Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân
Ngày cập nhật 31/12/2020

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chiều 30/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 11843/UBND-NN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các sở, ban, ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các sở, ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt UBND cấp xã, các ban, ngành khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 8711/CT-BNN-TY ngày 11/12/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân và Chỉ thị số 8364/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó cần tập trung các giải pháp chính sau:

1. Bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia đã được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 04/6/2019; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1848/QĐ-UBND ngày 24/7/2020.

2. Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh VDNC báo cáo với chính quyền, cơ quan thú y triển khai các biện pháp chống dịch; tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài này.

3. Chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 30/12/2020 đến ngày 30/01/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

4. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh CGC, LMLM, Tai xanh và các bệnh truyền nhiễm thông thường khác. Xây dựng phương án, bố trí kinh phí mua vắc xin VDNC để tiêm phòng cho trâu bò khi có vắc xin theo sự chỉ đạo của Trung ương.

5. Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

6. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

7. Thành lập các Đoàn công tác cấp tỉnh, huyện, xã đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như CGC, LMLM, DTLCP,… để kiểm soát, chủ động phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài (nếu có); công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

8. Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

9. Bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi năm 2021 theo Quyết định số 1848/QĐ-UBND ngày 24/7/2020 của UBND tỉnh và kinh phí mua vắc xin VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020, dự trữ hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

10. Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; thường xuyên thông báo về UBND tỉnh để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày