I. 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG VÀ 20 NĂM NGÀY DÂN VẬN CỦA CẢ NƯỚC
1. Sự ra đời và ý nghĩa của ngày 15/10
- Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31-10/1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận, Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ, (từ Thành ủy và Tỉnh ủy) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động". Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” và trên cơ sở sự ra đời của hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.
- Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay. Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Những chặng đường lịch sử công tác dân vận của Đảng
2.1. Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)
Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta lúc bấy giờ là nước thuộc địa nửa phong kiến, lại là nước nông nghiệp lạc hậu, để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng đã tổ chức cho các đảng viên đi vào các giai cấp, tầng lớp nhân dân, tuyên truyền vận động, tổ chức và tập hợp quần chúng nhân dân, huấn luyện họ đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột đòi dân sinh, dân chủ ở khắp mọi nơi. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương "vô sản hóa", tiến hành "ba cùng" với dân, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đem sức ta mà giải phóng cho ta. Sau cao trào cách mạng (1930-1931), đến thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), phong trào Phản đế (1939-1941) và phong trào Mặt trận Việt Minh (1941-1945), Đảng ta chủ chương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân và công tác Mặt trận. Quần chúng được tập hợp qua các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp. Đảng đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều… đây thực sự là bước phát triển mới trong việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng.
Đứng trước tình hình thế giới và trong nước có những biến động lớn, Đảng ta đề ra chủ trương phát động cao trào quần chúng chống Nhật - Pháp, gấp rút tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền; với khí thế của cả dân tộc bằng bạo lực chính trị, kết hợp với lực lượng vũ trang toàn dân đã đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng; Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền.
2.2. Công tác dân vận trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975)
Trong suốt 30 năm liên tục (1945-1975) của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng.
Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao cho. Nhân dân tin tưởng và che chở cho cán bộ khi bị địch truy lùng, chăm sóc chạy chữa khi đau yếu, móc nối khi mất liên lạc và đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi như con em trong gia đình. Trong những năm tháng đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"... đã rầm rộ phát triển, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong nhân dân cả nước, tất cả vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt và thủy chung, không gì lay chuyển được.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh; “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy tới mức cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
2.3. Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN
Khi cả nước bước vào thời kỳ mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới, Đảng ta động viên nhân dân cả nước nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã hướng vào vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đã đóng góp quan trọng vào các thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trong giai đoạn này, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét cả về lý luận và thực tiễn. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”; phải đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Nghị quyết 08B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Đây là sự tổng kết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về công tác vận động quần chúng của Đảng. Nghị quyết 08B nêu lên 4 quan điểm chỉ đạo công tác quần chúng của Đảng, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, bốn quan điểm này còn mang tính chiến lược đối với công tác dân vận của Đảng trong những giai đoạn tiếp theo của cách mạng, đó là: (1) Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; (2) Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; (3) Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; (4) Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
Tại Đại hội VII, Đảng ta xác định phải xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chính phủ ra các nghị định thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg về tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước...
Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ công tác vận động quần chúng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành các nghị quyết về: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “về Công tác dân tộc”; về “Công tác tôn giáo”. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã cụ thể hoá một bước quan điểm, tư tưởng Đại hội IX của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với nội dung và chất lượng mới, chỉ đạo công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”.
Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 về việc ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" một lần nữa khẳng định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác dân vận. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên của Đảng có tính chế định về chế độ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị nước ta.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” xác định mục tiêu: Củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nội dung Nghị quyết là những nhận thức mới về công tác dân vận và các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra có tính chất đột phá, khả thi trong tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh: Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh và phân vai, gắn trách nhiệm rất rõ: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt trong thực hiện công tác dân vận.
Sau đó, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành 2 quyết định quan trọng: Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội"; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" là bước đột phá mới về phát huy dân chủ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”. Cụ thể hóa Nghị quyết XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận và liên quan đến công tác dân vận, điển hình là: Ban Bí thư ban hành Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”…
Trong giai đoạn này, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp; Tăng cường thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến công tác dân vận, cuộc sống của nhân dân; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, nhất là trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, cụ thể, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Phát huy dân chủ, nhất là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
II. KỶ NIỆM 70 NĂM TÁC PHẨM “DÂN VẬN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
1. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm
Ngày 15/10/1949, trên báo Sự Thật, số 120 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z). Bài báo ra đời trong thời điểm công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc.
2. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm
- Tác phẩm rất ngắn gọn với dung lượng hơn 600 chữ, được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có tính khái quát cao; kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo. Nội dung gồm 4 phần: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào?
- Tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng, nêu rõ về bản chất, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, phương pháp, quy trình dân vận, tác phong người cán bộ dân vận.
- Thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng dân, tin dân, luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Là cở sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung; là cẩm nang cho các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị nghiên cứu, học tập, thực hiện tốt công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
- Là tác phẩm tiêu biểu để mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiên sỹ lực lượng vũ trang nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
III. 10 NĂM THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “DÂN VẬN KHÉO”
1. Mục đích, ý nghĩa phát động Phong trào thi đua “Dân vận khéo”
- Năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”. Ngày 11/8/2000, Thường vụ Bộ Chính trị ban hành Công văn số 4626-CV/VPTW về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện “Ngày Dân vận của cả nước”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị, ngày 22/8/2000, Ban Dân vận Trung ương đã triển khai Kế hoạch số 03-KH/BDVTW “Về việc tiến hành Ngày Dân vận của cả nước và Kỷ niệm 70 năm truyền thống công tác Dân vận của Đảng” với các nội dung, hình thức và phương pháp “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Năm 2009, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, tiếp tục mở rộng hình thức vận động quần chúng nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Ðảng, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTW, ngày 26/02/2009 về việc Tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” (giai đoạn 2009-2010) và Hướng dẫn số 151-HD/BDVTW, ngày 27/4/2009 về Tiêu chí cơ bản đánh giá điển hình “Dân vận khéo”.
2. Kết quả thực hiện
Từ năm 2009 đến năm 2018, sau gần 10 năm thực hiện, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã ban hành 2.754 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy chế, quy định, hướng dẫn phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Giai đoạn 2009-2010, cả nước đã xuất hiện hơn 200 nghìn mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đến năm 2015 đã có hơn 400 nghìn mô hình, điển hình, trong đó có 279 điển hình xuất sắc tiêu biểu trên các lĩnh vực được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận. Đến nay đã xây dựng được trên 863.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên cả nước.
- Trên lĩnh vực kinh tế, là lĩnh vực có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nhất. Tiêu biểu là trong sản xuất kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Phong trào đã đi vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, liên danh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm, kết hợp hài hòa giữa lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp.
Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” đã gắn với thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.
- Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, qua thực hiện phong trào và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; xoá bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, các hoạt động xã hội từ thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở; khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; cùng cấp ủy, chính quyền đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở; cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị; tham gia đấu tranh giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân.
- Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
- Tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
- Xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, gắn các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo, công nhân ở các khu công nghiệp, trong giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
- Hệ thống dân vận tăng cường tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng điển hình.
IV. LIÊN HỆ THỰC TIỄN
- Đánh giá việc tổ chức học tập, quán triệt tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận; những chuyển biến trong nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thời gian qua, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
- Đánh giá kết quả, kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hành công tác dân vận ở địa phương, đơn vị.
- Đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với chủ đề năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Di chúc của Bác; gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Năm Dân vận chính quyền 2019, Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”…
Nguồn: danvan.vn