Từ sáng ngày 06/10: cấm tàu thuyền ra khơi do thời tiết nguy hiểm
Ngày cập nhật 06/10/2020

Từ sáng 6/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu tuyệt đối không cho tàu thuyền (bao gồm cả các tàu đánh cá bãi ngang ven biển) ra khơi để ứng phó thời tiết nguy hiểm, không khí lạnh tăng cường gây gió giật mạnh ở ngoài biển.

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh sáng sớm nay (05/10), không khí lạnh đã tiến đến sát biên giới phía Bắc nước ta. Sáng nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc, chiều và đêm nay sẽ ảnh hưởng đến tỉnh ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3. Ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 4- 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8, biển động; khu Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Từ đêm 06/10 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông và rãnh thấp có trục qua Trung Bộ nên có mưa vừa, có nơi mưa to dến rất to và dông. Lượng mưa từ ngày 6- 9/10 phổ biến từ 150 – 300mm, có nơi trên 400mm. Sau đó từ ngày 10-15/10 thời tiết còn diễn biến phức tạp, mưa to kéo dài.

Để chủ động ứng phó với thời tiết có thể diễn biến phức tạp của thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và thành nhố Huế: các sở, ban ngành trong tỉnh triển khai các nội dung sau:

1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh). Thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai, thời tiết nguy hiểm xảy ra. Từ sáng ngày 06/10, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các tàu đánh cá bãi ngang ven biển).

Kiểm tra phương án sơ tán dân những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối; vùng ven biên, vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn.

2. Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

 Đối với các công trình thuỷ điện đang thi công dở dang, công tình chưa được phép tích nước, Sở Công thương chỉ đạo các chủ đầu tư mở các cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn; thực hiện các nội dung phương án đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Đối với các hồ thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đang thi công có phương án đảm bảo vận hành an toàn công trình đang thi công và an toàn vùng hạ du.

3. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, cửa sông, ven sông có phương án khơi thông dòng chảy; phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; Sở Giao thông vận tải tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn có phương án đảm bảo an toàn công trình, phương án chống va trôi các thiết bị đang thi công các công trình qua sông Hương, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, bộ trí lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

4. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

 5. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra./.

 
 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày