gai; giữa 3 đường rào là 2 đường hào, có cổng gác, chòi canh đêm ngày; bên ngoài hàng rào là vùng bắn phá tự do. Để phục vụ việc rào ấp, chính quyền tay sai buộc mỗi gia đình phải nộp 60 cây tre, 50 cái chông, bó lạt,... gia đình nào chống lệnh lập tức bị bắt ra trụ sở xã đánh đập. Những phụ nữ có chồng tập kết nếu không bị cưỡng hiếp cũng bị buộc phải lấy chồng là những tên chiêu hồi, phản cách mạng. Các gia đình có người thân đi tập kết miền Bắc đều bị xếp vào loại gia đình có quan hệ với Việt cộng và đều phải chịu mọi sự dò xét, kiểm soát, kìm kẹp,… của chính quyền tay sai. Sự kìm kẹp và khủng bố của chính quyền tay sai đối với người dân không chỉ riêng Quảng Thái mà cả vùng miền Trung và trên toàn miền Nam khiến lòng dân căm phẫn, nung nấu chỉ chờ có dịp vùng dậy khá gông kìm, giành lại tự do cho mình, người thân.

Đánh giá tình hình cách mạng miền Nam, tháng 3-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam; trong đó nhấn mạnh việc phát động quần chúng vùng đồng bằng đấu tranh bằng phương pháp vận động “dựng từng người, nhen từng nhóm, khôi phục từng thôn xóm”, qua đó để khôi phục thực lực cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng. Công tác công tác xây dựng Đảng là nội dung được nhấn mạnh, đặc biệt vai trò các cấp ủy. Nội dung Nghị quyết 15 sau đó lập tức được phổ biến về tận cơ sở và phương pháp khôi phục lực lượng trên đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi quần chúng, giúp họ hiểu đúng đắn về đường lối cách mạng trong giai đoạn mới. Không chỉ là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng miền Nam trong giai đoạn tiếp theo về mặt lý luận, mà về mặt thực tiễn, Nghị quyết 15 thực sự đã “cởi trói” cho lòng căm hờn vốn chất chứa bấy lâu nay trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân miền Nam nói chung, Quảng Thái nói riêng, có dịp được bùng phát, phá tan sự kìm kẹp của quân địch, đứng lên giải phóng mình, gia đình và làng xóm.

Mở đầu việc thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng, Tỉnh uỷ quyết định phát động phong trào treo cờ và rải truyền đơn trong toàn địa bàn tỉnh. Ở Quảng Thái, từ cuối năm 1956, số lượng đảng viên giảm mạnh; đến cuối năm 1959, theo chủ trương của Huyện ủy, Đảng ủy xã Quảng Thái được chuyển thành Chi bộ xã Quảng Thái, do đồng chí Lê Quắc làm Bí thư[11]. Để bảo toàn lực lượng và thực hiện mục tiêu tiếp cận dân, thực hiện phương pháp “dựng từng người, nhen từng nhóm, khôi phục từng thôn xóm”, Chi bộ Quảng Thái đổi tên thành Đội Công tác[12]. Lúc này, cơ sở cách mạng ở Trằm Ngang và Nam Giảng cũng kết nối liên lạc với Đội Công tác. Trên cơ sở đó, lực lượng quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng bắt đầu được nhen nhóm. Đến đây, kế hoạch cho hoạt động nằm vùng, bám trụ lâu dài trên mảnh đất Quảng Thái nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng xã nhà đã hình thành. Cũng từ đây, Quảng Thái trở thành một trong những cơ sở vững chắc của huyện Quảng Điền, nơi an toàn để các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Quảng Điền thường xuyên lên về, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng huyện nhà trong một thời gian dài.

Có thể nói, từ sau ngày hòa bình lập lại đến cuối năm 1959, phong trào cách mạng ở Quảng Thái đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Từ việc Mỹ và chính quyền tay sai chống phá thực hiện Hiệp định Genève đến việc chúng thi hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng Quảng Thái có lúc tưởng chừng như không thể vực dậy được bởi sự mất mát, hy sinh. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, đối mặt với kẻ thù, nhiều đảng viên cộng sản Quảng Thái đã giữ vững khí tiết của người cộng sản: bám trụ hoạt động kiên cường, nhiều cơ sở cách mạng bị bắt, chịu đòn tra tấn dã man của kẻ địch nhưng vẫn không một lời khai báo.

Tinh thần của Nghị quyết 15 đã được tập thể Chi bộ Đảng Quảng Thái nhanh chóng vận dụng vào thực tiễn và từng bước chuyển đổi tình thế cách mạng ở cơ sở; trong đó, việc Chi bộ Quảng Thái đổi tên thành Đội Công tác là một sáng tạo có tính nhạy bén trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhân dân Quảng Thái, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Quảng Thái, đã được tổ chức và phát triển lực lượng từ ít đến nhiều, từ thấp lên cao, góp phần cùng nhân dân huyện nhà, tỉnh nhà, chuyển phong trào cách mạng trên địa bàn từ thế bị kìm kẹp sang thế chủ động tiến công, đồng thời mở ra thời kỳ đồng khởi ở Quảng Điển nói riêng, Thừa Thiên nói chung, tạo tiền đề thuận lợi cho cách mang trong giai đoạn tiếp theo.

4.2. Chi bộ Quảng Thái lãnh đạo nhân dân nổi dậy đồng loạt “phá kìm” của Mỹ-ngụy (1960 - 1964)

4.2.1. Nhân dân đấu tranh làm lỏng thế kìm kẹp của địch, tiến tới đồng khởi

Cuối năm 1959, sau khi triển khai Nghị quyết 15, phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam diễn ra càng mạnh mẽ và sâu rộng. Ở Thừa Thiên, phong trào cách mạng cũng có những c huyển biến mới, cơ sở cách mạng ở một số địa phương đồng bằng đã bắt đầu khôi phục. Nhận định tình hình có nhiều thuận lợi để phát triển lực lượng, tháng 2-1960, Tỉnh ủy Thừa Thiên họp và chủ trương phát động khởi nghĩa miền núi, tiến tới làm chủ và xây dựng căn cứ địa cách mạng; trên cơ sở đó, phát triển khởi nghĩa xuống đồng bằng; riêng ở đồng bằng, đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, tiếp tục kết nối và mở rộng mạng lưới cơ sở cách mạng, chú trọng phát triển lực lượng vũ trang ở thôn xã,... chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho đồng khởi toàn tỉnh, toàn vùng. 

Ở Quảng Điền, chính quyền quận thực hiện kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược và chọn Quảng Thái làm thí điểm. Ấp trưởng các ấp Đông Hồ, Trung Kiều, Tây Hoàng và Lai Hà được giao nhiệm vụ đôn đốc người dân đóng góp vật liệu làm ấp chiến lược. Giữa lúc chính quyền tay sai đang tìm mọi cách để mảnh đất Quảng Thái trở thành tiêu điểm “chống cộng” và “diệt cộng” bằng việc dồn dân lập ấp, thì đầu năm 1960, Đội Công tác Quảng Thái thực hiện treo cờ Đảng ở khu vực chợ Nịu. Đối với chính quyền tay sai, sự xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng ngay giữa vùng mà chúng nắm quyền kiểm khiến cho chúng hết sức cay cú. Vì vậy, chiến dịch khủng bố “đồng tâm diệt cộng” được chính quyền tay sai tung ra hành động với một quyết tâm bắt sạch, giết sạch những ai mà chúng tình nghi có liên hệ với cách mạng. Mỗi ngày, trên các ngã đường thôn xóm của Quảng Thái đều xãy ra cảnh lùng sục, bắt bớ, tra tấn dã man những người cộng sản và cả những dân vô tội. Tình hình này gây nhiều khó khăn cho cán bộ đảng viên của ta trong quá trình hoạt động gây dựng cơ sở.

Tuy nhiên, sự trả thù tàn khốc của địch không còn đơn thuần một phía từ kẻ mạnh, mà đó cũng đồng nghĩa báo hiệu thế tương đối ổn định đang dần bị phá vỡ; bởi không chỉ riêng Quảng Thái, các xã lân cận cũng tổ chức treo cờ Đảng và ngày càng nhiều cơ sở cách mạng ở địa bàn xã kết nối với Đảng. Từ tháng 3-1960, nhiều cơ sở cách mạng ở ấp Đông Hồ và Tây Hoàng được xây dựng và kết nối liên lạc với đội Công tác, các hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cũng hình thành. Có được thắng lợi bước đầu như vậy là do đội Công tác đã từng bước bám trụ, xây dựng đường dây kết nối cơ sở, từng bước xâu chuỗi các mối liên hệ với quần chúng, vận động quần chúng làm cách mạng trước hết là giải phóng mình sau nữa là giải phóng quê hương.

Cuối năm 1960, một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặc mới của cách mạng miền Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy khí thế phong trào đồng khởi lên cao, đó là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (20-12-1960) - Đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam. Thắng lợi của phong trào đồng khởi đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang tiến công mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục, tạo ra một bước ngoặc có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh toàn miền Nam. Tình hình đó cũng là cú đòn bất ngờ, đánh vào chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, buộc Mỹ - Diệm phải chuyển hướng sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm tập trung đối phó với cách mạng miền Nam. Nội dung của chiến lược này là dựa vào lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền được trang bị vũ khí tối tân cùng lực lượng cố vấn Mỹ để tiếp tục tiến hành chiến tranh tại miền Nam Việt Nam; trong đó, kế hoạch “bình định” gom dân lập ấp chiến lược được chính quyền Mỹ - Diệm xem là mấu chốt, là “quốc sách số 1” quyết định sự tồn vong của chính quyền tay sai, nhằm tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Với mục tiêu và nội dung như trên, chính quyền Mỹ - Diệm quyết tâm “bình định” xong miền Nam trong vòng 18 tháng.

Ở miền Trung, để thực hiện kế hoạch “bình định” đồng bằng, chính quyền Mỹ - Diệm đã lập phòng tuyến ngăn chặn lực lượng cách mạng ở Bắc đường 9 và phía Tây vùng Trị Thiên, tập trung đánh phá miền núi và hành lang chiến lược Đông - Tây. Mục tiêu chính của quân địch là bình định vùng đồng bằng sau đó tập trung thực lực giành lại miền núi. Để thực hiện được mục tiêu này, chính quyền Mỹ - Diệm tăng cường lực lượng quân đội chiếm đóng ở chiến trường Trị  - Thiên. Ngoài sư đoàn bộ binh đóng giữ trước đó, đến thời điểm này, ở Quảng Trị và Thừa Thiên, địch bố trí thêm mỗi nơi 01 trung đoàn lính bảo an. Tại Thừa Thiên, mỗi quận lỵ đều có 01 đại đội và 01 tiểu đoàn lính án ngữ; mỗi xã có từ 02 tiểu đội đến 01 trung đội lính dân vệ,... Các hoạt động kiểm soát người dân trong “ấp chiến lược” cũng được chính quyền tay sai tăng cường với tầng số cao hơn nhằm thắt chặt vòng vây kìm kẹp, đồng thời đưa ra nhiều qui định vô lý như: không cho nông dân ra đồng gặt lúa khi lúa chín, cấm người dân trồng hoa màu trên đất nội đồng,… nhằm phá hoại kinh tế và cắt đứt sự tiếp tế của nhân dân cho cán bộ nằm vùng, thực hiện bao vây, cô lập, phong tỏa lực lượng cách mạng.

