Ngày 22 tháng 12 năm 2020 UBND xã Quảng thái ban hành Báo cáo về việc đánh giá kết quả xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã.
I. Khái quát đặc điểm, tình hình
Quảng Thái là một xã bãi ngang của huyện Quảng Điền, xã có 07 thôn. Diện tích tự nhiên khoảng 1832 ha; dân số có 1.477 hộ, 1825 khẩu; Đời sống nhân dân định cư hai vùng khác nhau đó là nông nghiệp và đầm phá, được cấp trên công nhận là xã loại II, trong năm qua thời tiết khí khí hậu khắc nghiệt, hiện tượng hạn hán, mưa lũ kéo dài nên phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và cơ quan chuyên môn Phòng Tư pháp và của Đảng ủy xã, sự cố gắng nỗ lực của UBND xã trong năm qua công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được quan tâm, chuẩn tiếp cận pháp luật đã được triển khai rộng rải trong nhân dân một cách thường xuyên từ đó cũng đã mang lại những kết quả nhất định. Cán bộ công chức của xã cũng được đào tạo và sắp xếp lại đúng với chuyên môn đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một số mặt khó khăn, nguyên nhân chủ yếu: tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo và thất nghiệp, tình hình hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn khá cao cũng đã làm giảm tiến độ phát triển kinh tế, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, dân cư sống rải rác không tập trung, trình độ dân trí không đồng điều nên hiểu biết về kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế đặc biệt là nhận thức về việc quyền và nghĩa vụ trong công dân còn hạn chế dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra; việc khai sinh, khai tử còn quá hạn vẫn còn xảy ra.
1. Kết quả đạt được
1.1. Về chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện
Trên cơ sở Báo cáo số 219/TP ngày 20/10/2020 của phòng Tư pháp huyện Quảng Điền về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020.UBND xã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND xã Quảng Thái thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật, đã triển khai cho toàn thể cán bộ từ xã đến thôn, đồng thời tổ chức thực hiện đảm bảo đúng theo tinh thần nội dung của kế hoạch đề ra. Nhằm đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở, qua đó có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
1.2. Về đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
a) Kết quả thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật:
- Có 5/5 tiêu chí tiếp cận pháp luật đạt từ 50% trở lên tổng số điểm tối đa
- Tổng số điểm bị trừ: 4.00 điểm
- Tổng số điểm đạt được của 5 tiêu chí: 96.00/100 điểm;
b) Đối chiếu với các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
- Điều kiện về tổng số điểm của từng tiêu chí : Tiêu chí 1 về Bảo đảm thi hành hiến pháp và pháp luật đạt: 15/15 điểm, tiêu chí này đạt;
- Điều kiện về tổng số điểm đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính Tiêu chí 2 đạt: 28.75/30 điểm, tiêu chí này đạt;
- Điều kiện về tổng số điểm của từng tiêu chí : Tiêu chí 3 về Phổ biến giáo dục pháp luật đạt: 22.5/25 điểm, tiêu chí này đạt.
- Điều kiện về tổng số điểm của từng tiêu chí : Tiêu chí 4 về Hòa giải ở cơ sở đạt: 9.33/10 điểm, tiêu chí này đạt.
- Điều kiện về tổng số điểm của từng tiêu chí : Tiêu chí 5 về thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt: 20/20 điểm, tiêu chí này đạt.
- Trong năm qua xã Quảng Thái không có cán bộ công chức cấp xã vi phạm kỷ luật theo quy định.
Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật và kết quả cuộc họp Ủy ban nhân dân xã ngày 18/12/2020, Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái tự đánh giá: xã Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
2. Những tác động
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân dân trong thi hành và chấp hành pháp luật, thu hút các tổ chức, đoàn thể ở xã tham gia; tăng cường cơ chế phối hợp phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, thúc đẩy, khuyến khích và thu hút sự quan tâm nhà nước và toàn xã hội đối với công tác này.
Tạo điều kiện cho việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của nhà nước thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin về chính sách và pháp luật. Thông qua việc đánh giá tiếp cận pháp luật của người dân để từ đó có giải pháp cải thiện các điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã đã có những tác động tích cực đến việc bảo đảm điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở.
Tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm cơ sở vật chất, các điều kiện khác nhằm nâng cao chất lượng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở từ đó có giải pháp xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; giúp cán bộ, công chức trong thi hành công vụ nhận thức được những ưu điểm, tồn tại và hạn chế để từ đó rút ra kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục, nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ đối với nhân dân.
Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật còn giúp người dân ở cơ sở nắm bắt, thực hiện và được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến đời sống của mình; phát huy quyền dân chủ trực tiếp; người dân được tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống khu dân cư cũng như được hưởng những chính sách xã hội theo quy định.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật, cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân đối với thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tháo gỡ kịp thời mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn xã đòi hỏi phải đặc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể xã mới có nhiều chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao.
