Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Thừa Thiên Huế phải bứt phá, tiên phong thành một trong những trung tâm trí tuệ của Việt Nam với thước đo mới, tư duy mới về cơ cấu kinh tế, vận dụng sáng tạo tri thức, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,2%/năm
Theo thông báo kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng, thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong những năm qua. Giai đoạn 2009 - 2019 tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,2%/năm; quy mô kinh tế tăng hơn 2 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,2 lần; thu ngân sách gấp 2,8 lần; dịch vụ chiếm gần 50% cơ cấu kinh tế.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển, Tỉnh đã tích cực chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 01/0/2019 của Chính phủ: Nông nghiệp duy trì mức tăng ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,25%; dịch vụ tăng 6,37%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11%; thu ngân sách tăng 17%; xuất khẩu tăng 28%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên" và lễ hội Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8; đã có sáng kiến và tích cực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội chuyển biến tích cực: Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 đứng thứ 16 của cả nước (tăng 7 bậc); đã triển khai thực hiện tốt dự án Trung tâm điều hành Đô thị thông minh và đạt giải thưởng viễn thông châu Á 2019. An sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh; chính sách đối với người có công với cách mạng thực hiện đầy đủ. Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong những năm qua là tích cực, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Tuy nhiên, quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tăng trưởng kinh tế (GRDP) 5 tháng đầu năm 2019 chưa đạt kế hoạch đề ra; chưa xuất hiện những yếu tố động lực tăng trưởng mới; thu hút đầu tư chưa nhiều; là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính nhưng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công chưa tương xứng.
Tập trung thực hiện 7 công tác trọng tâm
Nhất trí với báo cáo của Tỉnh về một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2019, Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm công tác sau:
Thứ nhất, Tỉnh phải bám sát nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019; chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu xây dựng "Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hoá, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước; là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùng".
"Thừa Thiên Huế phải bứt phá, tiên phong thành một trong những trung tâm trí tuệ của Việt Nam với thước đo mới, tư duy mới về cơ cấu kinh tế, vận dụng sáng tạo tri thức, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương". Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, rà soát quy hoạch đáp ứng với yêu cầu phát triển mới, phù hợp với tiêu chí thành phố xanh, hiền hòa, lấy sông Hương, núi Ngự làm điểm nhấn. Tham khảo thêm tư vấn nước ngoài để hoàn thiện quy hoạch theo hướng mở và dài hạn, hướng tới nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ gìn cảnh quan, môi trường sống.
Thứ ba, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực cho đầu tư các ự án cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình phát triển địa phương, trước hết là vốn cho giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trọng điểm, cấp bách bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; các dự án thuộc đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”; các tuyến giao thông đối ngoại tạo động lực; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; các dự án an sinh, hạ tầng xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa,....
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức; khuyến khích, phát huy tính sáng tạo, sáng kiến của tập thể; quan tâm phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động về văn hóa công sở; chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế và du lịch, nhất là đào tạo tiếng Anh cho cộng đồng; gìn giữ cảnh quan, môi trường, duy trì và xây dựng hình ảnh người dân Huế thân thiện, hiếu khách.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm giảm nghèo bền vững; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; Tỉnh phải là địa phương đi đầu trong thực hiện cuộc vận động phòng, chống rác thải nhựa, bỏ thói quen sử dụng túi nilông; nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn...
Thứ sáu, khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 và Thông báo 175-TB/TW ngày 01/8/2014 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến 2020, trình Bộ Chính trị trong Quý III năm 2019.
Thứ bảy, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhiều chủ trương, định hướng phát triển cho tỉnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương đối với một số kiến nghị của tỉnh, gồm: Điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch chung thành phố Huế về hướng Nam và hướng Đông; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô...Đặc biệt, là ý kiến về việc hỗ trợ khoản kinh phí cho dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế (giai đoạn 1).
Đối với việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản (cát trắng) làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rà soát điều chỉnh quy hoạch đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của pháp luật để sớm khỏi công dự án đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Quốc tế Phú Bài trong năm 2019.