Thông tư nêu rõ, kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo.
Cùng với số kinh phí phục vụ bầu cử do ngân sách trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, yêu cầu công việc và khả năng ngân sách địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo HĐND cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác bầu cử tại địa phương.
Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử phải được các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả; sử dụng các phương tiện phục vụ các cuộc bầu cử trước đây hiện còn sử dụng được, huy động các phương tiện đang được trang bị ở các cơ quan, đơn vị để phục vụ cho nhiệm vụ bầu cử đảm bảo tiết kiệm chi cho NSNN.
Kinh phí phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được sử dụng chi cho các nội dung sau: Chi xây dựng các văn bản hướng dẫn; các báo cáo, văn bản liên quan; chi in ấn tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử; chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia; chi trang thiết bị phục vụ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; chi bảo đảm an ninh, trật tự, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động bầu cử; tổ chức các hội nghị; chi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử...
Mức chi cũng được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này, như: chi bồi dưỡng các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ 50.000 – 200.000 đồng/người/buổi.
Các cuộc họp khác liên quan đến công tác bầu cử, từ 50.000 - 150.000 đồng/người/buổi.
Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử: Bồi dưỡng theo mức khoán/tháng đối với một số đối tượng với mức chi từ 1.800.000 đồng/người/tháng đến 2.200.000 đồng/người/tháng...
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 8/1/2021.