Sáng ngày 27/8/2019, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Làm việc với Đoàn về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7 tháng đầu năm đạt 6,87%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,76%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.950 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 46% kế hoạch; tổng thu ngân sách 7 tháng đạt 4.193 tỷ đồng, đạt 58%… Những tháng cuối năm 2019, tỉnh phấn đấu đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế toàn năm 7,5- 8%.
“Năm Dân vận chính quyền” 2019 được tỉnh thực hiện với chủ đề “Tiếp tục thực hiện Năm Dân vận chính quyền, tập trung vào việc nâng cao đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính, quan tâm giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống dân vận”. Theo đó, tỉnh tiếp tục thể chế hóa các cơ chế, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước, nhất là lĩnh vực đất đai, nhà ở, môi trường, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; lòng tin của người dân đối với các cấp chính quyền ngày càng được nâng cao.
Xác định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại và tố cáo là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là với các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài và giải quyết kịp thời những bức xúc, nổi cộm liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo đồng thuận trong Nhân dân. Việc tổ chức đối thoại với công dân được Lãnh đạo tỉnh và các cấp thực hiện thường xuyên, chủ động và kiên trì. Do đó, số vụ việc công dân tự nguyện xin rút lại đơn khiếu nại chiếm tỷ lệ tương đối cao. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh góp phần giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân; công khai chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, khắc phục tình trạng sách nhiễu, hạn chế tiêu cực, loại bỏ những quy định không cần thiết.
Công tác phòng chống tội phạm được quan tâm; tình hình trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được duy trì ổn định. 7 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện, xử lý gần 2.400 vụ vi phạm gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế 32,6 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trên 17 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác của Chính phủ một số vấn đề nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Trong đó đề nghị có Nghị quyết của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có việc tiếp tục thực hiện Kết luận 48/KL-TW về nội dung đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực cùng với các thành viên Chính phủ xem xét, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế, chính sách riêng để công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù – thành phố trực thuộc Trung ương. Đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ quan tâm, ủng hộ chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines ) với sân bay căn cứ là Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm. Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng: Tăng thẩm quyền xử phạt tịch thu hàng hóa của Giám đốc Công an Tỉnh, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Quản lý thị trường…
Toàn cảnh buổi làm việc
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí chiến lược, nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây với hệ thống hạ tầng giao thông khá đầy đủ như có sân bay quốc tế (đang được tính toán để mở rộng); có cảng nước sâu Chân Mây; đường sắt Bắc Nam; Đường Hồ Chí Minh… Là cố đô, với nhiều di sản, có nhiều danh lam, thắng cảnh do đó rất có lợi thế về phát triển du lịch; và sẽ có triển vọng phát triển rất tốt về nhiều mặt trong đó đặc biệt là về giáo dục; y tế… vốn là những thế mạnh lâu đời của tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ hoan nghênh các tháng đầu năm tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt những kết qủa đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, với nhiều khởi sắc và nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên tốc độ phát triển chưa phải là cao, cần có giải pháp đột phá trong thời gian tới nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả nhiệm kỳ, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó lưu ý Tỉnh cần thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên nền tảng và thế mạnh nổi trội của tỉnh; đặc biệt là cần thu hút được các dự án, nhà đầu tư lớn vào Thừa Thiên Huế. Qua đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành cần quan tâm, tích cực tham gia cùng với Tỉnh để kêu gọi cho được các dự đầu tư mang tính đột phá cho tỉnh Thừa Thiên Huế để góp phần tăng trưởng ngân sách cho địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Tỉnh chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển du lịch là ngành trọng tâm mũi nhọn chính của tỉnh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho các công trình trọng điểm. Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc, đời sống cho nhân dân; thực hiện tốt an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo...
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu hệ thống chính trị cần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo kiến nghị của dân ngay từ khi mới phát sinh. Tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài. Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình an ninh trật tự, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình giao các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh, có đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của cả nước.
Theo chương trình, sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh dưới).