Tìm kiếm tin tức
Pháp luật với bạn đọc: Nhà hàng xóm chăn nuôi mất vệ sinh, xử lý thế nào?
Ngày cập nhật 06/11/2019
Ảnh minh họa

Hiện nay, rất nhiều người nuôi lợn ngay trong khu dân cư khiến môi trường ô nhiễm và ảnh hưởng không nhỏ đến hàng xóm xung quanh. Vậy lúc này người nuôi lợn có phải chịu trách nhiệm gì không?

Có cấm nuôi lợn trong thành phố không?
 
Ngày nay, việc nuôi lợn vừa là nguồn thu nhập và cũng là nguồn thực phẩm quan trọng, cung cấp phần lớn thịt lợn cho thị trường. Tuy nhiên, khi nuôi lợn nhưng không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường lại ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh.
 
Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí là một trong những hành vi bị cấm.
 
Ngoài ra, sắp tới đây khi Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực thì sẽ cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trừ nuôi động vật làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường.
 
Như vậy, từ 01/01/2020 sẽ vẫn được phép nuôi lợn làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường nhưng nếu nuôi trong vùng không được phép nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thì sẽ bị cấm.
 
Trong đó, việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan này sẽ trình Hội đồng nhân dân quyết định.
 
Đặc biệt: Việc chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình phải đảm bảo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi:
 
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
 
- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ môi trường.
 
Như vậy, sắp tới đây, ngoài nuôi lợn làm cảnh, trong phòng thí nghiệm ... thì trong khu vực thành phố có thể sẽ bị cấm nuôi lợn.
 
Người nuôi lợn gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại?
 
Có thể thấy, việc nuôi lợn trong khu dân cư mà không có các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại… rất dễ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
 
Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định.
 
Theo đó, Điều 603 Bộ luật Dân sự hiện nay nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Lúc này, việc nuôi lợn khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân xung quanh thì chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường.
 
Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất… và tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu.
 
Không chỉ phải bồi thường, hành vi nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư còn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. (Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
 
Như vậy, người nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra với những người xung quanh.

 

 

Hoàng Thị Biên Thùy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 12.261.636
Truy cập hiện tại 2.603