Vùng đất nhiều tiềm năng
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng để xác định đâu là tiềm năng trọng tâm để tạo ra những sản phẩm có giá trị rất khó khăn. Nhiều năm qua, tỉnh vẫn loay hoay với việc trồng cây gì, con gì, làm nông nghiệp theo hướng nào? Để giải được bài toán này cần sự tham gia tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp của Học viện và GS. TS Nguyễn Thị Lan.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam GS. TS Nguyễn Thị Lan cho biết, sau khi dự hội nghị “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn- ứng dụng công nghệ cao” tại tỉnh Thừa Thiên Huế (cuối tháng 7/2019), Học viện đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển nông nghiệp cho Thừa Thiên Huế. Đồng thời nhận thấy Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp. Đó là điều kiện địa lý, giao thông thuận lợi; địa phương là một cực tăng trưởng nằm trong vùng kinh tế phát triển miền Trung, hành lang kinh tế Đông- Tây. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đa dạng sinh học quy mô lớn; có nguồn gen dồi dào và đa dạng sinh học để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Tuy có nhiều khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp manh mún, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế… nhưng theo GS. TS Nguyễn Thị Lan “Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương của nước ta hội tụ nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn và công nghệ cao”.
GS. TS Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp đưa ra một số định hướng phát triển nông nghiệp cho tỉnh Thừa Thiên Huế
Từ đó, Học viện và lãnh đạo tỉnh đã thống nhất định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh theo hướng: Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp nhanh, chất lượng, hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng, bảo vệ môi trường và ổn định xã hội.
Với 3 trụ cột chính là đầu tư nghiên cứu, đánh giá sâu, toàn diện và khoa học để nhận diện đúng và cụ thể về tiềm năng phát triển kinh tế biển, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, rừng gắn với phát triển công nghiệp chế biến, du lịch làm hạt nhân của phát triển kinh tế; áp dụng công nghệ cao và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở mức cao là yếu tố then chốt để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển nông nghiệp gắn với chế biến sâu với quy mô lớn và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương và liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Định hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, đa dạng, đặc sản khác biệt, gắn với kinh tế nông thôn và gắn với văn hóa, du lịch, 4 mùa lễ hội và đa dạng ẩm thực.
Phát huy thế mạnh đặc thù của từng vùng miền
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, để có những giải pháp toàn diện, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với mục tiêu chiến lược của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển tập trung vào đánh giá thực trạng tài nguyên đa dạng thực vật, động vật và nguồn lợi thủy hải sản của tỉnh; đánh giá tài nguyên đất; nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường; phục tráng và phát triển các cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa.
Cũng theo GS. TS Nguyễn Thị Lan, trong nguyên tắc xây dựng và triển khai đề án phát triển nông- lâm nghiệp bền vững gắn với du lịch cần bám sát nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương; tiếp cận theo chuỗi từ đầu vào- sản xuất – chế biến- tiêu thụ gắn với hoạt động du lịch; xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc; huy động nguồn lực tổng hợp từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu để đầu tư phát triển nông nghiêp. Và quan trọng nhất là phải bắt đầu từ cái nhỏ, dễ làm trước, khó làm sau, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao.
Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm cần hướng tới của tỉnh như phát triển sen Huế; sản xuất bền vững giống bưởi thanh trà gắn với du lịch nhà vườn; phát triển cây ăn quả trên đất trồng lúa kém hiệu quả phục vụ du lịch… GS. TS Nguyễn Thị Lan cũng gợi mở cho tỉnh một số mô hình có thể áp dụng như: phát triển giống mai vàng Huế phục vụ du lịch; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; phát triển đặc sản vùng đầm phá Tam Giang; phát triển rừng trồng bằng giống keo lai công nghệ khí canh và phát triển cây dược liệu bản địa gắn với du lịch; phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và thực phẩm truyền thống.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận và đánh giá cao buổi làm việc, cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của PGS. TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện và các cộng sự đã giúp đỡ tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp bền vững gắn với nâng cao thu nhập của người dân là vấn đề bức thiết hiện nay cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những vấn đề tỉnh gặp khó khăn, lúng túng thì hôm nay đã được GS. TS Nguyễn Thị Lan và cộng sự giải đáp và đưa ra các giải pháp, nhất là 4 định hướng chiến lược cho phát triển nông nghiệp.
Đối với tỉnh, lâu nay tỉnh rất tâm đắc làm sao phát triển một vùng cây ăn quả đặc sản, đặc hữu sản xuất theo hướng hàng hóa, phục vụ cho ngành kinh tế quan trọng là phát triển du lịch, giống như Sơn La. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan căn cứ vào đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng cụ thể, hướng tới sản phẩm cụ thể. Làm sao phát huy được thế mạnh của từng vùng miền, từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng, chú trọng 10 sản phẩm chủ lực của địa phương đã quy hoạch. Cần tập trung cho sản phẩm chủ lực về cả giống, quy trình khai thác, thu hoạch, chế biến, thương hiệu, thị trường để tạo thành chuỗi giá trị, đó là định hướng dứt khoát, đúng mà tỉnh hướng tới.
“Làm sao phát huy được 20.000ha đầm phá với đa dạng sinh học, đất ngập nước đặc thù để khai thác du lịch cũng là vấn đề cần lưu tâm. Phát triển nông nghiệp để phục vụ cho du lịch, để khai thác các thế mạnh khác biệt đặc thù riêng có của tỉnh là bước đi phù hợp mà tỉnh hướng tới”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu cần có kế hoạch, lộ trình huy động nguồn lực, huy động chuyên gia trong phát triển đề án. Mong muốn Học viện tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh thực hiện đề án thành công.
Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm với Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: https://thuathienhue.gov.vn