Đó là lời phát biểu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào chiều 22/10.
Cần điều chỉnh luật về tội phạm ma túy
Ông Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Quốc hội
Mở đầu bài phát biểu, ông Phan Ngọc Thọ nói rằng, Thừa Thiên Huế cũng như các địa phương khác trên cả nước đang rất khó khăn trong việc xử lý các đối tượng nghiện ma túy.
Việc đưa một đối tượng nghiện ma túy vào trại cai nghiện bắt buộc hiện nay rất khó khăn, phải thông qua nhiều thủ tục phiền hà. Đó là chưa kể trước khi phát hiện một đối tượng nghiện ma túy, các cơ quan chức năng gặp khó khi phải qua các thủ tục để giữ người, xét nghiệm, chờ kết quả….
Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ việc giám định, xét nghiệm ở các địa phương còn thiếu thốn. Nhân lực tại địa phương cũng chưa thật sự đáp ứng đủ yêu cầu công việc hiện tại và luật cũng không cho phép giữ người lâu. Chưa kể việc cai nghiện cho một người nghiện là khó vô cùng và mất rất nhiều thời gian.
Chính vì vậy, theo ông Thọ rất cần thiết phải xem xét việc điều chỉnh sửa đổi Luật Hình sự liên quan đến người nghiện ma túy để tăng tính răn đe, giáo dục. Hơn nữa, người nghiện ma túy chính là mối nguy cho xã hội, đặc biệt là ma túy đá. Ông Thọ nhấn mạnh nếu không luật không có sự thay đổi sớm sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt trong tình hình khi ma túy đang len lỏi vào học đường, nơi nuôi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước.
Công an Thừa Thiên Huế phá một đường dây mua bán ma túy
Một sự thật đáng buồn dù tỉ lệ ngành công an phá các chuyên án ma túy tăng cao nhưng tỉ lệ người nghiện ma túy không có dấu hiệu giảm xuống. Bởi thực chất, tụ điểm ma túy bị phá đi nhưng người nghiện vẫn còn đó. Họ lại chuyển sang tụ điểm khác để sử dụng ma túy vì chúng ta không đưa hết những người nghiện ma túy vào cải tạo, cai nghiện triệt để” – ông Thọ nói.
Cũng liên quan đến việc xử lý tội phạm, ông Thọ đề nghị phải thêm vào luật điều khoản chế tài buộc lao động công ích đối với những hình thức vi phạm chưa đủ xử lý hình sự. Theo ông Thọ, dư luận vừa qua nóng lên với nhiều vụ việc chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Như vậy không đủ tính răn đe và giáo dục.
“Việc đưa vào hình thức buộc lao động công ích không phải là mới. Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng hình thức này và mang lại hiệu quả giáo dục rất tốt. Những hành vi như uống rượu bia khi tham gia giao thông, xả rác… tôi đề nghị sớm đưa một số hành vi vào dự thảo luật để có những hình phạt hành chính bằng việc buộc lao động công ích.” – ông Thọ nói.
Rác thải nhựa: phải xử lý đầu ngọn
Theo ông Phan Ngọc Thọ, rác thải nhựa phải được xử lý từ ngọn
Liên quan đến việc hạn chế rác thải nhựa, ông Phan Ngọc Thọ nói rằng Thừa Thiên Huế là 1 trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc làm này với nhiều phong trào: Nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần, Ngày Chủ nhật xanh…
Tuy nhiên theo ông Thọ, với ý chí, quyết tâm của địa phương thôi không đủ. Bởi Huế cũng như các địa phương khác là nơi tiêu thụ rác thải nhựa chứ không phải là nơi sản xuất. “Rõ ràng trong việc này, muốn hạn chế rác thải nhựa thì chúng ta cần phải xử lý ở đầu ngọn chứ không thể xử lý cuối nguồn được” – ông Thọ nhấn mạnh.
Mà muốn xử lý đầu ngọn, theo ông Thọ cần phải có một đạo luật tầm quốc gia liên quan đến việc hạn chế sản xuất, tiêu thụ rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa sử dụng một lần.
“Theo chúng tôi khảo sát và ghi nhận, 1kg túi nilon nhựa chỉ có 35 nghìn đồng. Quá rẻ như vậy người dân sử dụng nhiều là đương nhiên. Thậm chí là phát cho không và phát nhiều cho người đi chợ nữa.” – ông Thọ nói.
Ông Thọ nhấn mạnh dù hiện nay Chính phủ áp thuế 20% cho các cơ sở kinh doanh túi nhựa nhưng việc làm này vẫn không đủ sức răn đe. Chưa kể những hộ sản xuất túi nilon nhỏ lẻ thường trốn thuế, vừa gây hại cho môi trường vừa gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Ông Thọ cho rằng chính bản thân các bộ ngành cần phải tham mưu cho Chính phủ để có những quyết sách nhằm giảm lượng rác thải nhựa mỗi năm trong chính ngành, lĩnh vực của mình. Ông Thọ ví dụ như ngành y tế ở Huế, mỗi năm chỉ riêng lượng phim X- quang chụp ra đã là… 12 tấn nhựa. Thực tế, người bệnh khi nhận phim nhựa này về cũng không dùng đến và loại rác thải nhựa này gần như không bị phân hủy trong môi trường.
“Cơ chế để lưu trữ những hình ảnh này Thừa Thiên Huế đã triển khai lâu rồi, đó là lưu trữ trên môi trường mạng, các phần mềm điện tử. Có nghĩa là về mặt chuẩn đoán bệnh cho bệnh nhân thì không ảnh hưởng gì cả. Nhưng thực tế nếu không có phim, bảo hiểm xã hội sẽ không thanh toán tiền viện phí cho bệnh nhân” – ông Thọ nói.
Ông Thọ nhấn mạnh rằng nếu các bộ, ngành cấp trên không đồng hành thì nhiều khi sẽ khiến địa phương nhụt chí trong việc cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Theo baothuathienhue.vn