Tìm kiếm tin tức
KẾ HOẠCH Phòng chống bệnh khảm lá sắn trên địa bàn xã Quảng Thái
Ngày cập nhật 26/02/2020

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện bệnh khảm lá sắn đang gây hại với diện tích 29,7 ha tập trung ở các xã Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Phước và Quảng Thái. Tỷ lệ bệnh lên đến khoảng 90%, bệnh khảm lá sắn hiện nay chưa có thuốc đặc trị và ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như năng suất và sản lượng. Theo dự báo bệnh có xu hướng lây lan nhanh trong thời gian tới.

Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn, kịp thời ngăn chặn sự lây lan trên địa địa bàn xã. UBND xã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh khảm lá sắn, với các nội dung cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

          - Nhằm bảo vệ cây sắn trên địa bàn, phát hiện kịp thời ngăn chặn bệnh hại phát tán và lây lan ra các vùng trồng sắn khác.

          2. Yêu cầu

          - Triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn ở các vùng phụ cận.

- Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hại của bệnh, đồng thời vận động người dân tiến hành nhổ bỏ toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm bệnh để tiêu hủy.

- Thống kê chính xác diện tích sắn bị nhiễm bệnh và diện tích sắn, buộc phải tiêu hủy để đảm bảo chính xác đúng diện tích, đúng đối tượng khi có chính sách hỗ trợ.

II. Nội dung thực hiện.

1. Triệu chứng, cơ chế lan truyền bệnh và tác hại của bệnh khảm lá sắn:

Bệnh khảm lá sắn là bệnh do virus gây ra và được lam truyền qua trung gian là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bệnh, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm, ít rễ. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn và lây nhiễm từ khi cây sắn còn non.

Bệnh lan truyền qua 2 con đường:

- Qua hom giống: Virus tồn tại trong thân, lá, củ sắn nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau thì virus sẽ tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm. Củ sắn còn sót lại trên ruộng mà nhiễm virus thì khi mọc mầm cũng bị xoăn lá và là nguồn bệnh nguy hiểm.

- Qua trung gian truyền bệnh: Virus lan truyền qua bọ phấn trắng, bọ phấn trắng chích hút trên cây sắn bị bệnh sẽ hút cả virus vào cơ thể, khi chích hút trên cây khỏe sẽ truyền virus sang làm cây bị bệnh.

Thông qua 2 cơ chế lan truyền trên, nếu không phòng trừ, tiêu hủy bệnh khảm lá sắn lây lan rất nhanh, nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn.

Tác hại của bệnh khảm lá sắn: cây sắn nhiễm bệnh khảm lá thì bộ rễ kém phát triển, không phát triển củ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng củ biện pháp tốt nhất là sử dụng hom giống sạch bệnh để trồng và tiêu hủy nguồn bệnh, môi giới truyền bệnh để hạn chế lây lan.

2. Các giải pháp triển khai thực hiện

Thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện phòng, chống bệnh khảm lá sắn.

Hai HTX nông nghiệp chỉ đạo Đội trưởng các đội sản xuất rà soát, thống kê diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

  1. Đối với các vùng có sắn bị nhiễm bệnh:

Kiên quyết tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm bệnh khám lá.

Hướng dẫn nông dân nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt hoặc chôn lấp để tiêu hủy nguồn bệnh.

Tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không vận chuyển thân sắn, lá sắn ra khỏi vùng bị nhiễm bệnh và không được sử dụng thân sắn đã nhiễm bệnh để làm hom giống.

Công tác tiêu hủy được thực hiện như sau:

Bước 1: Xác định diện tích bị bệnh khảm lá

Điều tra xác định diện tích bị bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.

Bước 2: Phun trừ trung gian truyền bệnh

Điều tra nếu có bọ phấn phải phun thuốc trừ bọ phấn trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh.

Bước 3: Tiến hành tiêu hủy

- Tiêu hủy một phần: áp dụng với các diện tích sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh, thu gom để chôn lấp hoặc đốt.
- Tiêu hủy toàn diện tích: áp dụng với các diện tích sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt.

