Tìm kiếm tin tức
Thông báo về việc khảo sát, thống kê và kê khai diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh Khảm lá sắn
Ngày cập nhật 20/02/2020

Ngày 19 tháng 02 năm 2020, Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái đã ban hành Thông báo số 20/TB-UBND Về việc khảo sát, thống kê và kê khai diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh Khảm lá sắn gửi Giám đốc các Hợp tác xã Tam Giang, Thống Nhất; Đội trưởng các Đội sản xuất của 02 HTX; Chi hội trưởng Nông dân trang trại; Toàn thể bà con nhân dân có trồng cây sắn với nội dung cụ thể như sau:

Hiện nay, theo thông tin của ngành chức năng, diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh TT Huế đang có dấu hiệu bị nhiễm bệnh Khảm lá sắn.

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là lá biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Cây sắn bị nhiễm bệnh này sẽ không cho thu hoạch hoặc năng suất, sản lượng giảm nghiêm trọng; gây nguy cơ nhiễm bệnh sang các diện tích khác và các vụ trồng tiếp theo.

Thực hiện chỉ đạo UBND huyện nhằm triển khai các giải pháp phòng bệnh và xử lý cây sắn bị nhiễm bệnh, UBND xã yêu cầu Giám đốc các HTX, các đội sản xuất, bà con nhân dân trồng sắn thực hiện tốt một số nội dung sau:

1.Giám đốc các HTX, Đội trưởng các đội sản xuất, chi hội trưởng Nông dân trang trại tiến hành khảo sát, thống kê toàn bộ diện tích của từng hộ xã viên có trồng cây sắn trên địa bàn xã; Trực tiếp khảo sát các biểu hiện cụ thể của từng diện tích trồng sắn, nếu phát hiện sắn bị nhiễm bệnh theo các triệu chứng như trên thì kịp thời báo cáo kịp thời về UBND xã(qua đc Văn Đức Quyền- CC ĐC-NN).

2.Đối với các diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh, các chủ hộ phải trực tiếp đến kê khai theo Mẫu số 01 (có mẫu kèm theo) tại Đội trưởng. Thời gian kê khai kể từ ngày 20/02 đến hết ngày 23/02/2020. Sau khi các hộ kê khai, Đội trưởng lập danh sách kèm theo phiếu kê khai báo cáo Giám đốc HTX và UBND xã(qua đc Văn Đức Quyền- CC ĐC-NN).

3.UBND xã sẽ thành lập Tổ kiểm tra (có sự tham gia của Cán bộ Nông nghiệp huyện) tiến hành thẩm định trực tiếp diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh, lập biên bản từng diện tích đề nghị UBND huyện phê duyệt hỗ trợ. Đồng thời yêu cầu chủ hộ phải tiến hành các biện pháp tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm bệnh(nhổ, phơi khô và đổ dầu đốt)

Đối với diện tích đất sắn sau khi nhổ bỏ, tiêu hủy, đề nghị các Đội sản xuất và bà con nông dân nghiên cứu đưa vào cải tạo và trồng một số loại cây trồng mới như cây Mè, cây đậu đỏ, cây ngô... nhằm đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, hạn chế bỏ đất hoang.

4.Về chính sách hỗ trợ cây sắn bị nhiễm bệnh: Thực hiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất Nông nghiệp bị thiên tai, dịch bệnh. Đối với cây trồng, cây màu bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000đ/ha( hai triệu đồng). Bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000đ/ha(Một triệu đồng)

5.Danh sách các hộ có diện tích sắn bị thiệt hại do nhiễm bệnh sẽ được công khai niêm yết tại trụ sở Nhà văn hóa các thôn và trên Trang Thông tin điện tử theo đúng quy định.

Vậy, nghe thông báo, UBND xã yêu cầu Ban giám đốc các Hợp tác xã, các đội trưởng, chi hội trưởng Nông dân trang trại, các hộ có trồng xây sắn, cán bộ có liên quan thực hiện nghiêm túc./.        

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Đỗ Thị Trang
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.654.660
Truy cập hiện tại 1.421