Dự và chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới sáng 20-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác PCTT. "Điều này thể hiện ở việc chúng ta đã củng cố các hệ thống, tổ chức PCTT mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương, như sửa đổi luật PCTT, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nhân dân về PCTT. Công tác PCTT đã được cả hệ thống chính trị quan tâm trên tinh thần phương châm 4 tại chỗ. Nhờ đó đã hạn chế được một phần thiệt hại do thiên tai”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng đánh giá, năm 2018, công tác PCTT-TKCN đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, đã huy động các lực lượng tham gia hỗ trợ, ứng phó với thiên tai, cứu được gần 7.000 người; đặc biệt là đã hướng dẫn, tổ chức di dời trên 68.000 người đảm bảo an toàn trong thiên tai. Công tác dự báo thiên tai có nhiều tiến bộ, ngày càng chi tiết, cụ thể hơn. Công tác phòng ngừa thiên tai được quan tâm, triển khai sâu rộng. Công tác tái thiết sau thiên tai, TKCN được triển khai chủ động, quyết liệt hơn. Việt Nam sẵn sàng và đã làm tốt việc ứng cứu PCTT, hỗ trợ các nước trong thiên tai như việc giúp đỡ người dân và chính quyền Lào trong vụ vỡ đập thủy điện Attapeu, cứu 22 ngư dân Philippines bị nạn trên biển vừa mới diễn ra; cứu tàu hàng hóa lớn của Singapore bị nạn trên vùng biển Việt Nam...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân đội có vai trò quan trọng, luôn kịp thời, sẵn sàng trong mọi tình huống ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
(từ trái qua phải) chủ trì hội nghị. Ảnh: Bích Nguyên
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong công tác PCTT năm 2018. Đó là, thiên tai xảy ra ít hơn mọi năm nhưng thiệt hại không nhỏ.
Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nhất là công trình PCTT còn thấp, nhiều đê điều xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời; hệ thống giao thông thường xuyên sạt lở khi có mưa lũ. Công tác dự báo, năng lực quan trắc, cảnh báo chưa theo kịp diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.
“Không được chủ quan, phải chung tay phòng chống thiên tai một cách chủ động” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Việc phòng ngừa thiên tai chưa được quan tâm đúng mức trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương. Trong một số trường hợp công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm, quy trình hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn phức tạp.
Khẳng định, Đảng, nhà nước coi PCTT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng nêu quan điểm chỉ đạo đối với công tác PCTT là cần xây dựng hệ thống xã hội phát triển, an toàn trước thiên tai, trong đó phòng ngừa là chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT các cấp, có phân cấp, phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên để chỉ đạo thực hiện nhiêm vụ PCTT hiệu quả hơn. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và TKCN, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống xảy ra. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, diễn tập.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn; nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo PCTT từ trung ương tới địa phương. Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về PCTT đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn tốt
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng Bằng khen cho 34 tập thể và 55 cá nhân, trong đó có tập thể Phòng Cứu hộ - cứu nạn,
Bộ Tham mưu BĐBP. Ảnh: Bích Nguyên
Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách đồng thời có chính sách huy động nguồn lực xây dựng các công trình PCTT và hệ thống quan trắc. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường phối hợp quốc tế trong công tác PCTT. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan của Liên hợp quốc và các đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong PCTT.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 hình thái thiên tai. Trong đó, đã xảy ra 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 4 đợt rét đậm, rét hại; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng... Lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các thiết bị lọc nước sử dụng trong tình huống bị lũ lụt. Ảnh: Bích Nguyên
Thiên tại năm 2018 làm 224 người chết và mất tích 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hơn 500 tầu thuyền bị chìm do bão và ATNĐ… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.