Trước tình hình đó, từ ngày 21 đến ngày 26-4-1961, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thừa Thiên lần thứ IV được tổ chức tại làng Ta-Pát (miền núi Thừa Thiên) đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo nhân dân vùng lên phá “ấp chiến lược”. Chủ trương thành lập Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, thành, huyện và các đội Vũ trang, đơn vị vũ trang cũng được đại hội thông qua. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, ở Quảng Điền, các Đội Công tác cũng được thành lập và cũng từ đây, hoạt động phá ấp chiến lược trên địa bàn huyện diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức.

Ở Quảng Thái, người dân hưởng ứng phong trào phá ấp chiến lược bằng các hình thức như trì hoãn thời gian nộp vật liệu do “không có tre già, chưa chặt được tre”; hoãn lệnh bắt đi làm ấp chiến lược bằng việc khai quá tuổi; nông dân, thanh niên khi bị bắt đi làm hàng rào ấp chiến lược đã cố tình làm sai qui cách quy định,... Nhờ vậy, thời gian làm ấp chiến lược không hoàn thành như ý của chính quyền tay sai và người dân vẫn có thể tự do đi lại làm ăn, đồng thời có điều kiện đưa cán bộ bám trụ trong lòng ấp chiến lược, tiếp cận và xây dựng lực lượng cơ sở tại chỗ để chuẩn bị công phá từ trong ra ngoài.

Thắng lợi bước đầu của phong trào phá “ấp chiến lược” của quân dân Quảng Thái chính là xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng quần chúng. Nhiều quần chúng đã trở thành cơ sở cách mạng, nhiều con em trong xã gia nhập đội Vũ trang tuyên truyền và hăng hái tham gia phong trào diệt ác trừ gian, phá ấp chiến lược, góp phần phá thế kìm kẹp của địch trên quê hương. Trên cơ sở đó, địa bàn hoạt động của cán bộ, đảng viên ở Quảng Thái cũng dần mở rộng. Nếu như thời điểm năm 1958-1959, cán bộ hoạt động địa bàn chỉ thường về Quảng Thái ban đêm, nhưng đến thời điểm này đã có thể bám trụ cả ban ngày, hoạt động bán công khai khi dựa vào cơ sở quần chúng. Không những thế, quần chúng nhân dân còn phối hợp, giúp đỡ đội Công tác tiến hành các hoạt động diệt ác, trừ gian, phá thế kìm kẹp của ngụy quyền với tinh thần dâng cao hơn bao giờ hết. Từ các hoạt động của đội Công tác và sự phát triển của mạng lưới cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ bám trụ bên trong ấp chiến lược, xây dựng hành lang bí mật kết nối phong trào cách mạng trong lòng ấp chiến lược với bên ngoài, thực hiện trong đánh ra ngoài công kích vào, tiến tới nới lỏng thế kìm kẹp của địch.

Sau một thời gian bám trụ, từ tháng 2-1962, đồng chí Nguyễn Cam (Thường vụ Tỉnh ủy) cùng đồng chí Lê Quắc quyết định triển khai hoạt động trừ gian tại ấp chiến lược Trằm Ngang. Lúc này, tại các thôn như Nam Giang, Đông Hồ, Tây Hoàng và Trằm Ngang, mỗi nơi đều thành lập 01 tiểu đội du kích và sẵn sàng phối hợp cùng quần chúng vây bắt, xử tội những tên chỉ điểm, chiêu hồi phản cách mạng, làm hại nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, Chi bộ Đảng Quảng Thái bắt đầu ra hoạt động công khai. Mạng lưới cơ sở cách mạng ở khắp thôn xóm với những quần chúng tin cậy, luôn đảm bảo an toàn cho cán bộ, đảng viên nằm vùng hoạt động bí mật. Lực lượng cách mạng của xã nhà cơ bản đã được khôi phục; trong đó, lực lượng quần chúng đấu tranh chính trị luôn được được tuyên truyền và định hướng về mục tiêu và phương pháp đấu tranh; lực lượng vũ trang không ngừng được bồi dưỡng, tuyển chọn từ con em của xã nhà có đầy đủ nhiệt huyết và lý tưởng vì quê hương làng xóm. Đến đây có thể nói, phong trào cách mạng ở Quảng Thái đã thát triển mạnh, tạo được thế vững chắc trong cuộc đấu tranh trực diện với quân địch. Chính vì vậy mà trong năm 1962, khi ở nhiều nơi, chính quyền tay sai lập được “ấp chiến lược”, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi dân thì ở Quảng Thái, cán bộ, đảng viên vẫn tiếp tục theo sát phong trào, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng vẫn hiện diện trong mỗi bước đi của phong trào cách mạng xã nhà.

Bước sang năm 1963, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào cách mạng Quảng Thái tiếp tục phát triển. Tháng 3-1963, Đội Công tác Quảng Thái phối hợp cùng lực lượng vũ trang huyện mở trận tập kích vào trụ sở xã Quảng Lợi, tiêu diệt 3 tên ác ôn, tịch thu nhiều hồ sơ tài liệu quan trọng. Công tác địch vận cũng được đẩy mạnh, thắng lợi ghi được trên mặt trận này có thể kể đến việc Chi bộ Quảng Thái đã cài cắm được một số đồng chí vào hoạt động trong bộ máy chính quyền tay sai ở xã. Ngoài ra, đội du kích Phong Lai - Lai Hà phối hợp với cơ sở cách mạng đã bí mật kết nối, tác động tuyên truyền chủ trương chính sách của cách mạng cho một số người trong tổ chức hương thôn và họ đã trở về làm ăn lương thiện.

Về tổ chức Đảng, lúc này Huyện ủy quyết định cử đồng chí Trần Đình Thủy làm Bí thư Chi bộ Quảng Thái kiêm Đội trưởng Đội Công tác của xã. Số lượng đảng viên của Chi bộ Quảng Thái lúc này đã phát triển thêm được 8 đảng viên mới. Đó là các đồng chí: Trần Phú, Trần Hợi, Trần Tuyến, Lê Chiến (Trằm Ngang); đồng chí Phạm Hợi (Tây Hoàng); các đồng chí Hồ Ngỗng, Hồ Viết Ngờ (Nam Giảng); đồng chí Trần Khuân (Đông Hồ). Cuối năm 1963, lực lượng cách mạng ở Quảng Thái lên cao, Chi bộ tiếp tục kết nạp thêm 7 đảng viên mới; đó là các đồng chí: Hồ Mại, Hồ Nầy, Hoàng Giao (Nam Giảng); đồng chí Văn Đức Dị (Đông Hồ); đồng chí Trần Lép (Trằm Ngang)[13].

4.2.2. Đồng khởi nông thôn đồng bằng, mở ra vùng giải phóng

Từ giữa năm 1963, chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Sài Gòn đã làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân trên toàn miền Nam diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Ở Huế, các cuộc đấu tranh kéo dài liên tục trong suốt nhiều tháng và đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân tham gia. Chính hiện tượng này đã góp phần vạch trần bộ mặt tàn ác của chế độ Mỹ - Diệm trước dư luận trong nước và thế giới, đồng thời cũng làm cho chế độ Ngô Đình Diệm lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Riêng về phía người Mỹ, sau gần 2 năm thực hiện kế hoạch Staley - Taylor, họ vẫn không cứu vãn được tình thế nguy ngập của ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam. Do vậy, chính phủ Mỹ quyết định “thay ngựa giữa dòng”, mượn tay quân đội Việt Nam Cộng hòa làm đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11-1963, đưa ông Dương Văn Minh rồi sau đó là ông Nguyễn Khánh lên làm Tổng thống.

Sau sự kiện ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Khu ủy ban hành Chỉ thị: “Chuẩn bị mọi mặt đến năm 1964 phát động quần chúng phá thế kìm kẹp, phá ấp chiến lược, giành một phần nông thôn đồng bằng”; tiếp đó, Tỉnh ủy Trị - Thiên cũng ra Nghị quyết: “Đẩy mạnh phá ấp chiến lược, làm lỏng kìm kẹp của địch, nơi có điều kiện thì đưa quần chúng lên với khí thế khởi nghĩa”[14]. Trên tinh thần đó, ngày 8-4-1964, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức Hội nghị và ra Nghị quyết với nội dung nhấn mạnh gấp rút việc chuẩn bị phát động quần chúng tiến hành khởi nghĩa ở một số địa bàn trong đó có huyện Quảng Điền, nhân dịp 10 năm ngày ký Hiệp định Genève (21-7-1954 - 21-7-1964).

Thực hiện chỉ thị, nghị quyết cấp trên, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức Hội nghị cán bộ mở rộng, chuẩn bị cho phong trào đồng khởi đồng bằng với quyết tâm lớn. Ban Chỉ đạo đồng khởi huyện Quảng Điền được thành lập và quyết định chọn xã Phong Nhiêu, Quảng Thái tiến hành đồng khởi trước để rút kinh nghiệm. Kế hoạch, phương thức khởi nghĩa tại 2 xã, vị trí và các công việc cụ thể của mỗi người cũng gấp rút được bàn soạn ngay sau hội nghị. Chỉ đạo đồng khởi ở xã Phong Nhiêu do đồng chí Trần Mai (Bí thư Huyện ủy) làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Sơn (Huyện ủy viên) làm đội phó. Chỉ đạo đồng khởi xã Quảng Thái do đồng chí Phạm Do (Thường vụ Huyện ủy) làm đội trưởng và đồng chí Trần Đình Thủy (Bí thư chi bộ Quảng Thái) làm đội phó[15]. Phương thức cơ bản của phong trào đồng khởi là sử dụng lực lượng vũ trang huyện, đội Công tác xã, cơ sở nội tuyến và lực lượng quần chúng nổi dậy, đánh thẳng vào trụ sở của ngụy quyền xã, phá thế kìm kẹp, từng bước làm chủ và giành chính quyền.

Đợt I của phong trào đồng khởi ở Quảng Điền diễn ra từ ngày 5-7-1964 đến tháng 9-1964. Đêm ngày 5-7-1964, Đại đội C114 (lực lượng vũ trang của huyện Quảng Điền) làm nòng cốt phối hợp đội Công tác và các cơ sở cách mạng tại xã phát động quần chúng nổi dậy, tiến công vào trụ sở của ngụy quyền xã Phong Nhiêu. Chỉ trong vài ngày, hệ thống tay sai (dân vệ, thanh niên chiến đấu) bị tan rã, ấp chiến lược Phong Nhiêu bị phá hủy; chính quyền tự quản của nhân dân được thành lập.

