Chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố...
Ngày cập nhật 19/11/2020

Ngày 14 tháng 7 năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số nội dung được Nghị quyết thông qua, như sau:

Về chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, gồm 10 chức danh: Văn phòng Đảng ủy; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phụ trách Nhà văn hóa - Đài truyền thanh; Thủ quỹ.

Về số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Đơn vị hành chính cấp xã loại 1 được bố trí tối đa 12 người; Đơn vị hành chính cấp xã loại 2 được bố trí tối đa 11 người; Đơn vị hành chính cấp xã loại 3 được bố trí tối đa 09 người.

Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định cụ thể như sau: Văn phòng Đảng ủy: hệ số 1,8 lần mức lương cơ sở/tháng; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ: hệ số 1,2 lần mức lương cơ sở/tháng; Chủ tịch Hội Người cao tuổi: hệ số 1,2 lần mức lương cơ sở/tháng; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: hệ số 1,2 lần mức lương cơ sở/tháng; Phụ trách Nhà văn hóa - Đài truyền thanh    : hệ số 1,2 lần mức lương cơ sở/tháng; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: hệ số 1,0 lần mức lương cơ sở/tháng; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ: hệ số 1,0 lần mức lương cơ sở/tháng; Phó Chủ tịch Hội Nông dân: hệ số 1,0 lần mức lương cơ sở/tháng; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: hệ số 1,0 lần mức lương cơ sở/tháng; Thủ quỹ: hệ số 0,9 lần mức lương cơ sở/tháng.

Mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được quy định như sau: Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, thôn thuộc xã biên giới: Bí thư Chi bộ         có hệ số1,8 lần mức lương cơ sở/tháng; Trưởng thôn có hệ số 1,8 lần mức lương cơ sở/tháng; Trưởng Ban công tác Mặt trận hệ số 1,4 lần mức lương cơ sở/tháng. Tổ dân phố và các thôn còn lại: Bí thư Chi bộ có hệ số 1,1 lần mức lương cơ sở/tháng; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hệ số 1,1 lần mức lương cơ sở/tháng; Trưởng Ban công tác Mặt trận hệ số 0,8 lần mức lương cơ sở/tháng.

Đối với phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố: Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hoặc ở thôn, tổ dân phố. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Khuyến khích việc bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm thêm chức danh không chuyên trách khác. Đối với chức danh Thủ quỹ phải bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm. Người có quyết định kiêm nhiệm chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm hàng tháng bằng 70% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.

Về chế độ chính sách khác: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố có trình độ Đại học trở lên, hàng tháng được hưởng thêm hệ số 0,3 lần mức lương cơ sở.

Mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố: Đối với Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh; Chi hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ; Chi hội trưởng Hội Nông dân; Bí thư Chi đoàn thanh niên ở thôn, tổ dân phố: Quy định mức bồi dưỡng 300.000 đồng/người/tháng từ đoàn phí, hội phí, kinh phí hoạt động khoán cho các đoàn thể, các nguồn quỹ khác (nếu có) và từ nguồn ngân sách hỗ trợ.

Về mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã: Đối với các xã miền núi, bãi ngang: 17,5 triệu đồng/tổ chức/năm; Đối với các xã đồng bằng, thành phố: 15 triệu đồng/tổ chức/năm. Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố: Thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn: 03 triệu đồng/tổ chức/năm; Thôn, tổ dân phố còn lại: 02 triệu đồng/tổ chức/năm. Ngoài những chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định tại khoản 1, Điều 1 nghị quyết này, các chức danh khác ở cấp xã, mức phụ cấp và các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị quyết này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày