Năm 2020 vừa qua, Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền được Tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhưng các sản phẩm làng nghề mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú vẫn tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Doanh thu năm vừa qua của HTX đạt 5,4 tỷ đồng, bằng doanh thu của năm 2019. Vì vậy, HTX là một trong những đơn vị được UBND tỉnh tặng cờ thi đua.
Hiện tại HTX mây tre đan Bao La có 132 lao động làm việc thường xuyên, với mức thu nhập ổn định từ 3,4 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/ tháng/ lao động. HTX đã sản xuất hơn 500 mẫu mã, sản phẩm khác nhau, bao gồm cả sản phẩm truyền thống như: rỗ rá, dần, sàn và các sản phẩm hiện đại như: các loại đèn trang trí, khay, mâm ngũ quả…nhờ đưa vào sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại nên đã tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, bắt mắt. Trong thời gian qua, nhờ chủ động trong công tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm của làng nghề mây tre đan Bao La làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Năm 2021 này, HTX phấn đấu doanh thu đạt mức từ 6,5 tỷ đến 7,5 tỷ đồng.
Tại nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề Mây tre đan Bao La
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Võ Văn Dinh – Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú cho biết: “bộ sản phẩm đèn trang trí, rỗ rá của làng nghề được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020 vừa qua, năm 2021 này, một tín hiệu vui và phấn khởi cho HTX và bà con làng nghề là HTX được Trung ương chọn làm điểm để công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương. Hiện nay, HTX đang không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, tích cực sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường, phấn đấu sớm được Trung ương công nhận các sản phẩm của làng nghề là sản phẩm 5 sao”
Trà rau má Quảng Thọ cũng là một trong 02 sản phẩm của huyện Quảng Điền được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và được thị trường tiêu thụ hết sức ưa chuộng. Trước đây, người dân trồng rau má theo phương thức truyền thống, không liên kết trong sản xuất nên giá thành thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, Từ vùng trồng rau má với ban đầu với diện tích 25 ha, đến nay, toàn xã Quảng Thọ đã mở rộng diện tích lên 60 ha trồng theo hướng Vietgap. Để nâng cao thu nhập cho người dân, HTX đã đứng ra kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất. Đến nay, HTX sản xuất thành công các loại sản phẩm trà túi lọc và trà sấy khô, bột rau má matcha. HTX thành lập các điểm cung ứng sản phẩm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh...
Theo ông Nguyễn Lương Trí – Giám đốc HTX Quảng Thọ, xã Quảng Thọ cho biết: “Nhờ chủ động trong sản xuất, kinh doanh, gắn công tác sản xuất an toàn với chế biến, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nên đã góp phần giúp người dân nâng cao thu nhạp, ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân 1 ha rau má của xã đạt khoản 250 triệu đồng/ năm”.
Theo phòng NN và PTNT huyện Quảng Điền cho biết: huyện Quảng Điền hiện có 02 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận là sản phẩm 4 sao; năm 2021 này, trên địa bàn huyện có 02 sản phẩm được Trung ương chọn làm điểm để xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao gồm: sản phẩm làng nghề mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú và sản phẩm mắm, nước mắm của làng nghề Tân Thành, xã Quảng Công; Sản phẩm bún bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh đã hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận là sản phẩm 3 sao; Sản phẩm rau sạch Quảng Thành đang hoàn thành nhà xưởng để đủ điều kiện trình hồ sơ cấp trên đề nghị công nhận sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, huyện Quảng Điền cũng xin kinh phí hỗ trợ từ UBND tỉnh để xây dựng 02 sản phẩm OCOP trong năm 2021 này đạt 3 sao gồm: làng nghề du lịch cộng đồng sinh thái Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi và sản phẩm mướp đắng ở xã Quảng Thái.
Ông Ngô Văn Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, xác định chương trình “Mỗi xã một sản phẩm là một trong những nội dung trọng tâm trong xây dựng NTM và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của huyện nhằm mở rộng diện tích để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển sản phẩm, hướng đến chứng nhận OCOP. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất một sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, Huyện Quảng Điền sẽ chọn các sản phẩm nổi bật, có lợi thế để ưu tiên đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung phát triển sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tiến hành đăng ký nhãn hiệu và làm tốt công tác quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, hội thảo… nhằm giúp cho các sản phẩm của huyện có chổ đứng trên thị trường, tạo điều kiện để xây dựng các sản phẩm OCOP./.