Riêng ở xã Quảng Thái, đầu tháng 7 năm 1964, lính dân vệ ấp Mỹ Thạnh phối hợp đồn lính Đông Hồ, tổ chức vây ráp các thôn Đồng Hồ, Trung Kiều, Tây Hoàng, nhằm bắt cán bộ của ta. Trong trận này, có 2 chiến sĩ thuộc đơn vị bộ đội địa phương đang công tác tại thôn Tây Hoàng đã hy sinh[16]. Tiếp sau đó, quân địch tổ chức nhiều trận càn nên lực lượng của ta bị phân tán. Do lực lượng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên kế hoạch đồng khởi ở Quảng Thái đến đêm ngày 20-7-1964 mới tiến hành. Kết quả ấp chiến lược Đông Hồ bị phá tan, cầu Nịu bị đánh sập, đồn lính Đông Hồ bị tập kích; lực lượng quân địch ở đồn Đông Hồ tan rã, bỏ chạy về đồn đóng ở chợ Sịa (thị trấn Sịa). Thừa thắng, quân dân Quảng Thái nổi dậy phá ấp chiến lược tại các thôn Trung Kiều, Tây Hoàng, Lai Hà, Sơn Công và thành lập chính quyền tự quản của nhân dân. Thắng lợi của phong trào phá kìm ở Quảng Thái đã có tác động rất lớn đến tinh thần của lính ngụy, có rất nhiều người đã tự giác trả súng, cởi áo trở về với nhân dân và tham gia vào các đội Công tác, vũ trang của xã nhà. Cùng thời điểm này, một số xã trong huyện cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ quân dân xã Phong Nhiêu rồi Quảng Thái như vây chặn đánh địch ở các ngã đường không cho chúng thoát ra, góp phần vào thắng lợi bước đầu của phong trào đồng khởi trên địa bàn huyện nhà mở đầu tại 2 xã Phong Nhiêu và Quảng Thái.

Sau thắng lợi đồng khởi, chính quyền cách mạng ở Quảng Thái được thành lập: đồng chí Trần Song làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng, đồng chí Hồ Côi làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam xã, Ban Xã đội do đồng chí Hồ Viết Ngờ làm Xã đội trưởng, đồng chí Hoàng Minh Hòa làm Xã đội phó, đồng chí Trần Đình Thủy (Huyện ủy viên) làm Bí thư Chi bộ[17]. Chấp hành chỉ đạo của Huyện ủy về việc phát triển lực lượng cách mạng, Chi bộ Quảng Thái đã nhanh chóng tổ chức quần chúng thành lập lực lượng chính trị, binh vận, đặc biệt là lực lượng dân quân du kích. Thời gian này, xã Quảng Thái có rất nhiều thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang huyện, riêng đội du kích Quảng Thái mới thành lập sau ngày khởi nghĩa đã có 155 đội viên[18]. Các mẹ, các chị hăng hái tham gia công tác binh vận, chuẩn bị hậu cần tiếp tế lương thực, thuốc men,... tất cả tạo nên không khí sôi nổi, quyết tâm, sẵn sàng chống lại mọi phản kích của địch.

Khí thế sối nổi, nhiệt tình cách mạng của quần chúng ở Quảng Thái nói riêng và toàn dân Quảng Điền nói chúng đã khiến một số tổ chức đảng, phái cơ hội, phản động như Quốc dân Đảng, Cần lao nhân vị,... tuy không công khai chống đối nhưng rất hằn học và vẫn lén lút hoạt động. Nhận thấy sự nguy hiểm của các tổ chức này trong việc phân tán lực lượng quần chúng, làm ảnh hưởng phong trào cách mạng, Chi bộ Quảng Thái chủ trương phải tập trung tiêu diệt nhóm tay sai này. Dựa vào quần chúng nhân dân, đêm ngày 10-8-1964, đội du kích xã đã tiêu diệt và bắt sống nhóm Quốc dân Đảng. Tiếp theo đó, đêm ngày 20-8-1964, một nhóm Cần Lao Nhân vị gồm 18 tên cũng bị tóm gọn. Phong trào diệt ác trừ gian cũng được triển khai. Tháng 11-1965, đội du kích phối hợp cùng cơ sở cách mạng tiêu diệt nhóm tay sai nổi tiếng độc ác hại dân gồm 6 tên tại Cửa Rào…

Như vậy, hệ thống ấp chiến lược bị phá tan, chính quyền ngụy bị xóa sổ, các nhóm đảng, phái “làm màu” cho chính quyền tay sai cũng bị trừng trị; song xét về tương quan lực lượng lúc này quân ngụy vẫn còn đông về số lượng, lại được trang bị vũ khí đầy đủ; vì thế, việc các thành phần tay sai vẫn rắp tâm thu quân khôi phục lực lượng và tiến hành phản công là điều không tránh khỏi. Chỉ 2 tháng sau ngày khởi nghĩa (tháng 7-9/1964), quân ngụy liên tục mở các đợt càn quét qua các xóm làng, tổ chức vây ráp, xăm hầm bí mật, chặt cây đốt rú,... để truy lùng bắt cán bộ cách mạng. Tại Trằm Ngang, trong một lần bị địch vây ráp, 2 nữ du kích xã nhà là Thái Thị Thanh và Hoàng Thị Gái dù đã xuống hầm bí mật nhưng không may bị địch phát hiện, hầm bí mật bị quật và các đồng chí đã hy sinh anh dũng.

Từ cuối năm 1964, với lực lượng quá chênh lệch mà thế mạnh nghiêng về phía quân địch nên Chi bộ Quảng Thái quyết định rút vào hoạt động bí mật để bảo tồn lực lượng và mạng lưới cơ sở; đồng thời thành lập lực lượng biệt động có nhiệm vụ trấn áp thành phần phản cách mạng, không để các thành phần Việt gian, chỉ điểm cấu kết làm tay sai cho bộ máy ngụy quyền tái sinh. Thời gian này, Huyện uỷ chủ trương tổ chức lực lượng cách mạng hoạt động bằng 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận; trong đó, ở mỗi xã đều hình thành “đội quân tóc dài”; lực lượng vũ trang ở từng thôn, xã có đều chỉ huy lãnh đạo và được tổ chức học tập phương thức, phương châm đấu tranh chính trị, mối quan hệ, tác động hỗ trợ nhau giữa 3 mũi giáp công,...

Có thể nói, qua 2 tháng đồng khởi giành chính quyền, kết hợp với phong trào đồng khởi của các xã giáp giới của Phong Điền (Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa), việc làm chủ 2 xã Phong Nhiêu và Quảng Thái của Quảng Điền đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ở phía bắc Thừa Thiên: từ Phong Điền với các xã như Phong Sơn, Phong An, Phong Thái, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, qua Quảng Điền với các xã Phong Nhiêu, Quảng Thái nối Hương Trà với các xã Hương Vân, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thạnh,... đã giải phóng “…khoảng một vạn rưỡi dân[19]. Thắng lợi này có ý nghĩa tạo ra vùng đứng chân rộng lớn, kết nối liên hoàn phong trào cách mạng của 3 huyện Phong Điền - Quảng Điền - Hương Trà; điều này cũng đồng nghĩa quân địch nơi đây bị dồn thế, buộc phải phân tán lực lượng và lui về đóng quân dọc đường quốc lộ 1.

Cùng với nhiều xã khác trên địa bàn Quảng Điền, thắng lợi của phong trào đồng khởi tại Phong Nhiêu và Quảng Thái năm 1964 đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của phong trào mạng huyện nhà; đó là từ chỗ lực lượng quần chúng bị khủng bố, cán bộ, đảng viên bị đánh bật ra khỏi địa bàn hoạt động,… chuyển sang thế tiến công với phương thức kết hợp 3 mũi: chính trị, quân sự và binh vận, làm lỏng thế kìm kẹp của địch tiến tới đồng khởi, giải phóng 1,5 vạn dân. Thắng lợi đó chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng trong việc khôi phục cơ sở, gây dựng lại phong trào, từng bước phát triển lực lượng, để chờ thời cơ đồng khởi, đồng thời cũng khẳng định niềm tin vào cách mạng, một lòng quyết tâm theo Đảng của mỗi người dân Quảng Thái, góp phần tạo thế và lực cho phong trào cách mạng của xã nhà trong giai đoạn tiếp theo.

Thắng lợi đồng khởi năm 1964 trên quê hương Quảng Thái cũng để lại bài học kinh nghiệm cho Đảng trong việc giữ vững đường lối cách mạng nhưng vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn để bảo toàn lực lượng. Về công tác tổ chức, cơ sở Đảng ở Quảng Thái từ lúc khôi phục phong trào cách mạng, hoạt động bí mật nhưng  dưới nhiều hình thức vẫn bán sát địa bàn xây dựng lực lượng; khi thế và lực của phong trào cách mạng xã nhà đã phát triển, Chi bộ Quảng Thái đã chuyển sang hoạt động công khai rồi lại rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng... đó là một quá trình tổ chức và xây dựng Đảng hết sức linh hoạt, nhạy bén tùy theo tình hình thực tiễn địa bàn, lượng cân sức giữa lực lượng cách mạng và chính quyền tay sai cùng thành phần phản cách mạng để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc tiến công ở các giai đoạn sau.

4.3. Chi bộ Quảng Thái lãnh đạo nhân dân chống “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, góp phần vào chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 (1965 - 1968)

4.3.1. Phát triển chiến tranh du kích, củng cố và mở rộng vùng giải phóng

Những thành quả đạt được của quân dân Quảng Thái trong năm 1963-1964 đã góp phần giáng một đòn nặng nề vào quốc sách “ấp chiến lược" của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai trên địa bàn Quảng Điền, cùng nhân dân cả huyện, cả tỉnh và cả miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tạo cho mình thế đứng chân vững vàng và củng cố thêm niềm tin sắc son vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về phía người Mỹ, thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, buộc họ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với nội dung chủ yếu là đưa quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh ở miền Nam, mưu đồ kéo dài cuộc chiến, đồng thời mở rộng chiến tranh Việt Nam bằng việc tiến hành đánh phá ra miền Bắc.

Tháng 2-1965, những đơn vị đầu tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ đổ vào cảng Đà Nẵng. Ngay sau đó, 01 tiểu đoàn lính Mỹ được điều ra chốt ở Phú Bài nhằm bảo vệ tuyến đường huyết mạch Đà Nẵng - Huế. Tháng 7-1965, ở Quảng Điền, lính Mỹ lập căn cứ lớn ở Đông Lâm, xung quanh có các đồn bốt như: Tứ Hạ, Thuận An, Điền Hải,… hỗ trợ và cùng tiến hành các hoạt động đánh phá, quấy nhiễu thường dân với quyết tâm “bình định” nông thôn đồng bằng của Thừa Thiên trong thời gian ngắn nhất.

Nhận định kẻ thù mà quân và dân ta phải đương đầu trực tiếp trong cuộc kháng chiến này là cả Mỹ và ngụy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (3-1965) chủ trương động viên tinh thần nhân dân cả nước giữ vững chiến lược tiến công, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ ở miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Tháng 7-1965, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên họp đánh giá tình hình và đề ra kế hoạch lãnh đạo nhân dân chống “Chiến tranh cục bộ”. Với tinh thần “Dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ”, Đại hội quyết định thành lập các đơn vị diệt Mỹ và hình thành vành đai diệt Mỹ; đó là vành đai diệt Mỹ ở Phú Bài gồm các xã Thủy Phương, Thủy Phù, Thủy Châu, vành đai diệt Mỹ ở Phong Điền gồm các xã Phong Sơn, Phong An và Phong Nguyên (vành đai Sơn An Nguyên).

