Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2010 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thuộc địa bàn quản lý; đặc biệt là cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc tuyên truyền, phổ biến phải tập trung các nội dung cơ bản của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và 05 nội dung đã được đính chính tại Công văn số 298/CP-V.I ngày 22/7/2019 của Chính phủ về việc đính chính Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổ chức, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về PCTN; đội ngũ giáo viên, giảng viên được phân công giảng dạy về pháp luật PCTN tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, những người tình nguyện giảng dạy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật PCTN, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP phải tập trung triển khai sâu rộng bằng các hình thức, biện pháp thiết thực hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và đồng bộ nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến được lồng ghép thông qua các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân trên các địa bàn dân cư.
Tại các buổi tuyên truyền, phổ biến cần nêu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác PCTN; tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác PCTN; đánh giá thực trạng, nguyên nhân kết quả việc thực hiện công tác PCTN trên địa bàn trong thời gian qua và các giải pháp PCTN đã và đang thực hiện để có hướng chỉ đạo, thực hiện trong thời gian đến.
Công văn cũng nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng và tổ chức quán triệt những quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đơn vị, ngành mình. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật PCTN, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Xác định các quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trong công tác PCTN.