Tìm kiếm tin tức
LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ QUẢNG THÁI (1930-2020): PHẦN KẾT LUẬN
Ngày cập nhật 15/12/2022

1. Quảng Thái là một xã vùng đồng bằng của huyện Quảng Điền, giáp sông gần biển. Vị trí đó đã tạo những điều kiện thuận lợi để Quảng Thái phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và có thể giao lưu kinh tế - văn hóa với bên ngoài.

            Hai làng Phong Lai, Lai Hà thuộc xã Quảng Thái ngày nay được hình thành trên cơ sở lao động tập thể, cùng nhau khai phá lập làng của lưu dân phía Bắc mà chủ yếu là vùng Thanh - Nghệ bắt đầu từ thế kỷ thứ XV. Quá trình lao động, chống chọi với thiên tai, địch họa đã hình thành cho con người nơi đây đức tính cần cù chịu khó, một tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, thích nghi với mọi hoàn cảnh để xây dựng cuộc sống.

Từ đặc điểm tự nhiên, đất đai, con người Quảng Thái đã tìm kế sinh nhai, phát triển các hoạt động kinh tế nông - công - thương nghiệp hình thành truyền thống lao động quên mình để lại ruộng đồng và những tinh hoa nghề nghiệp cho con cháu. Từ tinh thần chịu khó vươn lên, nơi đây đã hình thành truyền thống hiếu học khoa bảng cùng các sinh hoạt văn hóa dân gian và các phong tục tập quán đã tạo nên bản sắc riêng của các làng ở xã Quảng Thái. Truyền thống kinh tế, văn hóa đó cần được phát huy trong công cuộc xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới hiện nay.

2. Trong xã hội phong kiến, nhân dân Quảng Thái đã thể hiện tinh thần phản kháng, chủ nghĩa yêu nước quật cường chống ngoại xâm. Tiêu biểu là hoạt động yêu nước chống Pháp của phong phong trào Cần vương, chống thuế, khởi nghĩa Duy Tân và các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ.

Trước năm 1945, nhiều thanh niên yêu nước đã tìm đến với cách mạng qua quan hệ dòng tộc, bằng hữu với người thân ở các địa phương lân cận. Từ lớp đầu tiên như Phạm Tiệp, Lê Chơn, Văn Đình Liêu, Trần Khang, Hoàng Triệt, Phạm Thức, Nguyễn Hữu Ngâu cho đến hàng trăm quần chúng tích cực cảm tình Đảng như Đặng Thược, Hoàng Dao, Hoàng Phát, Văn Đình Triền, Trần Bàng, Phạm Bá Đải, Phạm Bá Khác, Hồ Viết Tuynh, Hồ Chơn,... Sự hình thành nhiều nhóm thanh niên yêu nước ở Quảng Thái, trong đó có một số Đảng viên hoạt động ở các chi bộ Bắc Phong Điền, vùng Niêm Phò - sông Bồ và vùng Quảng Thành ra đã đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng theo xu hướng cộng sản, là điều kiện thuận lợi để nhân dân Quảng Thái sớm đến với phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó, những người cộng sản và cán bộ cốt cán, cảm tình đảng ngay trên quê hương đã nếm mật nằm gai, chịu hy sinh gian khổ bám trụ trong nhân dân để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, gây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, góp phần vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

3. Trong hơn một năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân xã Quảng Thái đã đạt được những thành quả to lớn, ổn định và xây dựng cuộc sống mới, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đặc biệt với sự ra đời của chi bộ Quảng Giang ngày 10-01-1947 tại thôn Trằm Ngang (gồm 3 đảng viên Văn Đình Triền, Hồ Viết Tuynh và Hoàng Phát), nhân dân Quảng Thái thực sự chuẩn bị một cách tích cực và chủ động nhằm đối phó với kẻ thù khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Lực lượng cán bộ, đảng viên trong xã kiên cường bám đất, bám dân, kiên trì xây dựng cơ sở cách mạng, phục hồi phong trào. Trong các năm 1951 - 1954, phong trào đấu tranh có những chuyển biến nhanh chóng. Vùng đồng bằng Quảng Thái nối liền với một số xã đồng bằng của hai huyện Quảng Điền và Hương Trà, tạo thành khu căn cứ đồng bằng rộng lớn của tỉnh.