Thời gian này, đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân tại xã Quảng Thái là Tiểu đoàn 802 của Trung đoàn 6 thuộc Đoàn 6 Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Nhiệm vụ của đơn vị là vừa đánh địch vừa tham gia công tác tuyên truyền, phát động quần chúng hỗ trợ bộ đội tổ chức các trận đánh nhỏ, nhằm quấy rối, tiêu hao sinh lực địch.

Tháng 11-1965, 01 trung đoàn lính ngụy với sự yểm trợ của xe bọc thép M113 và 20 hải thuyền, đã tổ chức càn quét vào xã Quảng Thái và Phong Chương (Phong Điền). Tại đây, Tiểu đoàn 802 của Trung đoàn 6 bộ đội chủ lực phối hợp với Đại đội C114 bộ đội huyện Quảng Điền cùng đội du kích xã đã chủ động tiến công, bẻ gãy trận càn của địch tại thôn Tây Hoàng, loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên địch, phá hủy 15 xe bọc thép M113[20]. Đây là trận đánh thắng Mỹ đầu tiên của quân dân Quảng Điền, phủ đầu chiến thuật “thiết xa vận” trong cuộc “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tiếp ngày sau, 01 đại đội lính dù Mỹ đổ quân xuống thôn Đông Cao, đội du kích xã cùng bộ đội huyện phối hợp với quân chủ lực Trung đoàn 6 chặn đánh, buộc quân Mỹ rút chạy. Trong trận này, quân ta đã bắn rơi 01 máy bay tại cồn Nịu (thôn Đông Hồ)[21]. Sau đó, Tiểu đoàn 10 (thường gọi là K.10) đánh và diệt Mỹ hành quân càn quét ở Phong Lai (Quảng Thái)…

Bị thua nhiều trận, Mỹ điều quân tăng cường từ phá Tam Giang vào Quảng Thái. Mảnh đất Quảng Thái, từ giữa năm 1965 đến giữa năm 1966 bỗng chốc trở thành nơi chịu nhiều đau thương, tàn khốc bởi chà đi xát lại nhiều lần bằng các trận càn của lính dù, lính thủy đánh bộ Mỹ, máy bay ném bom. Tại thôn Nam Giảng, quân ngụy lập đồn lính chốt gác và hàng ngày rải quân đi xăm hầm bí mật khắp các ngã đường thôn xóm với sự chỉ điểm của nhiều tên chiêu hồi, khai báo cơ sở, chỉ hầm bí mật,... Điều này gây tổn thất không nhỏ cho Đảng và phong trào cách mạng xã nhà. Tiêu biểu như ngày 20-7-1965, tại thôn Nam Giảng, khi địch đi xăm, bật hầm bí mật, có nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện như các đồng chí Phan Lương (Huyện ủy viên), Nguyễn Lệnh (Huyện ủy viên, quê Quảng Thọ), Nho, Sơn (quê Quảng Phú); các đồng chí ở xã như Hồ Viết Ngờ (Xã đội trưởng Quảng Thái), Hoàng Thị Ràng (Bí thư Phụ nữ xã), Hồ Meo (cán bộ Mặt trận thôn Nam Giảng), và nhiều cán bộ du kích như Hồ Thuyển, Hồ Trứ, Hoàng Xự,… đã chiến đấu và hy sinh rất anh dũng, để lại những tấm gương kiên trung bất khuất...

Cũng trong những năm 1965-1966, lực lượng cách mạng xã nhà chịu nhiều tổn thất; đặc biệt là đội ngũ cán bộ đảng viên lãnh đạo. Đầu tiên là đồng chí Trần Đình Thủy - Bí thư chi bộ Quảng Thái, hy sinh khi quân lính xới hầm bí mật ở Trằm Ngang. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng xã nhà, Huyện ủy cử đồng chí Lê Chiến (hay Lê Lim, quê Trằm Ngang) về làm Bí thư Chi bộ Quảng Thái, nhưng rồi đồng chí Lê Chiến cũng bị hy sinh. Sau đó, đồng chí Trần Tuyến (Trần Đình Long) được Huyện ủy chỉ định về làm Bí thư Chi bộ Quảng Thái. Sau khi đồng chí Trần Tuyến hy sinh thì đồng chí Trần Phú (quê Trằm Ngang) được Huyện ủy chỉ định làm Bí thư[22].

Hỗ trợ cho các hoạt động xăm hầm bí mật, lùng bắt cơ sở cách mạng của quân lính đồn Nam Giảng là thành phần những tên chiêu hồi, chỉ điểm. Nhận thấy tính chất phản cách mạng và ngày càng lộ rõ mối nguy hiểm đối với lực lượng cách mạng huyện nhà, Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy về Quảng Thái trực tiếp bao vây tiêu diệt đồn lính Nam Giảng. Ngày 5-6-1966, bộ đội đặc công do đồng chí Phan Ngô và đồng chí Trần Phú trực tiếp chỉ huy phối hợp đội du kích Quảng Thái, tiến công tiêu diệt đồn Nam Giảng. Hơn 60 tên lính bị diệt và toàn bộ hồ sơ, khí tài quân trang quân dụng tại đồn Nam Giảng bị tịch thu. Đồn trưởng là Nguyễn Thân tháo chạy và bị bắt tại thôn Tây Hoàng[23].

Sau thắng lợi đồn Nam Giảng, toàn bộ địa bàn xã Quảng Thái được giải phóng, đồng chí Trần Song được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam xã Quảng Thái. Người dân làm chủ cuộc sống của mình, phong trào cách mạng xã nhà phát triển vượt bậc. Thời gian này, các cơ quan của huyện, tỉnh và Quân khu Trị Thiên đều lần lượt về đóng quân tại Quảng Thái. Ngày 20-7-1966, đồng chí Nguyễn Vạn - trợ lý Ban Dân vận về Quảng Thái chỉ đạo phong trào học tập bổ túc văn hóa, sinh hoạt tập thể. Trụ sở học tập, sinh hoạt ban ngày còn ban đêm dùng làm cơ sở để đội du kích, cán bộ tập văn nghệ. Thời gian này, phong trào liên hoan văn nghệ được tổ chức thường xuyên trong toàn xã với khẩu hiệu “tiếng hát át tiếng bom”. Mỗi thôn đều có đội văn nghệ, mỗi xã có đội tuyên truyền lưu động… Nhờ vậy, dù cuộc chiến có gian khổ và hy sinh, nhưng nhân dân Quảng Thái vẫn lạc quan tin tưởng vào ngày thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong không khí phấn khởi của cuộc sống hòa bình, tự do, hàng trăm thanh niên nam nữ xã Quảng Thái đã lên đường tham gia cách mạng, xung phong vào đơn vị bộ đội chủ lực tỉnh, huyện, ban Kinh tế, ban Thanh niên xung phong… Cùng với khí thế đó, nhân dân Quảng Thái đã hết lòng đóng góp lúa gạo, lương thực thực phẩm cho cách mạng. Điển hình là các gia đình ông Trần Địch, Lê Luận (Trằm Ngang); Văn Hộ, Trần Phụng (Đông Hồ); Lê Hứa (Đông Cao); Phạm Cu (Tây Hoàng); Hồ Chiu (Trung Kiều). Chị em tiểu thương chợ Nịu cũng tự nguyện mua gạo đóng góp như các chị: Trần Thị Thoan, Văn Thị Tạo (Trung Kiều); Lê Thị Táo, Trần Thị Vu (Trằm Ngang); Hoàng Thị Phòng (Tây Hoàng)... cùng nhiều bà con khắp xã. Ban Kinh tế xã thôn đã huy động được hàng chục tấn gạo, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác chuyển lên vùng hậu cứ. Công tác giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm cũng được thực hiện triệt để. Những người trước đây làm chỉ điểm cho chính quyền tay sai, đã có nhiều hoạt động phản cách mạng, nay được quần chúng vận động, giác ngộ và trở về với nhân dân, tham gia vào các hoạt động có ích cùng bà con lối xóm.

Nhằm chủ động đánh địch khi chúng phản công, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng các thôn thành làng kháng chiến với hệ thống giao thông hào, địa đạo ở vùng cát trắng phía Tây của xã. Phong trào nhà nhà người người ủng hộ vật liệu làm hầm địa đạo đã được mọi người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Nào tre đan thành bức khai, nào gỗ ván, nào vải, nào giấy nhựa chống thấm,... được huy động tối đa vào việc làm hầm địa đạo. Điển hình có gia đình ông Trần Định (thôn Trằm Ngang) đã tự nguyện tháo dỡ nhà rường để góp vật liệu làm hầm. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các hạng mục công trình đã được xây dựng theo đúng kế hoạch đề ra. Song song việc làm hầm, các hoạt động vót chông, bố trí bãi chông, làm hàng rào kẽm gai cản chân địch cũng diễn ra sôi nổi.

Trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ Quảng Thái đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị cho toàn đảng viên nhấn mạnh sự kiên định về đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Công tác tuyên truyền trong nhân dân, kêu gọi mọi người dân hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được cán bộ, đảng viên thực hiện sâu rộng. Có thể nói, trong năm 1966 phong trào cách mạng ở Quảng Thái đã có những bước chuyển biến mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn. Phong trào thi đua “Nhà nhà thi đua làm nhiệm vụ an ninh, chính trị”, với khẩu hiệu “diệt ác trừ gian”, “giữ làng giữ xóm” luôn được nêu cao và giữ vững ở Quảng Thái.

Với những thắng lợi nói trên, năm 1966, quân dân Quảng Thái đã được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phòng miền Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì. Đồng chí Hoàng Minh Hòa, Xã đội trưởng được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, là người con ưu tú của quê hương Quảng Thái, đã chiến đấu vì quê hương - đất nước đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí đã hy sinh vào tháng 6-1966 khi khảo sát kế hoạch đánh đồn, lúc tuổi đời mới vừa tròn 20, để lại nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cả quá trình công tác cách mạng, đồng chí Hòa đã 5 lần được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, 5 lần tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Ngụy”, 1 lần tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt xe tăng”, 3 huân chương chiến công hạng I, II, III và 1 huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Nhất[24].

Cũng trong năm 1966, góp phần vào chiến công làm suy yếu và hạn chế được các cuộc cán quét của địch, giữ vững vùng giải phóng, là tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Quảng Điền, đặt biệt là quân và dân Quảng Thái. Tiêu biểu cho ý chí quật cường đó là thiếu niên Lê Xuân, quê ở xã Quảng Thái - là một Chiến sĩ du kích thiếu niên dũng cảm, mưu trí, tham gia nhiều trận đánh, phối hợp chiến đấu diệt nhiều địch. Lê Xuân được công nhận là “Dũng sĩ diệt Mỹ”; hy sinh khi mới 13 tuổi[25]. Nhân dân Quảng Điền ca ngợi, tự hào về dũng sĩ Lê Xuân. Nhà thơ Hồng Minh viết “Bài ca niên thiếu” và “Trên trời thêm một vì sao”[26] ca ngợi người dũng sĩ tuổi niên thiếu. Dũng sĩ Lê Xuân được vinh danh, được dùng để đặt tên trường Trung học cơ sở ở xã Quảng Thái và tên đường ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền.