Lưu ý: Khi tiến hành tiêu hủy cần tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu về an toàn lao động, an toàn khi sử dụng thuốc BVTV, môi trường và phòng cháy.

Bước 4: Kiểm tra sau tiêu hủy

Sau 15-30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử lý, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục tiến hành nhổ tiêu hủy triệt để như hướng dẫn trên.

  1. Đối với các vùng chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn:

Tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá sắn, thống kê, khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh để có hướng tiêu hủy.

Phun phòng trừ bọ phấn trắng bằng thuốc BVTV nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh.

III. Tổ chức thực hiện

1. Đối với Công chức địa chính nông nghiệp xã:

- Tham mưu cho UBND xã thành lập Tổ công tác thực hiện phòng chống bệnh khảm lá sắn.

- Phối kết hợp với hai HTX nông nghiệp, các Đội sản xuất thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện các diện tích sắn bị nhiễm bệnh, tham mưu UBND xã để có hướng chỉ đạo kịp thời.

- Rà soát, thống kê chính xác diện tích sắn buộc phải tiêu hủy để đảm bảo tính minh bạch khi có chế độ hỗ trợ của nhà nước (nếu có).

2. Đối với hai HTX nông nghiệp

- Rà soát lại tổng diện tích trồng sắn, các diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá để khoanh vùng chỉ đạo dập dịch.

- Chỉ đạo các Đội sản xuất thống kê chính xác diện tích sắn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh khảm lá sắn gây ra.

- Có kế hoạch gieo trồng các loại cây khác phù hợp sau khi tiêu hủy điện tích sắn bệnh. Tuyệt đối không được trồng sắn trở lại hoặc các cây ký chủ của bọ phấn như ớt, bầu, bí... ở những vùng đã bị khảm lá ít nhất một vụ.

          3. Đối với các Đội trưởng Đội sản xuất

- Tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về Triệu chứng, cơ chế lan truyền bệnh và tác hại của bệnh khảm lá sắn để người dân biết và có biện pháp phòng chống kịp thời.

- Thực hiện thống kê chính xác diện tích sắn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh khảm lá sắn gây ra.

- Lựa chọn, bố trí địa điểm tiêu hủy sắn bị nhễm bệnh đảm bảo an toàn tránh lây lan dịch bệnh.

          4. Đối với các hộ trồng sắn

          - Thường xuyên kiểm tra, theo dõi cây sắn, nếu có biểu hiện nhiễm bệnh phải báo ngay cho Đội trưởng hoặc HTX biết để có hướng xử lý kịp thời.

- Có trách nhiệm tiêu hủy sắn bị nhiễm bệnh theo đúng quy trình, tránh trường hợp nhổ bỏ vứt bừa bãi làm lây lan dịch bệnh.

- Các diện tích có sắn bị nhiễm bệnh, sau khi thu hoạch xong các loại cây trồng phải tiến hành bón vôi cải tạo đất, tiêu diệt các loại mầm bệnh còn lại ở trong đất để sản xuất các vụ tiếp theo.

Đề nghị mặt trận, các hội, đoàn thể của xã chỉ đạo, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân hiểu rõ về Triệu chứng, cơ chế lan truyền bệnh và tác hại của bệnh khảm lá sắn để người dân biết và có biện pháp phòng chống kịp thời.

IV. Kiến nghị, đề xuất

Đề nghị UBND huyện có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Nhà nước. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để mua các loại vật chất phục vụ trong quá trình tiêu hủy sắn bị nhiễm bệnh.

Trên đây là kế hoạch phòng, chống bệnh khảm lá sắn trên địa bàn xã Quảng Thái, UBND xã yêu cầu các ban ngành liên quan, Ban giám đốc các HTX nông nghiệp và Đội trưởng các Đội sản xuất trên địa bàn xã nghiêm túc thực hiện./.

Tập tin đính kèm:
Đỗ Thị Trang
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.652.588
Truy cập hiện tại 151