Suốt 9 năm kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng, cán bộ đảng viên Chi bộ Quảng Giang rồi sau đó là Quảng Thái đã trở thành hạt nhân lãnh đạo của bà con nhân dân trong xã. Đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên cường, bám sát địa bàn, bám đất, bám dân để xây dựng cơ sở kháng chiến, củng cố chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bất chấp gian khổ và hy sinh (75 liệt sĩ thời chống Pháp), tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

4. Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Quảng Thái trở thành địa bàn ác liệt, một trọng điểm giành giật giữa ta và địch, biết bao hy sinh và gian khổ, máu và nước mắt, rất nhiều người con Quảng Thái đã ngã xuống (352 liệt sĩ thời chống Mỹ). Khi kẻ thù khủng bố, phong trào cách mạng ở Quảng Thái tạm lắng xuống, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, các đồng chí đảng viên trong chi bộ Quảng Thái đã kiên định tư tưởng, ý chí quyết tâm sắt đá, lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để giữ quê hương, gây dựng và nuôi dưỡng phong trào cách mạng góp phần cùng miền Nam lần lượt đánh thắng các loại chiến lược chiến tranh của Mỹ, tiến tới giải phóng quê hương và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.

Những đóng góp của cán bộ đảng viên và nhân dân Quảng Thái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là niềm tự hào và nguồn cổ vũ to lớn đối với thế hệ hôm nay đã và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên để xứng đáng với 2 danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lực lượng Công an nhân dân vẻ vang mà Chủ tịch nước phong tặng. Nhà nước cũng đã truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 69 mẹ. Những danh hiệu đó thể hiện sự đóng góp lớn lao của quân và dân Quảng Thái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài học quý giá rút ra là bất kỳ ở đâu và ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nếu Đảng đã bám được vào lòng dân, được nhân dân tin yêu và đùm bọc thì khó khăn và gian khổ đến mấy cách mạng cũng sẽ giành được toàn thắng.

5. Sau ngày giải phóng, mặc dù Quảng Thái đã phải gánh chịu những hậu quả kinh tế - xã hội hết sức nghiêm trọng của thời hậu chiến, nhưng sau 5 năm phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng bộ và nhân dân, bộ mặt của xã nhà thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc. Tình hình sản xuất và bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực và ngày càng rõ nét.

Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh việc tổ chức khoán sản phẩm cho xã viên trong hợp tác xã là đúng đắn, đem lại hiệu quả cao về nhiều mặt. Khoán 100 (1981) đã có tác dụng phân chia lại chức nǎng kinh tế giữa tập thể (hợp tác xã) và hộ gia đình cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và phân phối, mở đầu cho quá trình dân chủ hoá về kinh tế bằng việc gắn bó trở lại giữa lao động với tư liệu sản xuất, tạo ra động lực kích thích phát triển sản xuất. Tuy vậy, những hạn chế của cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài vẫn còn đè lên vai người nông dân, trước hết là hộ nhận khoán khiến họ đã phải trả lại bớt ruộng đất. Khoán 10 (1988) đã góp phần giải quyết những vướng mắc đó và làm cho tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực.

Có thể thấy những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đề ra từ đại hội VI trên địa bàn xã tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần tiến công cách mạng, cán bộ và nhân dân xã nhà đã giành được nhiều thành tựu ban đầu đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả của những năm đầu đổi mới đã góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất, tạo cơ sở cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái còn làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, Lào và chống Trung Quốc xâm lược (6 liệt sĩ).

6. Giai đoạn 1990 - 2000 là giai đoạn toàn đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện nghị quyết của các đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), lần thứ VIII (1996) cũng như nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng các cấp nhằm tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới đất nước được đề ra từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Những thành tựu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 1990 - 2000 của Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với sự nghiệp đổi mới của xã nhà. Những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái đã được cấp trên ghi nhận. Đảng bộ xã Quảng Thái nhiều năm liền được tặng danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, diện mạo nông thôn thay đổi dần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Quê hương Quảng Thái bước vào thế kỉ XXI (2001-2020) với những thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp phải không ít những khó khăn thử thách. Tuy vậy với truyền thống anh hùng cách mạng và tinh thần vượt khó của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đưa sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái liên tiếp gặt hái những thành tựu mới trên tất cả mọi mặt kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Những thành tựu đó là tiền đề vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển xã nhà theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương Quảng Thái ngày càng vững về kinh tế, giàu về văn hóa, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của cha ông.

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.469.253
Truy cập hiện tại 13.834