Bước sang năm 1967, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, phối hợp với lực lượng vũ trang huyện và tỉnh, du kích Quảng Thái đã tiến công địch mạnh mẽ trên nhiều mặt trận. Ngày 5-7-1967, du kích Quảng Thái bắn cháy 1 xe M113 tại thôn Tây Hoàng. Ngày hôm sau tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang huyện chặn đánh đại đội lính Mỹ và quân ngụy tại thôn Đông Cao, loại khỏi vòng chiến đấu 86 tên địch. Ngoài việc chủ động đánh địch tại xã nhà, du kích Quảng Thái còn phối hợp với lực lượng vũ trang xã Phong Nhiêu tổ chức đánh trả quân địch trong các trận càn, vây ráp và có những lúc đẩy lùi đội “lính áo đen” (lính bình định nông thôn) vào các khu vực hầm chông của xã. Từ tháng 8-9 năm 1967, du kích Quảng Thái phối hợp với bộ đội Trung đoàn 6 đã tổ chức các trận đánh quân Mỹ đổ bộ vào địa bàn xã; kết quả 7 xe tăng địch bị bắn cháy, 01 đại đội lính Mỹ bị đánh tan tại thôn Đông Hồ, 3 xe tăng, 8 lính Mỹ tại thôn Trằm Ngang[27]. Thắng lợi của các trận đánh này không chỉ góp phần đập tan chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ - ngụy tại Quảng Thái, mà còn là bài học kinh nghiệm về tổ chức, phương pháp đánh địch đổ bộ bằng đường không trên địa hình đồng bằng.

Về đấu tranh chính trị, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, tháng 10 -1967, hai đồng chí Hà Lề (Thuỷ Lập, Quảng Lợi), Nguyễn Hữu Xuân (Tây Hoàng, Quảng Thái) được giao nhiệm vụ cảm tử mang tối hậu thư của Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Quảng Điền gửi Quận trưởng Quảng Điền. Bất chấp các trạm kiểm soát của địch, các anh hiên ngang giơ cao lá cờ Mặt trận đi qua các thôn, ấp tiến thẳng về huyện lỵ ở Sịa. Bọn địch trên đường đi tìm cách ngăn cản, đòi hạ cờ và trao thư cho chúng nhưng hai đồng chí đã giải thích và yêu cầu được gặp trực tiếp Quận trưởng. Trước phong thái lẫm liệt đó, Quận trưởng Quảng Điền không dám trả lời thư và phải đưa xe hộ tống lên Huế gặp Tỉnh trưởng Thừa Thiên. Hai anh tiếp tục diễu qua chặng đường dài hơn 30km, nhận thư trả lời của Tỉnh trưởng, rồi giơ cao lá cờ Mặt trận. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, hai đồng chí đã mưu trí thoát khỏi ổ phục kích của địch ở An Gia, về vùng giải phóng trước sự khâm phục và lòng kính trọng của nhân dân[28].

Có thể nói, từ sau ngày đồng khởi năm 1964, cùng với huyện nhà, quân dân Quảng Thái đã trải qua những năm tháng không dễ dàng khi vừa đấu tranh diệt ác, trừ gian, vừa xây dựng lực lượng cách mạng. Trên cơ sở những thắng lợi của phong trào đồng khởi năm 1964, từ năm 1965-1967, lực lượng vũ trang Quảng Thái đã phát triển lớn mạnh, đội du kích Quảng Thái đã ghi nhiều chiến công anh dũng. Sau các trận đánh năm 1967, đội du kích Quảng Thái có 2 đồng chí được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, đó là đồng chí Trần Vinh (thôn Trằm Ngang) và đồng chí Hồ Lương (thôn Nam Giảng). Các trận đánh của du kích Quảng Thái trong thời gian này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội địa phương với du kích làng xã chiến đấu; đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt quân địch, là bài học kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn lịch sử tiếp theo trong phương án tác chiến phối hợp giữa các cánh quân. Thắng lợi từ các trận đánh phối hợp của du kích Quảng Thái cũng minh chứng sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở địa phương, của thế trận làng xã chiến đấu là vô cùng quan trọng.

Tóm lại, từ sau những năm 1964-1967, phong trào cách mạng ở Quảng Thái phát triển mạnh; trong đó lực lượng cách mạng bao gồm lực lượng quần chúng tham gia đấu tranh chính trị và lực lượng du kích được xây dựng và không ngừng phát triển; tuy nhiên, yếu tố đóng vai trò chủ đạo làm nên thắng lợi là sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Quảng Thái và sự chỉ đạo kịp thời sát sao của Huyện ủy Quảng Điền. Sự phát triển của phong trào cách mạng ở Quảng Thái giai đoạn này đã nói lên sự trưởng thành của Chi bộ. Nhiều quần chúng tốt trưởng thành từ phong trào cách mạng đã được chi bộ kết nạp, trở thành đội ngũ đảng viên kiên định với mục tiêu giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

4.3.2. Tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và đề ra nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân 2 miền Bắc - Nam là: Thực hiện cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi mới. Nội dung nhiệm vụ sau đó được Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua và trở thành Nghị quyết. Ngay sau đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh cũng gấp rút xây dựng kế hoạch tổng công kích và tổng khởi nghĩa: Chiến  trường chính là Sài Gòn - Gia Định và Trị - Thiên - Huế; trong đó, Sài Gòn và Huế là trọng điểm; thời gian tiến hành là dịp tết Nguyên đán Mậu Thân (năm 1968).

Cuối tháng 12-1967, Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy họp bàn kế hoạch tiến công và nổi dậy ở chiến trường Trị Thiên Huế; trong đó, Huế là trọng điểm, cắt đứt 2 đầu là Quảng Trị và Phú Lộc, chiến trường trung gian giao cho địa phương đảm nhiệm. Theo đó, 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền có nhiệm vụ giữ chân và nghi binh quân địch, cắt tuyến giao thông từ Huế ra và Quảng Trị vào, ngăn chặn sự chi viện của các căn cứ Mỹ - ngụy từ 2 huyện Phong - Quảng vào Huế, tiến tới tiêu diệt quận lỵ, chi khu quân sự xã, đồng thời huy động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Riêng hướng Phú Lộc cắt giao thông tiếp tế của địch từ Đà Nẵng ra. Như vậy, theo kế hoạch của Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy, hướng tấn công và nổi dậy của quân và dân huyện Quảng Điền là: “...điểm Sịa, diện đường Sịa - An Lỗ, kết hợp “hai chân ba mũi”[29] (tiến công và nổi dậy), cánh ngoài bao vây Sịa, cùng lực lượng quần chúng nổi dậy, cánh trong kết hợp với Huế, dùng lực lượng quần chúng bao vây, đột nhập Huế, hình thành vùng giải phóng rộng lớn, tạo thế liên hoàn toàn huyện. Căn cứ và hậu phương của huyện Quảng Điền là Quảng Thái - Phong Hiền và Quảng Ninh - Quảng Đại”[30].

Càng đến gần ngày giáp Tết Mậu Thân (năm 1968), không khí chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa càng trở nên khẩn trương. Ở Quảng Điền, Huyện ủy tổ chức triển khai nội dung Nghị quyết đến các chi bộ xã, đồng thời cử cán bộ chủ chốt, đội trưởng, đội phó các đội Công tác của xã tham gia các lớp tập huấn do Khu ủy tổ chức. Chi bộ Quảng Thái do đồng chí Trần Phú làm Bí thư đã nhanh chóng phổ biến tinh thần nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Các công tác chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ lớn như: đào hầm, hào, địa đạo; chuẩn bị lực lượng hậu cần tại chỗ,... được thực hiện rất khẩn trương. Chỉ trong vòng một tháng, địa đạo tuyến trọng điểm dài hơn 3km từ thôn Đông Hồ đến Tây Hoàng đã hoàn thành. Cứ 100m lại có một hầm trú ẩn có sức chứa 01 trung đội chiến đấu nhằm bảo vệ dân đồng thời bảo đảm thu giấu lực lượng vũ trang. Tại các thôn, các tổ cứu thương, tiếp đạn được thành lập; các phương tiện để chuyển thương binh như võng, gùi, đòn gánh, chõng tre... đò chuyển bộ đội và lương thực,… đều được chuẩn bị sẵn sàng. Đội du kích xã hăng hái tham gia tập huấn nhiệm vụ mới và sẵn sàng nhận lệnh điều động cho mặt trận Huế. Phong trào góp gạo nuôi quân do Huyện ủy phát động được người dân Quảng Thái tham gia rât sôi nổi. Chi bộ Quảng Thái cũng phát động mỗi gia đình người dân chuẩn bị khoảng 30kg gạo để tiếp tế cho mặt trận khi có lệnh huy động. Trên địa bàn xã cũng xây dựng các kho gạo với sức chứa hàng trăm tấn và lực lượng dân công sẵn sàng phục vụ vận chuyển lương thực.

Theo kế hoạch phân công, cán bộ và du kích của Quảng Thái được tăng cường vào 3 mũi của chiến dịch, cụ thể gồm: đồng chí Phạm Thị Lài (tức Chúc) (thôn Đông Cao) nguyên Xã đội phó Quảng Thái tăng cường làm Xã đội trưởng Quảng Thuận (nay là Quảng Vinh); đồng chí Trần Đình Linh (tức Hấn) được tăng cường làm Xã đội trưởng xã Quảng Hưng (nay là Quảng Lợi); đồng chí Trần Thị Lý (Lài) được cử làm Xã đội trưởng Quảng Thái[31].  Nhiệm vụ của 3 mũi công tác này là phối hợp bao vây đồn Sịa. Đội Công tác của xã và Đại đội Thanh niên lúc này cũng được biên chế bổ sung vào các đơn vị K5, K6, K10 của huyện để thực hiện nhiệm vụ đánh vào các mục tiêu lớn hơn của địch.

Theo kế hoạch, ở mặt trận Huế, đợt I của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy diễn ra từ ngày 30-01-1968 đến ngày 24-02-1968; đây là giai đoạn quân ta liên tục đánh trả phản kích lớn của địch. Chiều ngày 31-01-1968, các đơn vị bộ đội chủ lực, các mũi công tác được lệnh triển khai theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, tiếp cận mục tiêu, sẵn sàng chờ lệnh. Ở Quảng Điền, rạng sáng ngày mồng 3 Tết Mậu Thân (31-01-1968), lực lượng du kích Quảng Hòa (nay là Quảng Vinh), Quảng Thuận tấn công vào đồn Phổ Lại, đánh tan 01 trung đội lính bảo an, tấn công và uy hiếp địch ở lô cốt địch ở Đức Trọng, buộc địch tháo chạy, cắt đứt tuyến đường An Lỗ về Sịa[32]. Chiến dịch phát triển nhanh chóng, tại các địa phương khác, quần chúng cũng nổi dậy làm chủ và thành lập Ban Tự quản thôn, ấp. Ở Quảng Thái các công tác đưa đón chăm sóc thương binh được thực hiện chu đáo. Mỗi gia đình được phân công nuôi dưỡng từ 1 đến 2 ca. Trong chiến dịch này, có 876 ca thương binh đã được chăm sóc tại xã Quảng Thái[33].

