Ấy là nói chuyện của thôn Lũng Phiắc, nơi đồng bào Nùng chiếm phần lớn số dân. Thôn này có trữ lượng quặng măng-gan khá lớn, dân gọi là vàng đen. Vàng đen lại nằm lộ thiên, cứ đào lên, vác qua biên giới là có tiền. Thực ra nghề đào quặng chẳng sung sướng gì nhưng nghề nông thất bát, nghề phụ không có, con gà con lợn cũng chẳng ở được với người cho nên cái khó bó cái khôn. Lại nữa, vì là thôn người Nùng, nằm giữa vùng người Tày chiếm đa số, đâm ra chỉ một chút lợi ích nho nhỏ cũng dễ khiến người ta nảy sinh tị nạnh, hiềm khích. Cán bộ xã đã không giải quyết được mà còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi lôi kéo anh em, họ hàng làm cán bộ. Người Lũng Phiắc rào làng, bất hợp tác với cán bộ. Ngăn cản việc họ đào quặng thì họ bao vây trụ sở UBND xã gây áp lực. Cả xã rối như canh hẹ.
Lúc đó, Thượng tá Mê Văn Đạt được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ vào xã Đàm Thủy làm Bí thư Đảng ủy xã theo chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới của Bộ Tư lệnh BĐBP. Về địa phương năm 2007, chỉ sau một năm, đồng chí Đạt đã củng cố được an ninh, chính trị, ngăn chặn được tình trạng khai thác lậu quặng măng-gan và quan trọng hơn cả là chiếm được tình cảm, sự tin tưởng của người dân. Từ đó đến nay ngót 12 năm đã trôi qua, đất thì quý người mà người cũng chẳng thể rời đất. Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh Phạm Văn Cao chia sẻ, vai trò của đồng chí Mê Văn Đạt là rất quan trọng đối với địa phương. Huyện ủy đã nhiều lần đề nghị Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh không rút đồng chí về.
Chúng tôi không hiểu vì sao đồng chí Mê Văn Đạt được người dân trân trọng, cấp trên tin tưởng đến thế? Khi gặp mặt, thấy Bí thư Đạt hiền lành, chất phác chẳng khác gì một anh… cán bộ thôn. Hỏi bí quyết “đắc nhân tâm”, anh Đạt chỉ cười hiền, nói chẳng có gì nhiều chỉ đơn giản là “công tâm” và “tâm công”. Công tâm là ngay thẳng rõ ràng, trước mọi vấn đề, tình huống đều không để xảy ra thiên lệch. Còn “tâm công” là đánh vào lòng người để họ tự nguyện theo. Chiến thuật “tâm công” có từ thời Nguyễn Trãi đánh quân Minh, vừa đánh vừa đàm khiến kẻ địch hoang mang lo sợ mà xin rút quân. Còn chiến thuật “tâm công” của Bí thư Mê Văn Đạt là khơi niềm tự tôn dân tộc, khơi nguồn sáng tạo, khao khát cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp ngay trong mỗi người dân nơi đây.
Muốn dùng được chiến thuật này, người dụng võ phải đánh giá đúng tình hình. Mà đánh giá đúng tình hình thì BĐBP làm rất tốt. Việc này tôi từng có trải nghiệm ở Đồn Biên phòng IA Lân, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Đại của đồn có sáng kiến đưa đảng viên về hỗ trợ cho chi bộ thôn, giúp họ làm nghị quyết chi bộ và nâng cao năng lực lãnh đạo. Ở xã Đàm Thủy đây cũng vậy, thời anh Mê Văn Đạt mới về, có tới 50% số cán bộ xã chưa học hết lớp bảy; nhiều thôn không đủ đảng viên để lập chi bộ; trình độ đảng viên thì không phân biệt nổi họp chi bộ đảng với họp tổ dân cư.
Bí thư Mê Văn Đạt nhớ mãi lần ra nghị quyết đầu tiên ở Đảng bộ xã Đàm Thủy. Anh đã cân nhắc từng câu, từng chữ trong đánh giá tình hình địa phương. Theo đó, người dân có bản chất tốt, lương thiện; nhưng vì nông nghiệp kém cho nên mới khai thác quặng trái phép; bức xúc kéo dài dẫn đến mâu thuẫn, chống đối chính quyền. Tiếp đó, anh đề ra những biện pháp khắc phục, giao người đảm trách từng lĩnh vực cụ thể. Bản thân Bí thư Đảng ủy xã đã đi tìm giống lúa mới năng suất cao để giúp dân; hễ có thời gian rảnh rỗi là anh tìm vào điểm nóng Lũng Phiắc để thuyết phục, vận động. Người dân lúc đầu lảng tránh, thậm chí còn dọa dẫm, nhưng dần dần họ thấy được sự nhiệt thành của người cán bộ này. Cuối cùng một vài người dân cũng xuôi theo nhưng vẫn nói “nếu không đủ ăn thì ông bí thư phải đền”. Anh Đạt vui vẻ nhận lời. Năm đó năng suất lúa chưa cao nhưng so với làm quặng thì đã hơn.
Không thỏa mãn với thành công bước đầu và cho rằng cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng, nhưng quyết định thành công phải là yếu tố con người, anh Đạt đã đề xuất với Đảng ủy xã và cấp trên đưa cán bộ đi học tập, đào tạo tại nhiều trường. Nhờ đó, lực lượng cán bộ xã từ chỗ có tới 50% số người trình độ dưới lớp 7 thì đến nay 100% đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (với tám người học đại học, hai người cao đẳng và 11 người trung cấp). Công tác xây dựng Đảng cũng được tổ chức và thực hiện bài bản, hiệu quả. Đảng bộ có 215 đảng viên, sinh hoạt ở 23 chi bộ trực thuộc. Bí thư Đảng ủy xã Mê Văn Đạt rất tâm đắc với lực lượng đảng viên này, anh nói: “Chính họ đã tạo nên diện mạo cho Đàm Thủy hôm nay!”.
Xã Đàm Thủy đang đứng trước những vận hội mới, đó là mục tiêu trở thành xã nông thôn mới và thị trấn du lịch trong năm 2020. Thời gian không còn dài nhưng người dân và cán bộ xã đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và tinh thần để “chuyển đổi về chất”. Đó là bố trí những chuồng trại tập trung xa khu dân cư, bê-tông hóa hàng nghìn mét đường liên thôn, những ngọn đèn an ninh thắp sáng ngõ xóm, là tinh thần mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống… Tất cả đều do người dân đóng góp, người dân hiến đất, người dân tự nguyện tham gia. Tất nhiên trong thành công hôm nay không thể thiếu bóng dáng, công sức của các bộ, chiến sĩ BĐBP của Đồn Biên phòng Đàm Thủy và đồng chí Thượng tá BĐBP, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mê Văn Đạt.