1. Tỉnh táo trước những âm mưu đen tối của các phần tử xấu và Không để lòng yêu nước bị lợi dụng:
Trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, việc người dân bày tỏ quan điểm, thể hiện lòng yêu nước là rất đáng trân trọng. Chỉ đáng tiếc, trong khi đa số người dân đã thể hiện thái độ bình tĩnh, đúng mực, vẫn còn một số người do thiếu thông tin hoặc bị xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã bị cuốn theo “tâm lý đám đông” tiêu cực, rồi bày tỏ lòng yêu nước thái quá, không phù hợp với lợi ích quốc gia dân tộc.
Lòng yêu nước của nhân dân ta, như Bác Hồ từng khẳng định “đó là một truyền thống quý báu của ta”. Nhưng truyền thống quý báu đó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ; không có bất cứ thái độ, cử chỉ, hành vi nào làm tổn thương đến hình ảnh đất nước, phương hại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để lòng yêu nước chân chính của nhân dân không bị lợi dụng, các cấp ủy, chính quyền cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, tăng cường biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; đồng thời, chú trọng nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của dân. Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng tăng, nhu cầu của các tầng lớp nhân dân cũng ngày càng cao và đa dạng. Sự bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm, lối sống, ứng xử… của các thành phần trong xã hội, nhất là giới trẻ. Điều này đặt ra yêu cầu, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải chủ động, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân để thu hẹp những khoảng cách bất đồng, tháo gỡ mâu thuẫn, tìm biện pháp giải quyết và bảo đảm lợi ích tối ưu cho người dân.
2. Để "Cái tôi" yêu nước hòa vào "Nhịp đập chung" của cộng đồng:
Đất nước ta đã trải qua mấy chục năm chiến tranh đau thương, mất mát. Chúng ta giành được hòa bình, độc lập, thống nhất non sông như hôm nay phải đánh đổi bằng bao xương máu của thế hệ cha anh. Nhiều năm qua, Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá là một đất nước có nền chính trị ổn định, là điểm đến thân thiện, an toàn của hàng triệu du khách quốc tế và là một trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn. Những đánh giá, ca ngợi đó thể hiện sự khâm phục, ngưỡng mộ của bạn bè thế giới dành cho nhân dân ta, đồng thời cũng là một cách tôn vinh hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tình yêu nước không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà đôi khi bắt đầu bằng suy nghĩ giản dị là hiểu những gì mình đang có, những quyền lợi mình đang được thụ hưởng và cố gắng làm tốt công việc của mình; đồng thời, làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Ở chiều sâu hơn, đó là sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải gồng mình vượt qua và luôn tự nhắc nhở mình cần phải làm gì để chung tay góp sức với cộng đồng, nỗ lực vượt lên những thử thách ấy.
Tình yêu nước của mỗi người chỉ thật sự có giá trị khi biết khơi nguồn, lan truyền cảm hứng tình cảm thân thương của mình cho người khác và cộng đồng. Yêu nước vừa là “cái chung” của mọi người, vừa là “cái riêng” của mỗi con người. Và tình yêu nước chân chính chỉ thể hiện đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ khi “cái tôi” yêu nước của mỗi người luôn biết bắt nhịp, hòa chung với “cái tôi” yêu nước của cộng đồng, của mọi người trong xã hội.