Cuối tháng 2 và đầu tháng 3- 1968, quân Mỹ - ngụy tổ chức phản công vào vùng Ninh- Hòa- Đại rồi đến Phong Hiền, Quảng Thái, tây Quảng Hưng. Thời gian này, Quảng Thái là nơi hứng chịu nhiều nhất bom đạn, càn quét của quân địch. Từ phi pháo tầm xa, pháo hạm đội đến máy bay thả bom,… liên tục trút xuống mảnh đất Quảng Thái mỗi ngày hàng tấn bom đạn, tập trung từ thôn Tây Hoàng đến Trung Kiều, Đông Hồ. Nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân gần như bị đốt cháy hoàn toàn. Lực lượng du kích xã rút vào vòng bí mật nhưng liên tục thực hiện nhiều hoạt động như cắm chông gai, gài mìn và tìm cách đánh tỉa nhằm tiêu hao sinh lực địch. Đầu tháng 4-1968, đội du kích xã đã bắn cháy 01 chiếc xe tăng, tiêu diệt 30 lính Mỹ và tay sai. Cuối tháng 6-1968, quân Mỹ càn quét ở thôn Trung Kiều. Tháng 8-1968, tổ du kích thôn Đông Hồ do đồng chí Văn Đức Di chỉ huy đã dùng súng trường bắn rơi 01 máy bay trực thăng của Mỹ, 3 tên Mỹ chết tại chỗ, 1 tên Mỹ da đen sống sót chạy thoát lên Phò Trạch[34]. Thành tích này không chỉ đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân xã nhà mà còn nổi tiếng trong toàn huyện Quảng Điền.

Ở Huế, sau 25 ngày đêm làm chủ thành phố, ngày 24-02-1968, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại mặt trận Huế đã kết thúc, quân chủ lực của ta rút khỏi nội thành. Năm 1968 được xem là năm đỉnh cao của cuộc “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn, vũ khí và phương tiện chiến tranh thiện chiến nhất để tập trung phản kích lại quân Giải phóng trên toàn miền Nam. Ở Quảng Điền, để thực hiện các chiến dịch phản kích, Mỹ điều các các đơn vị kỵ binh bay kết hợp pháo tầm xa. Tuy vậy, nhân dân Quảng Thái vẫn kiên cường chiến đấu, góp phần tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ và phối hợp bộ đội chủ lực tổ chức các trận đánh lớn. Với chiến thắng oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, trong đó có sự đóng góp của nhân dân Quảng Thái, đã làm cho quân Mỹ thất bại nặng nề, buộc phải rút quân khỏi nhiều vị trí chiến lược, làm phá sản một phần chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Qua chiến thắng Xuân Mậu Thân, quân dân Quảng Thái càng tự tin vào khả năng đánh Mỹ; vai trò của Chi bộ Quảng Thái càng được khẳng định, uy tín ngày càng được nâng cao; đó là tiền đề để quân dân Quảng Thái phát huy sức mạnh tổng hợp trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

4.4. Chi bộ Quảng Thái lãnh đạo nhân dân chống kế hoạch bình định của chính quyền Mỹ - ngụy, khôi phục phong trào cách mạng (1969 - 1972)

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân 1968 của quân dân miền Nam đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” buộc chính phủ Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Với chiến lược này, người Mỹ tiếp tục sử dụng tối đa sức mạnh quân sự để tiến hành cùng một lúc 3 loại hình chiến tranh ở miền Nam, đó là “giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt” mà chương trình trọng tâm “bình định” nông thôn, đồng bằng, nhằm đẩy lực lượng quân giải phóng ra khỏi chiến trường, bảo đảm an ninh vùng quân ngụy đang kiểm soát.

Ở Thừa Thiên Huế, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng, phương tiện chiến tranh tới mức cao nhất để mở các cuộc hành quân phản kích, nhằm giải vây cho thành phố Huế và vùng ven. Song song các hoạt động quân sự, chính quyền Mỹ - ngụy cũng thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá” bằng cách tiến hành kiểm kê dân số để thanh lọc quần chúng và quyết tìm bằng được cơ sở cách mạng để tách cán bộ đảng viên khỏi dân.

Cuối năm 1968, với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, chính quyền quận Quảng Điền đã dồn ép người dân Phong Lai, Lai Hà lên sống trong khu tập trung Cồn Sắn (Phong Thu, Phong Điền). Tại đây, các thành phần tay sai của ngụy quyền ra sức tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ với hứa hẹn nhiều quyền lợi, đặc ân để người dân Quảng Thái tham gia vào bộ máy chính quyền xã, thôn. Các phân chi khu cảnh sát được thiết lập với lực lượng từ 2-3 trung đội dân vệ, có trang bị vũ khí, ngày đêm túc trực canh gác các ngã đường ra vào khu tập trung. Một số gia đình ở thôn Tây Hoàng, Trung Kiều, Đông Hồ không theo vào khu tập trung bị xem là “ngoài vòng pháp luật” là vùng có thể bị bắn giết bất kể lúc nào. Hầu như gia đình nào có người thân thoát ly hoạt động cách mạng đều bị ngụy quyền kiểm soát chặt chẽ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị gọi ra trụ sở xã thẩm vấn, hạch sách. Hoạt động bắt giam, tra xét, đánh đập bắt “ly khai cộng sản”,... diễn ra hàng ngày trong xã. Tình hình đó đã khiến cán bộ đảng viên hoạt động rất khó khăn, không những hạn chế tiếp xúc với người dân, mà còn phải ẩn nấp ngoài đồng sâu, nước ngập để chờ thời cơ. Đến đây, có thể nói phong trào cách mạng ở Quảng Thái gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi tổ chức Đảng phải kịp thời có chủ trương đúng, cán bộ đảng viên phải kiên định niềm tin và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Trước tình hình nói trên, tháng 9 năm 1969, tổ chức đảng ở Quảng Thái được Huyện ủy Quảng Điền quyết định thành lập hai chi bộ: Chi bộ thứ nhất là chi bộ ở khu tập trung Cồn Sắn do đồng chí Thái Thị Gái (quê Trằm Ngang) làm Bí thư. Nhận nhiệm vụ bám sát dân vào khu tập trung đợt này là các đồng chí Thái Thị Gái, Hoàng Thị Phố (quê Trằm Ngang), đồng chí Văn Thị Nẻo, Văn Thị Thí (quê Nam Giang)[35]. Nhiệm vụ của chi bộ Cồn Sắn là bí mật móc nối với cơ sở trong khu tập trung để vận động nhân dân đấu tranh chống bình định, đòi dân sinh dân chủ, đòi được trở về sống nơi ruộng vườn quê hương để mưu sinh. Liên lạc giữa chi bộ Cồn Sắn với Huyện ủy đều qua hòm thư bí mật, đơn tuyến gồm hai đường dây là Cồn Sắn - Đông Hồ và Hà Đồ - Thủ Lễ. Chi bộ thứ hai là Chi bộ ở Quảng Thái do đồng chí Trần Phú, Huyện ủy viên làm Bí thư. Nhiệm vụ của Chi bộ Quảng Thái là bám đất, bám dân, tìm cách xây dựng lực lượng bí mật để chờ thời cơ.

Qua nhiều lần đấu tranh, cuối cùng ngụy quyền xã phải chấp nhận giải pháp người dân khu tập trung Cồn Sắn được về làm ruộng tại Phong Lai, Lai Hà (Quảng Thái) nhưng bị quản lý, giám sát chặt chẽ về thời gian. Cụ thể, giờ đi làm đồng và giờ gặt lúa phải tuân theo qui định của chính quyền. Nắm lấy thời cơ, cán bộ đảng viên ẩn nấp ngoài đồng tìm cách tiếp cận và cũng từ đó, đường dây bán công khai, hợp pháp đã hình thành giữa khu tập trung với các thôn Tây Hoàng, Trung Kiều, Đông Hồ. Mạng lưới cơ sở cách mạng ở Quảng Thái đã hình thành trong thời gian này với nhiều tấm gương các chị, các mẹ tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ như: Hoàng Thị Huệ, Văn Thị Thuận, Trần Thị Cảnh, Phạm Thị Như (Trằm Ngang); Hồ Thị Phê, Hoàng Thị Ngưỡng, Văn Thị Thi, Văn Thị Ý, Hồ Thị Ngoa (Nam Giảng); Nguyễn Thị Gởi, Nguyễn Thị Gắm (Tây Hoàng); Văn Thị Tạo, Lê Thị Lai (Trung Kiều),... và các anh, các bác đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ như: Thái Xích, Thái Phơ, Văn Kinh (Trằm Ngang); Phan Trọng, Văn Điu (Nam Giang); Hồ Địch, Hồ Phê (Đông Hồ); hay giao liên đưa đón cán bộ lên về Quảng Thái- Sịa như Phạm Bá Phỏng (Tây Hoàng), Trần Thị Xem (Trằm Ngang)[36]. Đây được xem như là bước đầu vực dậy của phong trào cách mạng ở Quảng Thái kể từ sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

Tháng 10-1969, Quảng Điền có trận lụt lớn, giao thông khó khăn, đoàn cán bộ của huyện trên đường công tác đã lọt vào ổ phục kích của quân địch. Trong số 14 đồng chí hy sinh thì có 9 đồng chí là cán bộ chủ chốt địa bàn xã Quảng Thái. Lúc này, sự kết nối giữa cơ sở cách mạng tại xã Quảng Thái với tổ chức Đảng gần bị gián đoạn. Trước tình hình đó, Huyện ủy quyết định cử đồng chí Lê Quang Trung (quê Trằm Ngang) về móc nối với cơ sở, tìm cách giữ liên lạc và nhen nhóm phong trào cách mạng tại Quảng Thái. Cuối năm 1969, đánh hơi được sự có mặt của cán bộ tăng cường và hệ thống cơ sở cách mạng đang dần khôi phục, ngụy quyền tăng cường tổ chức lùng sục vào các thôn gây cho ta nhiều tổn thất, một số đồng chí đã anh dũng hy sinh.   

Cuối năm 1969, Khu ủy Trị Thiên Huế ra chỉ thị xác định nhiệm vụ trọng tâm của quân và dân Trị Thiên Huế là chiếm lĩnh địa bàn vùng giáp ranh, xây dựng nhân tố mới ở đồng bằng, góp phần tích cực khôi phục phong trào đồng bằng, tạo nên sự chuyển biến lớn trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy.

Ở Quảng Thái, địch nhượng bộ nới lỏng khu tập trung, nhưng vẫn buộc người dân dựng nhà ở sát nhau có hàng rào thép gai bao quanh. Ngoài ra, chính quyền tay sai còn tổ chức mạng lưới điệp viên gồm những tay chiêu hồi bằng cách cho họ trở về vườn cũ, thăm đồng, lấy củi ở các hầm cũ,… mục đích là cố tìm dấu vết của cán bộ và báo cho chính quyền để nhận thưởng. Mặc dù, chính quyền tay sai dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm, nhưng người dân Quảng Thái vẫn một lòng đi theo Đảng. Một minh chứng rõ nét của lịch sử giai đoạn này là dù tình hình khó khăn vậy nhưng cán bộ và đảng viên ở Quảng Thái đã xây dựng và kết nối được mạng lưới cơ sở trong lòng khu tập trung. Nhờ đó, việc nắm tình hình quân địch tại khu tập trung, đưa thư từ ngoài vào trong rồi từ trong ra ngoài, mua và vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiếp tế cho cán bộ bên ngoài khu tập trung đều được thực hiện trót lọt.

