Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của UBND tỉnh, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản QPPL trên các lĩnh vực được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công giúp cho việc giải quyết TTHC nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, quản lý nhà nước tốt hơn. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từng bước được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường.
Chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính
Đến nay, toàn tỉnh có 2.114/2.132 TTHC (tỷ lệ 99,16%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; Đưa 1.526 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Công bố 1.135 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích; đến nay có 9/9 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động; có 56 Bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã khai trương và đi vào hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã có trang thông tin điện tử. Hệ thống trang thông tin điện tử đã liên thông và cung cấp thông tin thống nhất trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ https://www.thuathienhue.gov.vn. Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên có 152/152 xã thực hiện cập nhật, tiếp nhận và theo dõi giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Toàn tỉnh hiện nay có 77 ứng dụng CNTT chuyên ngành, trong đó ứng dụng do Bộ chuyên ngành xây dựng là 33, ứng dụng do tỉnh xây dựng là 44...
Giải quyết thủ tục hành chính tại TTPVHC công tỉnh
Giải quyết thủ tục hành chính liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã
Được chính thức đi vào hoạt động ngày 25/12/2017 và chính thức khai trương ngày 05/01/2018, đến tháng 5/2019, đã có 2.098/2.100 TTHC của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 104 TTHC của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn được đưa vào thực hiện tại Trung tâm PVHCC. Trung tâm đã thiết lập quy trình trên Hệ thống xử lý một cửa tập trung của 1.985/2.098 TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 104/104 TTHC của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Đồng thời cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh 77,8% TTHC dịch vụ công mức độ 3, 4 (có 943 TTHC dịch vụ công mức độ 3, có 690 TTHC dịch vụ công mức độ 4) và công bố 941 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.
Cùng với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thì các Trung tâm Hành chính công của 9/9 huyện, thị xã, thành phố cũng đã đi và hoạt động ổn định và hiệu quả. Năm 2018, các Trung tâm đã tiếp nhận 96.149 hồ sơ, bình quân mỗi Trung tâm tiếp nhận 10.683 hồ sơ/năm. Có 15.695 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, không có hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích và 80.508 hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp theo hình thức thông thường. Trong đó, có 73.841/80.508 hồ sơ đã được TTHCC số hóa. Có 82.006 hồ sơ đã giải quyết trước hẹn và đúng hẹn...
Xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, trong những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy như các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch; các văn bản tham mưu hàng năm; Các văn bản gắn liền với các chính sách cụ thể, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, thường xuyên, lâu dài cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu kết luận tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Năm 2019 được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là "Năm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị". Vì vậy, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) một cách đồng bộ trên các lĩnh vực với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đẩy mạnh cải cách TTHC trên tất cả các ngành, loại bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch. Bên cạnh đó cần khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh kế - xã hội. Phấn đấu là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện CCHC.