Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ (giữa) xuống đường nhặt rác cùng người dân.
Với mục tiêu tạo ra bộ mặt mới cho đô thị, một điểm đến ấn tượng cho du khách cũng như tạo không gian sống mới cho người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành và chỉ đạo thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh- sạch- đẹp” từ đầu năm 2019. Đề án với những mô hình như “Huế - thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng- xanh- sạch- đẹp- trật tự trị an”...Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế là cơ quan chủ trì, phối hợp, theo dõi, đôn đốc trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Sau gần 5 tháng thực hiện, đến nay tất cả các huyện, thị xã, TP Huế đã triển khai, thực hiện đề án ngày Chủ nhật Xanh tại địa phương mình. Khí thế của phong trào đã trở thành “cơn sốt” không chỉ đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà còn đang dần thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường của mỗi người dân.
Đó là việc duy trì thường xuyên ra quân đồng loạt hàng tuần vào sáng Chủ nhật thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, lực lượng công an, bộ đội, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia với các công trình, phần việc mang lại hiêu quả thiết thực như: Ra quân xử lý các điểm đen về ô nhiễm môi trường, dọn dẹp vệ sinh môi trường, vớt bèo khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, vệ sinh bờ biển và “nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”...
Để lan tỏa các biện pháp giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh gương mẫu đi đầu với việc vận động không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần tại công sở và khi tổ chức các hội nghị, hội thảo.
Từ sau văn bản này, trong tất cả các hoạt động như hội nghị, hội thảo của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều chuyển từ chai nhựa sử dụng một lần sang sử dụng các bình nước thể tích lớn hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy (sản phẩm sản xuất từ giấy); không sử dụng túi nilông, khăn lau sử dụng một lần…
Đến với Huế trong khoảng thời gian này, trên những đường phố đã dần sạch rác thải, nhiều điểm được người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Không chỉ vậy, những con đường hoa do người dân trồng đã bắt đầu bung nở rực rỡ, tô điểm vẻ đẹp xanh-sạch-sáng cho môi trường Cố đô.
Bác Bùi Quang Hòa, một cán bộ hưu trí sống ở đường Bến Nghé (TP Huế) chia sẻ: “Mỗi ngày lên facebook, tôi đều thấy bạn bè chia sẻ hình ảnh dọn rác ở nơi mình sinh sống. Dường như thông điệp ý nghĩa của phong trào Chủ nhật Xanh đã dần lan tỏa, thấm sâu vào ý thức của mỗi người dân. Chính từ sự thay đổi nhận thức này sẽ đi đến những hành động bảo vệ môi trường thiết thực…”.
Có thể thấy, hiệu quả của phong trào chính là nhờ sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, đây không phải là công việc một sớm một chiều, mà cần phải làm thường xuyên, liên tục, thay đổi từ tư duy đến hành động của người dân.
“Không thể tuần nào lãnh đạo tỉnh cũng đi kiểm tra, tham gia trực tiếp phong trào Ngày Chủ nhật xanh mà lãnh đạo các địa phương, đơn vị lại không tích cực triển khai tại địa phương, đơn vị mình. Khi người đứng đầu thật sự có trách nhiệm, thật sự đi tiên phong, chắc chắn phong trào sẽ đi vào thực chất, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Nguồn: www.daidoanket.vn