Bước sang năm 1970, theo chỉ thị của Khu ủy Trị Thiên, các lực lượng vũ trang các huyện phối hợp với các đơn vị của tỉnh liên tục tấn công địch trên mọi ngã đường thôn, xóm. Huyện ủy cũng nhận định tình hình lúc này đang có lợi cho quân dân huyện nhà; trên cơ sở đó, Huyện ủy chỉ đạo các xã đẩy mạnh tiến công địch. Cuối tháng 1-1970, du kích xã Quảng Thái phối hợp quân biệt động huyện tập kích vào ấp Thủy Lập, diệt 3 tên cảnh sát, thu 3 súng và 1 máy C25. Ba tháng sau, đội du kích xã tiếp tục phối hợp đơn vị K12 tập kích vào ấp Mỹ Thạnh diệt 12 tên lính nghĩa quân và thu toàn bộ vũ khí[37]. Những trận đánh nói trên đã làm tiêu hao không ít lực lượng quân Mỹ - ngụy, buộc chúng phải rải quân chốt khắp địa bàn xã Quảng Lợi để bám giữ vùng này. Tháng 8-1970, 2 trung đội đặc công của tỉnh do đồng chí Võ Nguyên Quảng chỉ huy đánh vào thôn Tây Hoàng - nơi có 1 đại đội biệt kích Mỹ đang đóng quân. Trận này, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 40 tên Mỹ, số còn lại tháo chạy về thị trấn Sịa.

Sau khi đồng chí Hồ Ngỗng hy sinh (làm Bí thư từ năm 1969 đến tháng 8-1970), tháng 11-1970, đồng chí Thái Hạ được Huyện ủy điều động về Bí thư chi bộ Quảng Thái. Thời gian này, Huyện ủy cũng tổ chức kiện toàn tổ chức Đảng và đẩy mạnh xây dựng 4 nhân tố: Đảng lãnh đạo, lực lượng du kích mạnh, cơ sở quần chúng vững và địa bàn “vùng lõm” chắc. Trong 4 nhân tố đó thì lực lượng tại chỗ là quyết định, lực lượng bên trong là cơ bản. Với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy và nỗ lực vượt khó của cán bộ đảng viên trên toàn huyện, sau một thời gian, phong trào cách mạng “đánh - đấu - xây” trên địa bàn các xã trong đó có Quảng Thái đã từng bước được phục hồi. Đội du kích xã Quảng Thái cũng hỗ trợ bộ đội chủ lực thực hiện các hoạt động tấn công địch ở các điểm chốt trọng yếu trong xã và sang xã lân cận. Ở Quảng Thái, ban đêm, các cơ sở kết nối và tổ chức đưa đón cán bộ, đảng viên về hoạt động, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động đấu tranh chính trị, binh vận. Thời gian này, chi bộ Quảng Thái kết nạp thêm nhiều đảng viên mới như chí đồng Văn Thị Hương, Hồ Lương, Hồ Hoa, Văn Thị Nẻo; nâng số lượng đảng viên của Chi bộ Quảng Thái lên 25 đồng chí[38]. Cuối tháng 11-1971, Huyện ủy rút đồng chí Thái Hạ lên huyện và cử đồng chí Trần Khuân làm bí thư Chi bộ.

Có thể nói, hai năm 1970-1971 lực lượng chính quyền địch đã bị ta khống chế, nhân dân Quảng Thái đã chiến đấu kiên cường trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ và rất nhiều đồng chí đã hy sinh. Từ năm 1972, hòa chung với khí thế đấu tranh trong cả nước, nhân dân Quảng Thái cùng các xã trong huyện đã nổi lên diệt tề, phá ấp, cùng với bộ đội bao vây đồn, uy hiếp địch. Chính quyền ngụy ở Quảng Điền gần như tan rã, nhân dân tiến tới làm chủ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nổi dậy phá khu tập trung, đòi trở về làng cũ. Hoạt động đấu tranh của nhân dân khiến ngụy quyền ở các làng xã hoảng sợ bỏ trốn.

Cũng trong năm 1972, sau khi Quảng Trị được giải phóng, địch tập trung, co cụm lại và tăng cường cả bộ binh, xe tăng, pháo binh trên đất Quảng Thái. Lúc này, cán bộ đảng viên và du kích cùng một số cơ sở mật đã bám địa bàn hoạt động, diệt trừ nhiều tên ác ôn, tề ngụy, đánh đuổi 2 ban ngụy quyền ở xã, giải tán 6 toán phòng vệ dân sự, thu nhiều súng đạn. Trận này, nhân dân Quảng Thái không những phối hợp nhịp nhàng mà còn góp phần phục vụ cho chủ lực của ta giải phóng Quảng Trị. Lực lượng an ninh và du kích lúc này vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tìm diệt thành phần ác ôn gián điệp, đồng thời ra sức vận động nhân dân Quảng Thái bám đất, giữ làng.

Có thể nói, sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968, phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế nói chung, Quảng Điền và Quảng Thái nói riêng, bị tổn thất nặng nề bởi sự phản công, trả thù của Mỹ - ngụy. Trước thủ đoạn “quét trong, giữ ngoài” tiến hành bình định nông thôn, lùa dân vào khu tập trung Cồn Sắn, dùng chiến tranh hủy diệt đồng bằng và cày ủi san bằng “bạch hóa” của địch, Chi bộ Quảng Thái dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Quảng Điền vẫn kiên cường lãnh đạo bám dân, bám đất. Với quyết tâm sắt đá “một tấc không đi, một ly không rời”, cán bộ đảng viên trong chi bộ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng, khôi phục lại lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Thái đã đi đúng hướng, đáp ứng nguyện vọng của dân. Sự kiên định của mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc của những người Cộng sản trên đất Quảng Thái đã củng cố niềm tin của người dân và họ tự nguyện che chở đùm bọc cán bộ, đảng viên dù cho kẻ thù tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ. Rất nhiều lần, ngụy quyền treo thưởng cho ai chỉ điểm nơi trú ẩn của các đồng chí Trần Khuân - Bí thư Chi bộ Quảng Thái những năm 1970. Ngày 21-3-1972, đồng chí Trần Khuân hy sinh, đồng chí Hoàng Truyền giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Người dân Quảng Thái thay vì hợp tác với chính quyền tay sai lại tìm cách nắm tình hình địch để mật báo cho cán bộ, tự nguyện thu giấu lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho cán bộ,… Tất cả những điều đó đã phần nào nói lên tấm lòng của người dân nơi mảnh đất Quảng Thái với Đảng.

4.5. Chi bộ Quảng Thái lãnh đạo nhân dân tổng tiến công nổi dậy giải phóng quê hương (1973 - 1975)

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, Chính phủ Mỹ buộc phải  cam kết chấm dứt chiến tranh, rút quân đội viễn chinh khỏi miền Nam Việt Nam. Đây là thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, cũng là kết quả của quá trình đấu tranh vượt nhiều bao gian khổ, nhiều hy sinh, nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta trên cả 3 mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao. Kết quả của Hiệp định Paris đã mang lại cho nhân dân 2 miền Bắc Nam niềm vui hân hoan, niềm hy vọng tràn đầy về một nền hòa bình, thống nhất đất nước đang đến gần.

Tuy nhiên, trái với những điều nói trên, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được sự giúp đỡ về hậu cần và vũ khí của Chính phủ Mỹ, trong những ngày tàn lụi lại càng tỏ ra hung hăng hơn bao giờ hết. Với âm mưu kéo dài cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, ngụy quyền thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” bằng các hoạt động phản kích, lấn chiếm vùng giải phóng, mở rộng vùng quân ngụy kiểm soát, củng cố và thiết lập tuyến phòng thủ mới phân tuyến, phân vùng nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra xa, tiến đến thực hiện bình định, thanh lọc quần chúng, đánh phá cơ sở cách mạng.

Một ngày sau khi ký Hiệp định Paris được ký kết, ở Quảng Điền, ngụy quyền đã tập trung lực lượng đánh phá vào nhiều thôn ấp mà chúng cho là chỗ dựa của lực lượng quân Giải phóng; đồng thời ráo riết củng cố bộ máy kìm kẹp bằng việc tăng cường lực lượng phòng vệ dân sự và tiến hành các hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng. Ở Quảng Thái, đội nghĩa quân kết hợp với quân lính ở đồn Đông Hồ vẫn tiến hành hoạt động lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên của ta. Bên cạnh đó, một số thành phần phản động như ấp trưởng, thôn trưởng,... tiếp tay cho chính quyền bày trò kết nạp thành viên vào “Đảng Dân chủ”, thành lập các tổ chức như Hội Phụ lão, Phụ nữ, Thanh niên và dùng hàng viện trợ, phổ biến sách báo, tuyên truyền nhằm lôi kéo, đánh lạc hướng quần chúng trước những diễn biến đang ngày càng có lợi cho cách mạng. Kết hợp với các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói trên, ngụy quyền cũng đồng thời cho quân càn quét, lấn chiếm, cắm cờ, giành dân, lấn chiếm đất đai ở một số thôn của xã thuộc vùng kiểm soát của quân Giải phóng. Ngụy quyền buộc các gia đình phải treo cờ Việt Nam Cộng hòa và tuyên bố nơi nào có cắm cờ “ba que” là nơi đó đất và dân của chính quyền. Thâm độc hơn, các thành phần tay sai còn dùng quyền lợi vật chất để mua chuộc, buộc người dân treo bảng cam kết trước ngõ: “nhà tôi không theo cách mạng”,…

Trước việc vi phạm Hiệp định trắng trợn của chính quyền tay sai, Khu ủy chủ trương đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh chống địch thực hiện bình định, chống lấn chiếm, giành đất, giành dân,... và quyết tâm bảo vệ và giành quyền làm chủ của người dân. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Chi bộ Quảng Thái do đồng chí Trần Khuân làm Bí thư, đã phân công cán bộ, đảng viên bám đất, bám dân, liên tục phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch. Để động viên cũng như chỉ đạo kịp thời phong trào đấu tranh của quần chúng, chi bộ phải luôn củng cố tư tưởng cho đảng viên; cán bộ, đảng viên của ta phải bám chặt cơ sở cách mạng,... để từ đó, tổ chức đấu tranh chính trị phù hợp cho từng giai đoạn.

Đầu tháng 3-1973, tại thôn Tây Hoàng, đội Công tác vũ trang Quảng Thái phối hợp bộ đội chủ lực đánh tan 2 đại đội lính bộ binh, tiêu diệt 26 tên địch, phá hủy 3 xe quân sự, thu được một số vũ khí và bao vây đồn Đông Hồ. Thắng lợi này đã tạo đà tiếp sức hỗ trợ cho phong trào cách mạng của xã nhà với thế “2 chân 3 mũi”, để từ đó tiến lên giành thắng lợi lớn hơn. Tháng 4-1973, đồng chí Hoàng Tín Ngưỡng được điều động thay đồng chí Hoàng Truyền giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Quảng Thái.

Đầu tháng 10-1973, ngụy quân ngụy quyền tổ chức đợt càn quét tại xã Quảng Điền, gây ra vụ thảm sát tại thôn Tây Hoàng khiến 4 người chết, trong đó có 1 chiến sĩ và 3 người dân trong gia đình ông Nguyễn Xuyên[39].

Tháng 10-1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã họp và nhấn mạnh: “Con đường thắng lợi của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững đường lối chiến lược tiến công, phải nắm vững thời cơ và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng tiến lên”[40]. Đầu năm 1974, thực hiện Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Khu uỷ, Tỉnh ủy, Huyện ủy Quảng Điền chỉ đạo cán bộ, đảng viên bám sát dân, đẩy mạnh các hoạt động tiến công của các lực lượng vũ trang hướng về các khu vực giáp ranh, nhằm tạo thế và lực cho cách mạng, lấy đánh địch bình định và chống lấn chiếm làm trung tâm.

Đầu năm 1974, Chi bộ Quảng Thái đã chỉ đạo đội Công tác vũ trang xã tổ chức đánh chiếm trụ sở chính quyền ngụy ở Hà Lạc, toàn bộ lực lượng dân vệ bị bắt giữ cùng vũ khí và hồ sơ tài liệu. Tháng 3-1974, đồng chí Hoàng Tín Ngưỡng được rút lên huyện, đồng chí Hoàng Truyền được Huyện ủy điều động làm Bí thư Chi bộ. Trong thời gian này, đội Công tác vũ trang xã đã phối hợp với bộ đội đặc công huyện đánh trả nhiều trận càn, lấn đất, chiếm đất do quân ngụy thực hiện. Điển hình là trận ở thôn Đông Hồ, du kích xã tiêu diệt 18 tên địch, phá hủy 3 xe quân sự; trận ở thôn Tây Hoàng, đánh tan 2 đại đội lính bộ binh; du kích vây ép trụ sở ngụy quyền xã ở Hà Lạc[41],...

Tháng 8-1974, ngụy quyền huy động lực lượng lớn vây ráp căn cứ Triều Dương, Vĩnh Nẩy nhằm đánh úp quân chủ lực của ta nhưng thất bại vì ta đã chủ dộng di tản. Tháng 11-1974, Huyện ủy cử đồng chí Nguyễn Thị Bé (Tây Hoàng) về làm Bí thư Chi bộ Quảng Thái.

Tháng 10 và tháng 12-1974, Bộ Chính trị đã họp và đưa ra kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng hai năm 1975-1976. Ngày 10-02-1975, Quân ủy Trung ương phê chuẩn kế hoạch của Quân khu Trị - Thiên với nội dung cơ bản trong năm 1975 là: “Đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch ở Trị - Thiên, giành 35 vạn dân ở vùng nông thôn đồng bằng, phát động cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, tích cực sáng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn, kể cả giải phóng Huế”[42].

Chấp hành chủ trương cấp trên, từ tháng 2-1975, Huyện ủy Quảng Điền đã chuẩn bị triển khai lực lượng về các xã đồng bằng theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Công tác tổ chức cán bộ cơ sở cũng có nhiều thay đổi; theo đó, một số cán bộ chủ chốt được triệu tập lên hậu cứ tập huấn, biên chế vào các đội Công tác đánh địch. Các chi bộ phát huy vai trò lãnh đạo, bám sát quần chúng, phát động phong trào nhân dân chuẩn bị đón nhận lực lượng quân chủ lực, chuẩn bị lực lượng giao liên dẫn đường, lực lượng hậu cần tiếp tế,... Cùng với công tác chuẩn bị lực lượng tại chỗ, các đội Công tác vũ trang xã phối hợp lực lượng vũ trang huyện tiến hành diệt ác trừ gian trên địa bàn.

Sáng ngày 08-3-1975, ở Phong- Quảng, quân chủ lực của ta chia làm nhiều mũi tấn công về các địa bàn các xã. Phần lớn, ngụy quyền tại các xã đầu hàng hoặc bỏ trốn, quân ta truy quét và thu gom vũ khí. Ở Quảng Thái, đội Công tác vũ trang xã cùng các lực lượng vũ trang phối hợp Tiểu đoàn 10 thuộc Trung đoàn 4 tập kích tiêu diệt đồn Trung Kiều, Sơn Tùng (Phong Nhiêu), hỗ trợ cho quần chúng bao vây trụ sở chính quyền ở Hà Lạc, khiến quân ngụy ở 2 đồn này tháo chạy về Sịa. Các xã lân cận như Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương,... cũng dồn dập tấn công các đồn, các phân chi quân sự, khiến lực lượng quân địch tại đây nhanh chóng tan rã, tạo điều kiện cho các đơn vị tác chiến nhanh chóng chuyển thương binh, dẫn đường cho bộ đội tập kích, truy kích địch... Chi bộ Quảng Thái cũng kịp thời phát động nhân dân cùng tham gia cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội, chăm sóc thương binh, dẫn đường cho bộ đội truy kích địch.

Ngày 10-3-1975, quân ngụy ở Quảng Thái sau đòn choáng váng, bắt đầu tổ chức phản kích đánh vào vùng Triều Dương, Vĩnh Nẩy với lực lượng gồm kỵ binh bay, thiết giáp, lính thủy đánh bộ cùng các đại đội lính bảo an, cảnh sát,.... Du kích Quảng Thái cùng quân chủ lực chặn đánh địch rất quyết liệt và đã tiêu diệt 09 xe tăng, 01 đại đội lính bảo an. Rất không may, trong trận này, đồng chí Nguyễn Thị Bé, Bí thư Chi bộ Quảng Thái đã hy sinh anh dũng. Lúc này, đồng chí Hoàng Truyền được Huyện ủy điều động về giữ chức Bí thư Chi bộ Quảng Thái.

Ngày 14-3-1975, Thường vụ Khu ủy và Quân ủy Trị Thiên họp sơ kết về đợt tiến công nổi dậy và ra Nghị quyết về hướng tiến công tiếp theo vào ngày 20-3-1975. Quán triệt Nghị quyết của Khu ủy, Huyện ủy Quảng Điền phát động quần chúng tiếp tục nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công truy quét địch, giải phóng quê hương. Ngày 23-3-1975, ở Quảng Thái, đội Công tác của xã phối hợp lực lượng đặc công huyện truy kích địch, đánh tan 01 tiểu đoàn lính bảo an và giành quyền làm chủ trụ sở chính quyền xã; đến đây quê hương Quảng Thái hoàn toàn giải phóng.

Tại thành phố Huế, đúng 6 giờ 30 phút ngày 26-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, khẳng định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Thừa Thiên Huế đã về đích, đánh dấu mốc lịch sử vẻ vang của nhân dân Thừa Thiên Huế trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc thời hiện đại. 

Thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương của nhân dân xã nhà dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Quảng Thái trước hết là thắng lợi của lòng yêu nước quả cảm của quần chúng nhân dân. Trải qua hơn 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai với nhiều gian khổ, hy sinh, mất mát và đau thương… quê hương Quảng Thái đã có 352 người con ngã xuống, 69 bà mẹ được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã tự nguyện đưa tiễn chồng, con dấn thân vào cuộc chiến đấu tranh giải phóng quê hương.

Thắng lợi đó cũng khẳng định sự kiên định về tư tưởng, tinh thần và ý chí quyết tâm sắt đá trong những năm tháng cam go của cuộc chiến là phẩm chất của những người cộng sản trong đó có các đảng viên Chi bộ Quảng Thái. Nhờ đó, ngọn lửa cách mạng ở nơi đây luôn được thắp sáng, sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân luôn được phát huy, nhiều hình thức đấu tranh chính trị của quần chúng vẫn được duy trì dù cho kẻ địch nhiều mưu kế đàn áp.

Thắng lợi đó để lại cũng là bài học bài học thực tiễn, kinh nghiệm quý báu cho chi bộ xã Quảng Thái trong vai trò lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng. Đó là bài học bám sát thực tiễn và đường lối chung của cách mạng, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể địa phương mình. Có như vậy các chủ trương mới phù hợp với nguyện vọng của quần chúng và lợi ích của quê hương để mọi người cùng đồng lòng tự nguyện góp sức.

 

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.70

[2] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.126.

[3] Đảng ủy-Ban chỉ huy quân sự huyện Quảng Điền (2014), Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Điền (1945-2000), Nxb Chính trị quốc gia, tr.123.

[4] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.210

[5] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.126

[6] Chủ nghĩa Nhân vị của Emmanuel Mouier (1905-1950), nhà triết học duy tâm Pháp, với quan niệm: con người (nhân vị) là những bản thể tinh thần (có trước vật chất) theo nghĩa duy tâm, có giá trị cao nhất, trên các giá trị khác (chính trị, kinh tế, xã hội).

[7] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.211

[8] Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Điền (1945-2000), Sđd, tr.123

[9] Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, tr. 45 - 49.

[10] UBND huyện Phong Điền, Địa chí Phong Điền, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.248.

[11] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.214.

[12] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.214.

[13] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 287

[14] Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Cuộc khởi nghĩa nông thôn, đồng bằng, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr.80

[15] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 217

[16] Theo lời kể của đồng chí Trần Đình Thành, hiện trú tại thôn Đông Hồ, xã Quảng Thái.

[17] Theo ông Phạm Minh Thể, Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thừa Thiên Huế

[18] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr. 147

[19] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.146

[20] Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Điền (1945-2000), Sđd, tr. 157

[21] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.219

[22] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.221

[23] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.287

[24] Tư liệu do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Điền cung cấp.

[25] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.151.

[26]Bài ca niên thiếu mở đầu có đoạn:

Em chưa đọc bài thơ Trần Quốc Toản

Em chưa hát khúc ca Lê Văn Tám

Nhưng sáng hôm nay em đã tiếp lời

Viết bản hùng ca niên thiếu Xuân ơi

Quê em đó đất Phong Lai cát trắng

Làng xóm ở đây khổ nhục điêu tàn

Mười năm rồi trước gót lũ sài lang

Mười hai tuổi Lê Xuân làm cách mạng

Khẩu súng bên hông, ống nước thay nồng...

[27] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.227

[28] Tổng hợp từ Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.158 và Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Lợi, Lưu hành nội bộ tại xã Quảng Lợi, tr.46.

[29] “Hai chân” là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, “ba mũi” là đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận.

[30] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.229

[31] Theo ông Phạm Minh Thể, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thừa Thiên Huế.

[32] Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Điền (1945-2000), Sđd, tr.184.

[33] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.230.

[34] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 231, 287. Tháng 6-1994, người lính Mỹ da đen này có trở lại Quảng Thái để tìm kiếm và di dời lính Mỹ chết trong trận này.

[35] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.288

[36] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.288

[37] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.236

[38] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 237.

[39] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.249

[40] Đảng bộ - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Sđd, tr.303.

[41] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.240

[42] UBND huyện Phong Điền, Địa chí Phong Điền, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 274.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.469.394
Truy cập hiện tại 13.938