3. Thuận lợi, vướng mắc
a. Thuận lợi:
Sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy và sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể cấp xã trong việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật của người dân trong thời gian qua.
Biết vận dụng bằng nhiều biện pháp phù hợp với các cơ quan, trường, trạm, các thôn; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hệ thống loa truyền thanh được trang bị rộng khắp trên địa bàn 07 thôn giúp việc tuyên truyền pháp luật đến người dân được nắm bắt dễ dàng, đưa nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từ đó kết quả đạt được khá tốt.
Được sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn của các phòng chuyên môn cấp huyện, cùng với sự nỗ lực của xã, phương pháp tuyên truyền pháp luật nhằm nâng chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân ngày càng được đổi mới.
b. Vướng mắc:
Tuy đã được trang cấp đường dây hữu tuyến và hệ thống loa đài cho các thôn nhưng vẫn còn thiếu, việc trí đặt loa đài chưa phù hợp với từng thôn nên một số người dân chưa nắm được thông tin kịp thời trên hệ thống loa đài.
Việc tiếp cận các văn bản pháp luật của các cán bộ chuyên môn chưa kịp thời nên việc tuyên truyền pháp luật đến người dân còn có phần chậm trễ.
4. Sáng kiến, kinh nghiệm
- Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, HĐND xã là nhân tố quyết định trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân.
- Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được quan tâm và thực hiện đồng bộ của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn và quần chúng nhân dân.
- Quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên cấp xã nhằm nâng cao kỷ năng tuyên truyền pháp luật cho lực lượng làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã.
II. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
1. Khó khăn, hạn chế
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cải thiện, điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân của một số ban, ngành còn chậm so với kế hoạch đề ra; hoạt động, phối hợp giữa các thành viên của xã còn mang tính hình thức. Công tác phối hợp giữa các ngành và các đoàn thể có một số mặt chưa được đồng bộ, còn nặng về công tác chuyên môn.
- Trình độ, năng lực của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở xã chưa được chuyên sâu, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế. Hình thức và phương pháp tuyên truyền chưa được đa dạng hoá và đổi mới; nội dung tuyên truyền còn dàn trãi, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
- Việc hỗ trợ kinh phí và trang bị phương tiện, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
2. Nguyên nhân
- Vai trò chủ động phối hợp thực hiện của cán bộ xã, các ban ngành với Tư pháp xã còn hạn chế; hoạt động tuyền truyền pháp luật , phổ biến, giáo dục pháp luật cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân thiếu chiều sâu.
- Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của xã còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực; kỹ năng tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.
- Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa tương xứng; cần hổ trợ chế độ bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác tuyên truyền pháp luật cấp xã.
III. Giải pháp
Để khắc phục, cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức, mô hình phù hợp như: Tại các nhà văn hóa thôn, nên bố trí phòng đọc, các văn bản pháp luật hoặc các thủ tục hành chính liên quan đến sinh hoạt cộng đồng, nên in tờ gấp, tờ rơi, nội dung ngắn gọn dễ cập nhật tạo điều kiện trong giao dịch.
Thứ hai, công khai minh bạch công tác đánh giá tiếp cận pháp luật: Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có vai trò quan trọng đối với địa phương trong quá trình quản lý, điều hành nhà nước ở địa phương, đồng thời là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân của đơn vị.
Thứ ba, tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá CTCPL của UBND xã, tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, thực hiện khen thưởng, xử lý vi phạm, không phô trương, chạy đua, đánh giá không đúng với các tiêu chí đề ra. Việc đánh giá CTCPL của người dân ở cơ sở cần gắn với an ninh, chính trị, an toàn xã hội; tình hình vi phạm pháp luật và đời sống của người dân tại cơ sở. Chú trọng đến các văn bản, lĩnh vực có nội dung thiết thực, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân như đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, bình đẳng giới và các hương ước, quy ước tại khu dân cư.
Thứ tư, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức xã. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cơ quan hành chính các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ năm, kinh phí đầu tư cho công việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở phải được đảm bảo hàng năm, để phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
Thứ sáu, về mặt thể chế, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, chỉnh sửa các tiêu chí tiếp cận pháp luật, bảo đảm sát với thực tế; việc đánh giá theo hướng dễ làm, dễ thực hiện, không tạo gánh nặng, áp lực cho chính quyền địa phương, nên có sự tham gia của người dân vào quá trình đánh giá bằng cơ chế, phương thức phù hợp.
VI. Kiến nghị, đề xuất
- Đề nghị Cấp trên biên soạn đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng chuyên đề; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
- Xem xét tăng mức chi cho công tác phổ biến pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật, chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp xã.
Trên đây là Báo cáo thực hiện công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 trên địa bàn xã Quảng Thái./.