Vượt khó để đột phá
Khởi đầu bằng việc thành lập Trung tâm CNTT tỉnh năm 2000, đây được xem là một trong những TT CNTT thành lập sớm của cả nước. Tiếp đến, trong quá trình thực thi Đề án Tin học hoá hành chính Nhà nước của Chính phủ, giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112), CNTT của tỉnh đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động từ các cấp lãnh đạo, chính quyền đến cán bộ các sở, ban, ngành... Qua đó, CNTT từng bước được đưa vào ứng dụng trong cơ quan Nhà nước (CQNN).
Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ, ban đầu, việc triển khai vô cùng khó khăn. Những vấn đề liên quan, từ khái niệm, việc tổ chức triển khai, điều kiện cơ sở vật chất đến giải pháp công nghệ, nhất là vấn đề nhận thức đều là rào cản không nhỏ trong quá trình hiện đại hoá nền hành chính của chính quyền. “Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị thực thi dần đi vào nề nếp. Sau này, khi tổng kết, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được đánh giá triển khai có hiệu quả đề án cũng như đạt được nhiều kết quả tốt”- ông Nguyễn Xuân Sơn nói.
Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định mình là một địa phương đủ tầm và lực để trở thành một tỉnh phát triển mạnh về CNTT trong cả nước với phương châm “Khác biệt đột phá để phát triển”. Với sản phẩm “Khung kỹ thuật Chính quyền điện tử và hệ thống Công sở điện tử đa cấp tỉnh Thừa Thiên Huế” (sản phẩm đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015 và Danh hiệu Sao Khuê năm 2016), hiện nay sản phẩm đã được phát triển và triển khai, ứng dụng trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế từ cấp tỉnh tới cấp xã với tên gọi “Trang điều hành tác nghiệp đa cấp”. Đây được xem là “bàn làm việc điện tử” của chính quyền Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây, góp phần nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện sự nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền điện tử hiện đại phục vụ nhân dân.
Đến nay, 100% cơ quan Đảng, cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, 152 đơn vị thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã kết nối mạng WAN và áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008 giúp Thừa Thiên Huế thuộc top đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế
Một lĩnh vực rất mới, vừa được tỉnh áp dụng thành công là tiền đề cho các địa phương khác học tập đó là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC). Đây như là một trong những sản phẩm quyết tâm tạo ra sự "khác biệt, đột phá" của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Trung tâm đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành,tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính. Tiêu biểu nhất là chức năng phản ánh hiện trường được triển khai ban đầu gắn với hoạt động Ngày Chủ nhật xanh, đã thu hút được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả cộng đồng. Đến nay Trung tâm đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả. Giải pháp phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
Khác biệt để phát triển
Tại hội nghị xúc tiến đầu từ CNTT mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định quyết tâm khai thác lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh để thúc đẩy một cách mạnh mẽ phát triển CNTT, đưa CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. “Đó là sự khác biệt thể hiện ở định hướng phát triển nhanh và bền vững, khẳng định một cách rõ ràng, mạnh mẽ mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” dựa trên những giá trị đặc thù và những lợi thế so sánh trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch đang có. Phát triển các lợi thế so sánh đó cũng chính là tạo điều kiện cho CNTT phát triển trong các lĩnh vực chuyên ngành và ngược lại các lĩnh vực này sẽ tác động thúc đẩy, phát triển các công nghệ nền tảng trong các lĩnh vực này”- Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Hiện tỉnh đang có những nỗ lực trong việc thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo theo hướng gắn đào tạo với thực hành, gắn trường học, chính quyền với doanh nghiệp; xem thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho CNTT là yếu tố quan trọng hàng đầu để kêu gọi đầu tư, phát triển CNTT. Cùng với đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp CNTT trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư khi đến Thừa Thiên Huế được xác định là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, với tinh thần chính quyền sẵn sàng, chính quyền phục vụ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giới thiệu mặt bằng, đào tạo nhân lực nhằm thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp CNTT. Qua đó, tạo ra những điều kiện cho doanh nghiệp CNTT có điều kiện phát triển mạnh mẽ ở Thừa Thiên Huế.
www.thuathienhue.gov.vn