Pháp lệnh này quy định chế độ ưu đãi đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh tại Điều 24 với nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể:
- Trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể và loại thương binh (trước đây căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh);
- Trợ cấp người phục vụ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống trong gia đình;
- Phụ cấp hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;
- Phụ cấp đặc biệt hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng;
- Bảo hiểm y tế;
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
- Ưu tiên, hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể;
- Chế độ ưu đãi tại điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này (phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; cải thiện nhà ở; miễn giảm tiền sử dụng đất; ưu tiên giao đất, thuê đất; vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế…) (mới, trừ quy định về phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình...);
- Được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh (mới).
Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.